Du thám Bàu Sấu

12/03/2009 15:21 GMT+7

(TNTS) Nằm lọt trong khu rừng nguyên sinh ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, khu đất ngập nước Bàu Sấu trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Lội bộ cắt rừng để đến với Bàu Sấu, du khách sẽ cảm nhận được từng nhịp “hơi thở” của núi rừng.

Theo đường nội bộ, chiếc xe ô tô đặc chủng mui trần của VQG Cát Tiên vượt trên 9 km đường đưa chúng tôi đến bìa rừng - nơi bắt đầu chuyến đi bộ đến với Bàu Sấu. Xuống xe, chúng tôi liền thay vội đôi “vớ chống vắt” mượn của Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (VQG Cát Tiên) và bắt đầu cắt rừng hướng Bàu Sấu đi tới. Theo bảng chỉ dẫn, giữa khu rừng nguyên sinh có con đường mòn nhỏ là lối đi lại duy nhất để ra vào Bàu Sấu nên chúng tôi yên tâm đi theo con đường này. Dù đang buổi trưa, nhưng trời mù và bị che phủ bởi lớp lớp cây lá nên trông giống như buổi xế chiều. Chúng tôi mỗi người nhặt một cành cây khô làm gậy chống để đi. Bước vào khu rừng này chúng tôi như bị “mê hoặc” bởi vẻ đẹp kỳ thú của nó với không khí trong lành và thoang thoảng mùi hương dược thảo.

Chễm chệ ven đường mòn là những cây tùng cổ thụ hơn 500 năm tuổi có chu vi cả chục người ôm không xuể, hay những dây leo có hình dáng lạ kỳ như dây bàm bàm, cẩm nhung vắt ngang qua lối đi, hay những cây vạn tuế như muốn vươn lên đón ánh mặt trời… Những chú chim kêu inh ỏi tranh nhau ăn quả khiến quả rơi xuống lá cây, xuống đất nghe độp độp…

Ông Nguyễn Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường cho biết: “Dù là nơi thích hợp để phát triển du lịch nhưng cũng cần chú ý đến chất lượng du khách nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường và công tác bảo tồn. Hiện tại tuyến tham quan này dành cho mọi đối tượng nhưng số lượng hạn chế, quý khách đi về trong ngày thì số lượng không quá 20 người, nếu ở lại qua đêm thì số lượng không quá 9 người”.

Ngày 4.8.2005, Ban thư ký Công ước Ramsar (Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước) công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và thứ 2 của Việt Nam với tổng diện tích 13.759 ha, trong đó có 5.360 ha đất ngập nước theo mùa, 151 ha đất ngập nước quanh năm.

Đang mải mê ngắm cây rừng và tán chuyện, chúng tôi bỗng giật mình khi nghe phía trên đầu những cành cây rung chuyển ào ào. Trấn tĩnh, chúng tôi nhớ lại lời của anh chàng hướng dẫn viên dặn dò, thì ra đây là những chú vượn đang di chuyển trên cây. Tiếp tục đi được một đoạn, chúng tôi lại một lần nữa “thất kinh” vì nghe bên cạnh tiếng kêu lớn của những chú lợn rừng đang đuổi nhau giành thức ăn hay gì đó. Theo Trung tâm du lịch sinh thái & giáo dục môi trường, trên tuyến này du khách có thể còn trông thấy những loài bò sát như: trăn, rắn hổ mang, rắn lục, kỳ nhông… Nhìn bảng chỉ dẫn thấy cách Bàu Sấu khoảng 300m, chúng tôi bước qua cây cầu gỗ nhỏ nằm vắt ngang trên những ngọn cây.

Đến đây, chúng tôi bắt đầu đến với một vùng sinh cảnh khác đó là những cây chịu ngập nước. Trên tuyến đường này nếu may mắn có thể nhìn thấy một số loại chim như: đuôi cụt bụng vằn, đuôi cụt bụng đỏ, đuôi cụt cánh xanh, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, gà so ngực gụ, hạc cổ trắng… Chỉ khoảng hơn 5 km đường rừng, và mất hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ băng đồi dốc và đá tổ ong nhưng cũng khiến chúng tôi mệt rã rời. Đi theo cây cầu gỗ, chúng tôi đến với một “ngôi nhà” tựa lưng vào núi và trước mặt là hồ nước mênh mông. Đây là Trạm kiểm lâm Bàu Sấu – nơi dừng chân của du khách khi đến nơi này.

Đứng trên trạm kiểm lâm quan sát, khung cảnh Bàu Sấu hiện ra đẹp như tranh vẽ, với mặt nước mênh mông, lăn tăn vài gợn sóng, xa xa trập trùng những rừng cây với những cành lá xanh tươi bao bọc lấy hồ, một cảm giác thanh bình khó tả đang cuốn hút chúng tôi. Vào mùa mưa diện tích mặt hồ rộng khoảng 2.500 ha, mùa khô chỉ còn khoảng 100 - 150 ha. Tại đây du khách còn có thể xem được rất nhiều loài chim, nhất là các loài chim nước như: xít, le nâu, le khoang cổ, diệc lửa, hồng hoàng, cao cát bụng trắng, niệc mỏ vằn... Nếu may mắn du khách có thể trông thấy những đàn bò tót gặm cỏ trên những bãi cỏ xung quanh trạm kiểm lâm (vào buổi tối) hay những chú cá sấu nước ngọt ngoi lên mặt hồ. Trong chương trình phục hồi cá sấu nước ngọt, đến nay Bàu Sấu đã có 60 con cá sấu thuần chủng được thả. Đúng là may mắn, chúng tôi đang đứng quan sát phong cảnh hồ thì một chú cá sấu xiêm to tướng trồi lên mặt nước và từ từ tiến vào bờ. Mấy anh kiểm lâm thúc giục: mau xuống “canh” chụp hình đi, quý lắm đó. Lập tức tôi rời trạm kiểm lâm và mang máy hình chạy ra bờ nước “rình”. Vừa “rình” mà cũng vừa “run … Ngồi canh mãi, cuối cùng “phần thưởng” cũng đến với tôi, sau năm bảy lần “chụp” hụt, lần này tôi đã chính xác khi ghi được khoảnh khắc nó đớp mồi…

Chuyến đi dù ngắn ngủi (mất khoảng 20 phút đi xe đến đầu tuyến và 1,5 giờ đi bộ) nhưng cũng sẽ để lại cho du khách những ấn tượng khó quên, nhất là cho những ai yêu thiên nhiên, thích mạo hiểm, khám phá và nghiên cứu…

Bài & ảnh: Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.