Nhập nhằng con số du khách quốc tế

08/01/2011 00:57 GMT+7

Việt Nam đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2010, con số này khá ấn tượng, nhưng phía sau nó còn nhiều chuyện đáng bàn.

Nếu lên Google tìm kiếm số liệu du khách quốc tế đến VN năm 2010, con số nhận được là 5 triệu lượt khách; nếu hỏi những người quan tâm đến ngành này, câu trả lời cũng tương tự. Theo Tổng cục Du lịch (TCDL), năm 2010, Việt Nam đón 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng kỷ lục với mức tăng 34,8%. Tuy nhiên…

Chỉ hơn 3 triệu lượt du khách

Trong thuật ngữ du lịch, “international tourist” có nghĩa là du khách quốc tế, đi đến một nước khác với mục đích du lịch, nghỉ ngơi thuần túy. Còn khách quốc tế là “international arrival”, di chuyển tới một nơi nào đó với những mục đích như thăm thân, buôn bán, đầu tư… và có thể kết hợp du lịch. Với cách hiểu này, con số 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam là “international arrival”, chứ không phải “international tourist”.

Thực tế, trong bảng chia theo mục đích đến, TCDL thừa nhận khách nước ngoài tới Việt Nam với mục đích du lịch, nghỉ ngơi trong năm 2010 khoảng 3,1 triệu lượt; khách đi công việc (đến Việt Nam công tác) 1 triệu lượt; khách thăm thân (Việt kiều) gần 600.000 và số còn lại đi công chuyện khác. Như vậy du khách quốc tế của Việt Nam năm qua chỉ 3,1 triệu lượt! Nhưng lẽ ra phải công bố du khách quốc tế đến VN là 3,1 triệu lượt thì TCDL lại cộng gộp tất cả mọi đối tượng người nước ngoài, kể cả những người đi bằng đường bộ buôn bán qua lại cửa khẩu, đi khám chữa bệnh..., thành cái gọi là “khách quốc tế” và công bố con số này khiến hầu hết mọi người đều hiểu rằng, đó là 5 triệu lượt du khách quốc tế đến VN.

Theo một chuyên gia trong ngành du lịch, không có nơi nào chấp nhận công bố tổng số người nước ngoài vào nước mình là “du khách quốc tế”. Nếu tính theo cách của TCDL, thì khách nước ngoài đến Malaysia năm 2010 không chỉ 24 triệu lượt; đến Thái Lan không dừng ở 15 triệu lượt; đến Singapore không phải 11 triệu lượt… mà có thể gấp đôi, gấp ba. Đại diện TCDL Thái Lan tại TP.HCM khẳng định, con số 15 triệu lượt du khách quốc tế mà Thái Lan công bố đón được trong năm 2010 thuần túy là “international tourist”.


Nguồn: TCDL

Mập mờ

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, cho rằng ngành du lịch Việt Nam nên nhìn nhận một cách thẳng thắn vào cơ cấu khách quốc tế.

Chưa khai thác được

Theo TCDL, chi phí mua sắm của du khách quốc tế tới Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng chi phí du lịch; trong khi ở Thái Lan là 50%. Các hãng lữ hành cho biết tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam lần hai, lần ba chỉ 15%; so với hơn 30% của các nước trong khu vực. Mặc dù chi tiêu thấp nhưng khách nước ngoài vẫn đóng góp khoảng 80% trong tổng doanh thu 96.000 tỉ đồng (bao gồm 28 triệu khách nội địa) năm 2010 của ngành du lịch Việt Nam. Trong khi đó, chỉ riêng số du khách quốc tế 15 triệu lượt, doanh thu của Thái Lan tương đương 432.000 tỉ đồng; Singapore 11 triệu lượt quốc tế, doanh thu 189.000 tỉ đồng...

Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, cho rằng: “Khách du lịch quốc tế không bao gồm những người vào Việt Nam làm việc kiếm tiền, đi học quá 6 tháng, thăm thân, các đoàn khách đi với mục đích công vụ, người làm từ thiện, cứu trợ… Năm rồi chúng ta đón gần 1 triệu lượt khách Trung Quốc, góp phần đáng kể tăng lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Điều đó đáng mừng nhưng trong số này có bao nhiêu người qua lại biên giới buôn bán làm ăn; bao nhiêu kỹ sư, người lao động vào để làm việc ở các công trình, dự án… và bao nhiêu người tới TP.HCM để xài tiền chưa được phân tích rạch ròi”.

Chuyên gia du lịch Trần Thùy Linh phân tích ở Việt Nam, khi khách nước ngoài qua lại biên giới bằng đường bộ đa phần không sử dụng dịch vụ ở trong nước. Mục đích của họ là buôn bán kiếm tiền. Trong cơ cấu khách vào Việt Nam bằng phương tiện đường bộ gần 1 triệu lượt và khoảng 500.000 lượt “đi với mục đích khác". Vì vậy, nên tách bạch khách du lịch với các đối tượng khách khác để có đánh giá thẳng thắn thực lực phục vụ khách của ta.

Không thể đánh đồng

Có những điểm khác nhau căn bản giữa du khách và khách người nước ngoài đi công việc, thăm thân hoặc buôn bán qua lại biên giới. Đặc biệt là khả năng chi tiêu. Người đi công tác kết hợp du lịch và mua sắm, nhưng không đáng kể. Chẳng hạn, một nhà đầu tư đến TP.HCM, sau khi kết thúc làm việc với đối tác, thường dành một buổi cho tham quan hoặc mua sắm. Tuy nhiên, giới doanh nhân không có nhiều thời gian, phần đông trong số họ đến và đi một cách nhanh chóng. Còn khách thăm thân nhân ít khi sử dụng dịch vụ du lịch vì họ lưu trú và tổ chức tham quan cùng gia đình.

Nếu nhìn vào bảng chia theo phương tiện của khách vào Việt Nam trong năm 2010 của TCDL sẽ thấy: khách đi bằng đường hàng không chiếm số lượng cao nhất với 4 triệu lượt; bằng đường biển không đáng kể và bằng đường bộ gần 1 triệu lượt. Khách từ đâu theo đường bộ vào Việt Nam nhiều nhất? Chắc chắn đó là khách Trung Quốc, tiếp sau là Campuchia, Lào… Đa số họ là những người buôn bán qua lại biên giới, còn nếu là du khách thì không vào sâu nội địa. Với những phân tích trên, càng không thể đánh đồng hay mập mờ để mọi người hiểu rằng "khách quốc tế" thành du khách quốc tế được.

Việc lập lờ giữa khách du lịch quốc tế và khách quốc tế đến Việt Nam là do nặng thành tích. Điều đó ảnh hưởng không tốt đến các doanh nghiệp du lịch. Vì dựa theo con số và tỷ lệ tăng trưởng, doanh nghiệp sẽ hoạch định chiến lược phát triển cho năm tới.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.