Đưa bãi giữ xe ra ngoại vi

02/10/2018 07:30 GMT+7

Bên cạnh việc kết nối giao thông, chỗ gửi xe cũng là một trong những vấn đề cần tính toán kỹ khi xây dựng “siêu” phố đi bộ tại khu trung tâm TP.HCM.

Thực tế, cùng với chiến dịch trả lại vỉa hè cho người đi bộ, dẹp các bãi xe tự phát, chỗ đậu xe cho người dân vốn đã thiếu nay càng trở nên khan hiếm. Chị Phương, một người dân TP.HCM, phàn nàn gửi xe để đi vào đường Nguyễn Huệ chơi vừa khó vừa đắt. “Xe máy còn đỡ, đi lòng vòng một hồi cũng ra chứ ô tô thì “bó tay”, nhất là dịp cuối tuần. Chỗ đậu đã hiếm, giá còn cao, có khi phải trả 100.000 đồng/lượt. Đó là ngày thường, dịp lễ tết thì chỗ chen chân còn không có chứ đừng nói đến chuyện gửi xe”, chị Phương cho hay.
Tại khu phố đi bộ Bùi Viện (Q.1) do được kết nối với khá nhiều đường xương cá nên tình trạng thiếu thốn bãi xe có phần bớt căng thẳng hơn. Tuy nhiên việc gửi xe sẽ không còn thuận lợi khi mới đây TP yêu cầu thu hồi lại mặt bằng dưới công viên 23.9, không cho tiếp tục buôn bán, giữ xe.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng nhìn nhận vấn đề bãi xe thực ra không phải chuyện khó nhưng do thành phố đang quá loay hoay với việc thiết kế các bãi xe cổ điển lớn, cao tầng. Ở Tokyo (Nhật Bản) hay Seoul (Hàn Quốc) chỉ cần diện tích 300 m2 cho một bãi đậu xe gắn máy hiện đại 30 - 40 tầng dưới lòng đất, chứa được khoảng 1.000 xe. Ô tô thì có thể diện tích lớn hơn: 400 m2 cho 100 xe. “Tại sao thành phố không tính làm những bãi xe như vậy? Giá thành có thể cao nhưng phải cho phép các nhà đầu tư đồng hành, như vậy mới có thể giải quyết triệt để vướng mắc này”, ông đề xuất.
KTS Ngô Viết Nam Sơn lại cho rằng không nên tiếp tục xây dựng các bãi đậu xe tại khu vực trung tâm thành phố mà nên đẩy ra các vùng ngoại vi, tạo điều kiện kết nối với hệ thống giao thông công cộng vào khu vực trung tâm. Theo đó, các bãi đậu xe trong nội đô không cần đáp ứng đủ 100% nhu cầu của người dân muốn vào khu vực phố đi bộ. Thành phố sẽ điều tiết bằng cách điều chỉnh tăng giá giữ xe. Người dân sẽ có quyền lựa chọn, hoặc vào trung tâm bằng phương tiện cá nhân, chấp nhận gửi xe giá cao, hoặc gửi xe từ phía ngoài và sử dụng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, cần tính toán cả việc phát triển giao thông thủy kết nối với xe buýt đưa khách từ nhiều quận, huyện ngoài rìa vào trung tâm, vừa phong phú phương tiện kết nối, vừa thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Đồng tình, KTS Phạm Phú Cường lưu ý càng xây nhiều bãi xe sẽ càng kéo theo nhiều xe vào khu vực trung tâm. Như vậy, mục tiêu giảm phương tiện cá nhân coi như thất bại, bài toán giao thông sẽ càng khó giải. Bãi đậu xe nên ở vị trí bên ngoài các khu vực vành đai. “Khi có metro, chỉ cần xây dựng các bãi giữ xe gần trạm metro để người dân đến gửi xe, sử dụng metro đi vào khu vực trung tâm, di chuyển nối tiếp bằng hệ thống xe buýt. Giao thông ngầm chính là lời giải cho mọi bài toán”, ông Cường nói.
Một nguyên lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM góp ý: Việc quy hoạch các khu phố đi bộ cần phải cân nhắc, tính toán kỹ, không phải cứ rào đường, cấm xe là thành phố đi bộ. Cần xây dựng các loại hình dịch vụ, vui chơi, giải trí phục vụ người dân cũng như khách du lịch khi tham quan phố đi bộ, thậm chí tổ chức các sự kiện thường xuyên để lôi kéo người dân, du khách. Phố đi bộ không chỉ là đến, đi bộ mỏi chân thì về. Đồng thời quy hoạch làm sao để không ảnh hưởng đến việc đi lại, làm ăn buôn bán của những hộ dân có nhà trong các con phố này. Phố đi bộ Nguyễn Huệ rất chán, trong khi Bùi Viện chỉ có ăn nhậu, ồn ào. Cần phải có các loại hình giải trí khác nhau để đa dạng với nhiều đối tượng khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.