Du lịch khốn vì… vệ sinh! - Có cũng như không

31/08/2009 23:50 GMT+7

Cà Mau hút hồn du khách bằng những cánh rừng tràm, rừng đước còn đậm nét hoang sơ, những dòng sông đầy ắp phù sa, tôm cá và đặc biệt là Mũi Cà Mau - một trong hai biểu tượng của sự vẹn toàn đất nước, nơi đất “biết đi”...

Thế nhưng, chuyến hành trình về Đất Mũi của du khách bỗng mất vui khi hầu hết các khu du lịch ở đây đều thiếu nhà vệ sinh (NVS); hoặc nếu có thì quá nhếch nhác, dơ bẩn. Khu du lịch Rừng quốc gia U Minh Hạ mỗi ngày đón hàng trăm du khách đến tham quan. Thế nhưng cả khu du lịch chỉ có duy nhất một NVS nằm ở khu vực nhà hàng. Nếu khách đi vào rừng tham quan, câu cá mà lỡ “bức xúc” thì... chịu, vì không tìm đâu ra NVS. Nhiều du khách phải “tự cứu mình” bằng cách tìm đại một bụi cây nào đó để “giải quyết”. Nhưng ở vùng U Minh không phải cứ vào đại lùm cây, bụi cỏ như các chỗ khác là xong đâu. Ở đây muỗi vắt  “đầy trời”, cho nên khi xong chuyện, thế nào mình mẩy cũng bị côn trùng hành hạ “bầm dập”!

Anh Ng.M.T - một hướng dẫn viên du lịch - kể: có lần anh dẫn một đoàn khách vào tham quan Rừng quốc gia U Minh Hạ. Nửa chừng anh thật sự “chết đứng” khi một nữ du khách đòi đi vệ sinh. Không có NVS, hướng dẫn viên thì không giúp gì được nên mấy phụ nữ đi cùng đoàn phải quây lại che chắn giúp chị này. Khổ nỗi, khi đã trút được “bầu tâm sự” thì lại bị con vắt bám vào chỗ... khó nói. “Chuyện xảy ra đã hơn một năm rồi, nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn... run” - anh T. nói.

Vào rừng đã khổ, khi ra khu vực nhà hàng của khu du lịch khách còn khổ hơn. Do chỉ có duy nhất một NVS nên vào các ngày lễ, ngày đông khách, ai có nhu cầu phải “xếp tài” chờ lượt. Những ngày cúp điện, NVS không có nước dội, mùi hôi không chịu nổi. Trong khi đó, các nam du khách cứ vô tư... “sinh thái”  quanh quẩn các đám tràm gần nhà hàng, khiến nơi đây bốc mùi rất khó chịu mỗi khi có cơn gió thổi qua.  

Một điểm tham quan mà ai đặt chân đến Cà Mau cũng muốn vào, đó là Công viên Văn hóa - nơi duy nhất có vườn chim nằm ngay sát trung tâm thành phố. Nhưng vào đây rồi du khách bối rối, không biết xử trí thế nào mỗi khi có nhu cầu đi vệ sinh. Mặc dù Công viên có 2 khu NVS, nhưng ở cả 2 khu thì NVS nữ đều bị khóa bằng ổ khóa rất cẩn thận (!?), nên tất cả khách tham quan, cả nam lẫn nữ, khi có nhu cầu giải quyết đều... dồn vào một chỗ. Các cánh cửa NVS đều bị hư, đi từ xa khách đã nghe mùi. Đó là chưa kể do không được chùi rửa thường xuyên, nên sàn nhà, bàn cầu rất bẩn thỉu. Khi được hỏi sao các NVS của công viên không được sửa sang lại để phục vụ khách tham quan, ông Trương Hoàng Th., nhân viên ở đây giải thích: “Chắc do kinh phí đơn vị đang gặp khó khăn, vả lại các NVS đó vẫn còn sử dụng được mà. Không có chốt khóa, nhưng cửa vẫn đóng được, vào khép lại là ổn rồi” (!?).

Bao giờ NVS ở các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau được xây dựng đàng hoàng, sạch sẽ để du khách gần xa khỏi phải chịu cảnh đi vệ sinh... “sinh thái” như thời gian vừa qua? Câu hỏi này chắc không khó trả lời, nếu như được sự quan tâm của các ngành chức năng. 

Vệ sinh “sinh thái” ở Bạc Liêu

Khu du lịch biển Nhà Mát là một khu du lịch sinh thái khá nổi tiếng ở tỉnh Bạc Liêu. Ngoài các khu vui chơi giải trí ven cánh rừng ngập mặn là một bãi biển bồi ngút mắt. Bình quân mỗi năm nơi đây thu hút khoảng 300 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi, giải trí. Thế nhưng, một điều nghịch lý là tại khu du lịch khá bề thế này lại không có một khu NVS nào. Du khách đến đây mỗi khi... “bức xúc” chỉ có thể giải quyết bằng cách... “sinh thái”!

 
 Hiện một vài hộ dân ở Khu du lịch biển Nhà Mát Bạc Liêu đã dựng một số NVS “dã chiến” để đáp ứng nhu cầu của du khách. Gọi là NVS cho “oai”, chứ thực chất đó chỉ là không gian nhỏ nằm bên trong 4 cây mắm, được bao quanh bởi một tấm bạt nhựa hay tôn cũ. Trong ảnh: NVS "dã chiến" ở trong Khu du lịch biển Nhà Mát Bạc Liêu (Ảnh T.T.Phong).

Ông Nguyễn Thanh Cường, một du khách đến từ TP.HCM, cho biết: “Trong suốt một buổi sáng tham quan, mặc dù “rất kẹt” nhưng chạy vòng vòng khu du lịch này không kiếm đâu ra một NVS công cộng, thế là tôi phải thập thò đi vệ sinh... sinh thái” (đi vệ sinh ở bên trong đám rừng phòng hộ trong khu du lịch). “Đàn ông còn đỡ, chớ phụ nữ thì... kẹt. Có lẽ họ phải “nín” - ông Cường nói.

Theo BQL Khu du lịch biển Nhà Mát thì sở dĩ khu du lịch này không có NVS vì đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn chỉnh. Còn chừng nào các NVS công cộng được xây dựng thì vẫn... “chưa xác định được” (!?).

Trần Thanh Phong

 

“Các điểm tham quan ở TP.HCM như địa đạo Củ Chi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, biển Cần Giờ..., NVS mới chỉ đạt ở mức độ tương đối sạch. Còn ở ĐBSCL, các điểm tham quan hầu hết đều không đáp ứng yêu cầu. Nhất là các điểm đến là nhà vườn tư nhân, do phong tục tập quán miền quê, nên người dân không quan tâm đến NVS cho lắm. NVS ở đây phần lớn ở ngoài trời, được dựng lên sơ sài, không người dọn dẹp, ngay cả tôi còn không dám vào, huống chi là khách." (Chị Dương Minh Phượng, hướng dẫn viên tự do tiếng Nhật)

Trần Tâm (ghi)

Biết lắng nghe “nhu cầu khó nói” của du khách

Các điểm du lịch lớn tại TP Nha Trang đều có NVS công cộng. Tại Tháp Bà Ponagar, nơi mỗi ngày đón khoảng 300 lượt khách, một khu NVS khang trang được xây dựng mới cách đây khoảng 3 năm, nằm thụt xuống như tầng hầm, vừa hợp mỹ quan vừa sạch sẽ.

Điểm yếu hiện nay của ngành du lịch Việt Nam là thiếu NVS công cộng. Nhiều nhà quản lý không quan tâm đến vấn đề này, nhưng khách du lịch thì rất bức xúc

Ông Bùi Xuân Lương, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa

Tại đây mỗi ngày có 2 ca trực, mỗi ca trực luôn có 2 nhân viên dọn vệ sinh. Tại khu du lịch Hòn Chồng, NVS cũng khá sạch sẽ, luôn có người quét dọn hằng ngày. Tại cảng Nha Trang, nơi thường xuyên đón du khách quốc tế bằng đường biển, NVS cho du khách và công nhân được xây riêng biệt; luôn có nhân viên dọn sạch sẽ mỗi khi có thông báo tàu chở khách chuẩn bị cập cảng. Tại công viên bờ biển dọc đường Trần Phú, có 12 NVS, trong đó có 3 NVS thông minh (sử dụng bằng tiền xu, NVS tự mở cửa, tự xả nước...).

Ngoài ra, mỗi dịp lễ hội lớn, Công ty môi trường đô thị Nha Trang đều bố trí thêm một số NVS lắp ghép để tăng cường. Vì vậy, tuy chưa thể nói là tuyệt đối, nhưng nhìn chung các điểm du lịch ở Nha Trang đã đáp ứng được “nhu cầu khó nói” của du khách và người dân địa phương. Hiện UBND TP Nha Trang đang chỉ đạo Công ty môi trường đô thị Nha Trang và các đơn vị liên quan tính toán để xây dựng thêm một số NVS tại các vị trí hợp lý dọc bờ biển và một số công viên trong thành phố.

 Nhà vệ sinh ở công viên bờ biển Nha Trang - Ảnh: Văn Kỳ

Ông Bùi Xuân Lương, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cho biết: “Điểm yếu hiện nay của ngành du lịch Việt Nam là thiếu NVS công cộng. Nhiều nhà quản lý đã không quan tâm đến vấn đề này, nhưng khách du lịch thì rất bức xúc.

Nha Trang trước kia cũng rất yếu kém về NVS công cộng. Sau đó, các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến thành phố thường xuyên có văn bản chỉ đạo về vấn đề này, các nhà quản lý cũng đã biết lắng nghe nhu cầu của khách du lịch. Vì vậy mà những năm gần đây, nhiều điểm du lịch đã đầu tư xây dựng hệ thống NVS khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa đáp ứng tốt vấn đề này. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục” .

Văn Kỳ

Gia Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.