Du lịch khốn vì… vệ sinh! - Xây nhà vệ sinh sao quá khó?

02/09/2009 23:01 GMT+7

Hầu hết đại diện ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT-DL) các địa phương miền Trung đều nhìn nhận thực trạng nhà vệ sinh (NVS) thiếu và yếu tại nhiều điểm du lịch, nhưng khi hỏi về giải pháp thì nại khó...

"Chưa có biện pháp"

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Bình, thừa nhận hệ thống NVS ở Khu du lịch Phong Nha còn nhiều bất cập, việc khách phàn nàn là đúng sự thật và đã từ lâu nhưng chưa có biện pháp khắc phục; nhất là vệ sinh trong hang động còn thiếu, các bến chờ cũng cần được tăng thêm NVS công cộng thuận lợi cho du khách.

"Chúng tôi tiếp thu ý kiến phản ánh và sẽ bàn bạc thảo luận với Ban quản lý để tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp khắc phục sớm nhất. Việc vệ sinh trên thuyền là bất khả kháng vì thuyền nhỏ mới vào được trong động và đây là thuyền du lịch khi vào mùa du lịch, bình thường còn là phương tiện vận chuyển khác của người dân nên chuyện bố trí vệ sinh trên thuyền thì cả người dân và nhà quản lý chưa nghĩ đến. Nhưng để phục vụ khách tối đa trong tương lai, thuyền du lịch có phòng vệ sinh sẽ được nghiên cứu nghiêm túc. Các điểm du lịch khác như bãi biển Nhật Lệ, Quang Phú đang khắc phục dần vì Ban quản lý các bãi biển vừa mới được UBND TP Đồng Hới thành lập. Chúng tôi cũng tiếp thu và sẽ đề nghị UBND H.Quảng Ninh tăng cường quản lý, trích ngân sách giao cho UBND xã Trường Xuân làm một số điểm vệ sinh tạm thời, cử người thu dọn vệ sinh bảo vệ môi trường trên núi Thần Đinh; khi đầu tư đồng bộ mới đưa vào khai thác du lịch", ông Kỳ nói.

 "Chờ nghiên cứu"!

Vấn đề xây dựng NVS trong các di tích này đang gặp phải nhiều khó khăn cả về kinh phí lẫn thủ tục cấp phép xây dựng rất phức tạp
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên-Huế

Theo báo cáo tình hình hoạt động du lịch 7 tháng đầu năm 2009 của Ban chỉ đạo về du lịch, tỉnh Quảng Trị đã đón 247.950 lượt khách (43.350 lượt khách quốc tế và 204.600 lượt khách nội địa), bằng 129% cùng kỳ năm 2008. Tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch bố trí trong kế hoạch năm 2009 là 30 tỉ đồng.

Tuy vậy, thực trạng không có NVS hoặc có nhưng không đảm bảo tại nhiều địa điểm du lịch, mua sắm trên địa bàn tỉnh nhận khá nhiều lời phàn nàn từ du khách, lại không được nêu ra trong bản báo cáo này. Về việc này, ông Võ Đình Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị), cho rằng: "Tôi thấy các khu vệ sinh cũng có đến nỗi gì đâu, mà nếu có thì nói thật chúng tôi cũng chỉ có thể quản lý trên tổng thể thôi chứ làm sao đi vào từng NVS mà xem nó thế nào được. Chúng tôi cũng đã họp bàn thường xuyên, làm việc trực tiếp với ban quản lý các khu du lịch, mua sắm thì họ hứa sẽ quan tâm đến khu vệ sinh, nhưng mình nói là nói còn họ làm không lại là việc khác".

Nhà vệ sinh Khu du lịch Ngũ Hành Sơn đã trở nên khang Trang - Ảnh: K.V

Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, PV đã liên lạc để đăng ký làm việc với một số vị lãnh đạo liên quan, nhưng đa phần đều "né". Ông Nguyễn Quốc Thành, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL (phụ trách du lịch), cho biết ông đang công tác ở Hà Nội "tôi sẽ nghiên cứu rồi trả lời".

Còn ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên công trình đô thị Huế, đơn vị trực tiếp được giao phụ trách công tác vệ sinh môi trường tại đô thị Huế, thì cũng bận họp.

Riêng ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên-Huế, đơn vị quản lý rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và quốc gia trên địa bàn tỉnh, than rằng "vấn đề xây dựng NVS trong các di tích này đang gặp phải nhiều khó khăn cả về kinh phí lẫn thủ tục cấp phép xây dựng rất phức tạp" (?!).

 

Nỗi niềm từ lâu nay...

Ngày 26.8, một ngày sau khi Thanh Niên đăng bài Du lịch khốn vì... vệ sinh phản ánh NVS số 2 ở núi Thủy Sơn bị khóa cửa và đống gỗ chắn ngang đường đi vào, Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã có công văn phản hồi cho biết: "Ngay sau khi báo phản ánh, đơn vị đã lập tức cho tổ vệ sinh môi trường làm bảng chỉ dẫn, bố trí người trực trông coi và mở cửa để đón khách. Đến nay NVS này đã được đưa vào sử dụng với đầy đủ điện, nước, giấy vệ sinh và xà phòng diệt khuẩn... Ban quản lý tiếp thu ý kiến và chân thành cám ơn sự phản ánh kịp thời của quý báo, qua đó giúp đơn vị thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình...". Sáng 28.8, chúng tôi trở lại địa điểm này và thấy NVS đã được dọn dẹp lại phía ngoài, lối đi rộng, thoáng, bên trong được lau chùi rất sạch sẽ.


Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, bày tỏ: "Vấn đề NVS là nỗi niềm từ lâu nay của những người làm du lịch nên khi Thanh Niên phản ánh, chúng tôi rất ủng hộ. Công tâm mà nói thì hiện tại NVS ở ta vẫn chưa được quan tâm thực sự, đúng mức, và Đà Nẵng cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Tôi cho rằng vấn đề nổi cộm nhất về vệ sinh - môi trường liên quan trực tiếp đến ngành du lịch hiện nay là vấn đề NVS và rác thải. Sau khi Thanh Niên phản ánh về tình trạng hiện tại của các NVS ở các điểm du lịch Đà Nẵng, với chức năng của Sở là cơ quan tham mưu đề xuất cho cấp trên, chúng tôi đã cho rà soát lại toàn bộ hiện trạng NVS các điểm du lịch và đã có văn bản gửi đến UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng như các đơn vị quản lý trực tiếp khu du lịch để khắc phục ngay". (Nhóm PV)

NVS chờ... quy hoạch

Ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhìn nhận tại các bãi tắm chưa được đầu tư thì hầu như không có NVS công cộng nào. Tại các bãi tắm ở Long Hải, khu vực Dinh Cô không có bất kỳ một NVS công cộng nào mặc dù nơi đây ngành du lịch đang bắt đầu phát triển. Điều khó khăn hiện nay là các bãi tắm chưa có quy hoạch nên các đơn vị kinh doanh chưa thể làm NVS công cộng được. Họ chỉ làm NVS tạm bợ, nhưng như thế đối với ngành du lịch thì đó là quá phản cảm. Ông Việt kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần đầu tư NVS công cộng tại các điểm đã đưa vào kinh doanh, khai thác du lịch. Đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh du lịch thì phải đầu tư NVS thật sạch sẽ và nghiêm túc. (Nguyễn Long ghi)

Ông Thái Ngọc Bích, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết ở nội thành Quy Nhơn, UBND thành phố đã bố trí một số NVS công cộng nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, công viên ven biển, song chưa thật sự bài bản. "Đây cũng là một vấn đề bức xúc và chúng tôi đã có kế hoạch khắc phục. Hiện thành phố đang tập trung hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chống ngập lụt. Việc đầu tư xây dựng NVS công cộng hiện đại phục vụ du lịch sẽ được đầu tư vào giai đoạn 2010 - 2014 thuộc dự án vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn. Thời gian triển khai tuy có chậm, nhưng đầu tư thì phải có quy trình", ông Bích nói. (Đình Phú ghi)

Nhạc sĩ Sơn Lương, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Sóc Trăng, xác nhận NSV ở nhiều điểm du lịch còn thiếu và dơ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài. "Chúng tôi cũng ý thức rất rõ tầm quan trọng của NVS ở các khu du lịch, vì đây là nhu cầu rất cơ bản của con người. Hiện chúng tôi cũng đang điều tra thực tế ở các khu du lịch để lập đề án trình lãnh đạo tỉnh xin kinh phí khắc phục… Riêng với điểm du lịch chùa Dơi, tỉnh vừa quyết định đầu tư thêm 1,5 tỉ đồng để xây dựng thêm các công trình phụ, trong đó có NVS", nhạc sĩ Sơn Lương nói. (Chí Nhân ghi)

Tôi có ý kiến

Có nên đưa thành luật, buộc các công ty du lịch trước khi mở một tour du lịch nào thì phải bỏ tiền ra xây NVS ngay tại khu đó hay không? Sau khi xây xong, công ty du lịch phải cắt người trông coi, giữ gìn cho NVS luôn sạch sẽ. Bù lại, công ty du lịch được quyền thu phí sử dụng NVS. Nếu địa điểm nào không có NVS, thì không cho phép bất kỳ công ty du lịch nào được đem người tới để tham quan du lịch. Như vậy các công ty du lịch mới chịu bỏ tiền ra để xây NVS! (henryle_01....@yahoo.com)

Tôi mới đi du lịch Nha Trang hè vừa rồi, khi đi tour đảo Khỉ thì nhà vệ sinh trên đảo này thật là tệ, nhất là đảo Khỉ. Mấy người bạn nước ngoài của tôi "chạy dài" luôn. Đề nghị Nha Trang nên xem lại vệ sinh công cộng trên đảo này. (kimdangdl...@yahoo.com)

Nhóm PV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.