Đi một người bỏ bì thư ít một chút, cũng đỡ kỳ! Chứ hai người cũng phải tính toán sao cho người mời khỏi thiệt.
Các ông chồng cười khì: “Càng khỏe. Anh em tôi ở nhà lai rai. Chứ sướng ích gì, quần là áo lượt giày vớ bí rị đến một nơi toàn người với người, ngột ngạt...”.
Hôm ấy ở nhà hàng, nơi tổ chức tiệc cưới, hai chúng tôi được xếp ngồi chung với một đám trẻ. Đứa lớn nhất chắc cũng ngoài hai mươi. Đứa nhỏ nhất chắc mới trên tuổi mười lăm. Nhà hàng nào mà giờ chẳng thế. Khách mời đông, họ hơi sức nào mà coi tuổi, đoán tính cách để xếp chỗ. May nhiều là được ngồi với các bạn của bố mẹ. May ít là được ngồi với các bạn của chú rể cô dâu. Và không may, ngồi với con cái ông sui bà sui không chừng.
|
Dường như bữa đó, chúng tôi được ngồi với... nhóm thứ ba này. Chuyện cũng chẳng có gì, nếu như đám trẻ tỏ ra lễ phép đàng hoàng. Đây chúng nó ăn uống, nói năng mới kinh hồn chứ! Nhìn qua cách ăn mặc, hai chúng tôi biết bọn nhỏ thuộc những gia đình khá giả vậy mà một món mới bưng ra, cả bọn cắm đầu vào xúc múc rồi đổ, hốt và cười cợt. Có vẻ, tụi nhỏ không thích ăn nhưng thích phá thức ăn. Tất cả như quên mất, trong bàn còn có hai nhân vật già nhất mà, ít ra cũng rất nên bày tỏ chút lịch sự tối thiểu. Tôi và người bạn ra về khi tiệc cưới chưa kết thúc. Những bất bình ùn tới, ắp đầy và chật căng tâm trí. Đã vậy, bạn tôi còn giáng thêm một đòn tê tái, khi cho biết: Một đứa trong nhóm đó là học trò của mình trong niên khóa vừa rồi.
Tự nhiên rất nhiều nghi ngờ và ngậm ngùi cùng lúc trỗi dậy ở trong tôi. Về trò đó, đã đành. Mà còn cả cho bạn tôi trong tư thế một giáo viên. Làm sao không thắc mắc? Làm sao không có những câu hỏi?...
Bình luận (0)