Về Kim Bồng không chỉ coi chạm gỗ...

21/04/2006 00:00 GMT+7

Từ ngày 22/4 đến Tết Đoan Ngọ năm nay, chuyên đề Du lịch sông nước và hội nghề truyền thống của "Năm du lịch Quảng Nam 2006" sẽ tiếp tục diễn ra tại Hội An với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó, có hội chợ triển lãm "Làng nghề xưa và nay". Để khám phá những nét văn hóa độc đáo của các làng nghề, sau khi xem triển lãm, không có gì thú vị hơn là trực tiếp đến thăm làng mộc Kim Bồng, chỉ cách đô thị cổ Hội An chừng 1 km đường sông.

Theo nghệ nhân Huỳnh Ry, làng mộc Kim Bồng có từ thế kỷ 15, khi những người Việt đầu tiên từ Thanh Nghệ Tĩnh và đồng bằng Bắc Bộ vào khai phá vùng đất Hội An. Khi cảng thị Trà Nhiêu - Hội An phồn thịnh nhờ giao lưu với các nước từ đầu thế kỷ 17, nghề mộc Kim Bồng phát triển mạnh mẽ với việc xây dựng các dinh thự, nhà cửa và nghề đóng thuyền.

Theo một tài liệu của các sứ giả phương Tây để lại, đến thế kỷ 18, thủy quân Tây Ban Nha đóng tại Philippines đã từng đặt đóng một số thuyền vận tải tại làng mộc Kim Bồng. Nhiều thuyền buôn lớn do người thợ Kim Bồng đóng thời đó đã thực hiện các chuyến vận tải đường xa trên biển trong quá trình giao thương với các tỉnh phía Nam và các nước Đông Nam Á. Bàn tay tài hoa của nhiều thế hệ nghệ nhân Kim Bồng vẫn còn đậm nét trên các kiến trúc gỗ, trên các bức chạm trổ và hoa văn tinh tế của các công trình xây dựng còn lại của Hội An ngày nay.

Với một làng nghề truyền thống nổi danh đó, Kim Bồng đã trở thành nơi tấp nập du khách đến tham quan khi đô thị cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Từ tháng 4.1977, tổ chức UNESCO cũng đã tài trợ xây dựng tại đây một xưởng đào tạo những thợ trẻ nhằm lưu giữ những tinh hoa của làng nghề.

Dù làm gì, ở đâu, người Kim Bồng từ xưa vẫn luôn tự hào về làng, về nghề của mình. Điều đó đã thể hiện từ trong câu hát giao duyên: Dang tay hốt nắm dăm bào / Hỏi anh thợ cả bữa nào hồi công? / Không mai thì mốt hồi công / Cảnh đất Hàn em ở, chốn Kim Bồng anh lui!

Đến Kim Bồng bây giờ không chỉ xem những người thợ chạm khắc mà còn chứng kiến một vùng nông thôn đang bừng lên thời hội nhập!

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.