Thánh địa cổ xứ Mường

19/04/2011 09:30 GMT+7

(TNTS) Những cột đá lênh khênh, uốn cong vút giữa nền trời đọng lại ấn tượng về một thánh địa xứ Mường hơn 400 năm nay đã “ngủ” giữa đại ngàn Tây Bắc. Đó là khu mộ cổ Đống Thếch, nằm trên địa phận xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Một ngày gió núi và mù sương, xe chúng tôi ì ạch vít ga suốt 3 giờ qua những cung đường đèo dốc của huyện Kim Bôi. Đường núi heo hút trùng mây, xung quanh chỉ cây với cây, tịch không một bóng người. Xe đi qua một cây cầu nhỏ thì dừng lại để cả bọn ngắm con sông Bôi mùa cạn với những tảng đá núi khổng lồ trồi lên khỏi mặt nước xanh thẳm. Đi thêm một quãng nữa, hai bên đường xuất hiện hàng cây phượng, cây phi lao cổ thụ uốn cong cong, tưởng như đã đưa chúng tôi đến vùng hoang mạc đất đỏ. Tại đây, nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân bản địa, chúng tôi dễ dàng tìm thấy khu mộ cổ Đống Thếch. 

 
Khu mộ đá Đống Thếch

Ấn tượng choáng ngợp về nơi này là hàng trăm cột đá tảng, cái cao cái thấp, sừng sững giữa núi rừng u tịch. Người dân bản xứ không biết nhiều về gốc tích hay truyền thuyết về “rừng mộ đá” này. Chỉ biết, trước đây khu “thánh địa” rất rộng, với hàng trăm ngôi mộ và hàng ngàn phiến đá chôn xung quanh. Người ta gọi cả quần thể ấy là “rừng mộ đá”. Những ngôi mộ được thiết kế theo nguyên tắc độc đáo: đầu mộ chôn ba khối đá cao to nhất thành một hàng, phía chân mộ chôn ba khối nhỏ hơn. Tất cả đều là đá cẩm thạch có nguồn gốc từ tỉnh Thanh Hóa.

Tỉ mẩn dò xét từng cột đá, chúng tôi còn thấy những chữ Hán cổ vuông vức, hằn in trên mặt đá. Đó là văn bia ghi lại thân thế, công danh, gia tộc của dòng họ Đinh Công thời quan lang, một trong những dòng họ lớn của Mường Động xưa. Tấm văn bia ghi rõ: "Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy Lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ sửu, ngày 13.10.1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Đến ngày 22.2.1650 được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...".

Trong sử sách người Mường, từ bao đời nay vẫn tự hào câu nói: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để chỉ sự giàu có, sầm uất của mỗi mảnh đất trung tâm và Mường Động là một trong bốn mảnh đất ấy. Người có công dựng nên xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương, người vùng Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Vì có công với triều đình nên ông được vua Lê, chúa Trịnh phong tước, đổi thành họ Đinh Công, cho cai quản xứ Mường Động. Chỉ tiếc, khi  đặt chân đến “rừng mộ đá” này, chính chúng tôi cũng thấy nó đang trở thành bãi canh tác ngô, sắn của một vài hộ gia đình. Bên những tán cỏ dại, gốc ngô xù xì, những cột đá tảng sừng sững vẫn chịu “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tôi tự hỏi, không biết đến bao giờ, những bí ẩn về “rừng mộ đá” mới được đánh thức sau một giấc ngủ đã hơn 400 năm giữa đại ngàn Tây Bắc?

Bài & ảnh: Tiến Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.