Đứa bé đi lạc và vòng đời 22 năm

04/12/2007 02:56 GMT+7

Số đầu tiên của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly...” (phát sóng lúc 20 giờ ngày 1.12 trên VTV1) đã khiến không biết bao nhiêu khán giả truyền hình phải rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh Linh đoàn tụ với gia đình sau 22 năm lưu lạc...

Công dân đặc biệt

Linh lạc gia đình từ khi còn rất nhỏ, sống lang thang qua nhiều nơi cho đến khi được các giáo dục viên đường phố ở Sài Gòn đưa vào nhà mở quận 8. Qua hết tuổi thiếu niên, Linh được các anh chị ở Trung tâm công tác xã hội của Hội Liên hiệp Thanh niên VN tại TP.HCM chuyển tiếp lên sống ở "Nhà thanh niên" tại phường 25, quận Bình Thạnh.

Năm 2001, sau khi học hết lớp 12, Linh vướng một thủ tục pháp lý đầu tiên là nếu không có giấy khai sinh thì không được cấp bằng tốt nghiệp. Và lúc bấy giờ, được sự bảo lãnh của Trung tâm công tác xã hội, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh lúc đó là ông Phan Trọng Tuấn đã ký tên đóng dấu cho một trường hợp khai sinh trễ hạn... không giống ai. Giấy khai sinh nhưng không hề có tên cha, mẹ, quê quán. Và ngay cả cái tên Nguyễn Văn Linh cùng ngày, tháng năm sinh cũng là do... Linh tự nghĩ ra vì không thể nhớ nổi tên cha mẹ đặt là gì.

Giấy khai sinh lạ lùng của Linh - ảnh: C.T.V

Linh vào Đại học Mở bán công TP.HCM học được 2 năm thì không đủ tiền đóng học phí nên phải xin bảo lưu kết quả để bước ra đời đi làm kiếm sống. Đến năm 2002, khi Linh lấy vợ thì Chủ tịch UBND phường 12, quận Bình Thạnh và cán bộ tư pháp của địa phương này cũng đau đầu vì trong toàn bộ hồ sơ đăng ký kết hôn, Linh chỉ có duy nhất tờ ... giấy chứng nhận sinh viên! Nhưng may mắn đã mỉm cười với Linh một lần nữa bởi lãnh đạo chính quyền địa phương này lúc ấy đã không vì những thủ tục hành chính khô khan mà trở nên quá vô tình trước một số phận éo le.

Thực ra tại những nhà mở dành cho trẻ đường phố ở Sài Gòn những năm trước đây, các giáo dục viên đã luôn tìm kiếm các cơ hội để đưa các em hồi gia về với gia đình. Nhưng trường hợp của Linh thì khá đặc biệt nên vòng đời lưu lạc vẫn cứ phải tiếp diễn, như trêu ngươi với khát khao đoàn tụ cháy bỏng của Linh từng phút từng giờ.

Mờ mịt đường về

Khi Chương trình mở ra và bắt đầu tiếp nhận yêu cầu tìm kiếm vào đầu tháng 5.2007, Linh là một trong số những người đầu tiên gửi thông tin đăng ký. Nhưng anh có quá ít thông tin để cung cấp.

Bến đò nơi Linh đi lạc sau 22 năm  - ảnh: C.T.V
Nơi Linh sinh ra là ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Đây là một cù lao nằm giữa cửa Tiểu và cửa Đại của vùng biển tiếp giáp giữa Tiền Giang và Bến Tre. Khi Linh khoảng 4 - 5 tuổi, ba Linh và má hai (vợ cả của ba) cùng một người em gái (con riêng của ba) từ Cà Mau về Gò Công Đông đón Linh đi Cà Mau để ở với họ. Mẹ của Linh và ngoại không đồng ý cho đi nhưng vì lúc đó Linh còn nhỏ, muốn được đi chơi nên năn nỉ mẹ cho đi theo ba. Ở Cà Mau, Linh nhiều lần đòi về với mẹ nhưng không có ai đưa đi. Cho đến một hôm ba Linh đánh đòn mấy chị em, Linh sợ quá bỏ trốn về với mẹ thì bị lạc luôn.

Linh kể rằng khoảng năm 1987 - 1988, lúc ấy Linh đang ở Cà Mau cùng với gia đình, Linh không rõ là bố ruột hay dượng ghẻ. Trong một lần xảy ra sự cố ở gia đình, Linh đã ra đi tìm mẹ và lạc luôn cho đến nay. Linh thành thật nói rằng: "Thông tin hiện nay tôi còn nhớ là rất mơ hồ về gia đình ở Cà Mau. Bố tôi thường được gọi là Tư Được. Gia đình bố có 5 người con, không tính tôi vào, gồm 1 trai, 4 gái. Người con trai thứ ba tên Sáng. Gia đình làm nghề nông, làm hàng đáy trên sông, do anh thứ ba làm, nuôi tôm cá. Bên cạnh đó tôi còn nhớ mình có một ông cậu gì đó ở TP Mỹ Tho nhưng tôi nhớ không chính xác...".

Linh miêu tả khung cảnh của quê bố chỉ được vỏn vẹn mấy câu chung chung là từ nhà đến trường phải đi bộ qua rừng, qua những cánh ruộng đã đào ao nuôi tôm cá trải dài mất khoảng 1 giờ. Trường học của Linh nằm sát con sông của thị xã, có cầu bắc ngang sông. Linh không nhớ tên cô giáo và cũng quên mất ai là bạn thân thời tuổi thơ của mình. Khi được hỏi sự kiện nhớ nhất khi ở với bố là gì? Linh kể: "Năm đó tôi đang học lớp 1, người chị thứ tư cho tôi tiền đi hớt tóc rất đẹp. Nhưng sau đó mấy ngày, khi xem phim trên ti vi tôi thấy mấy chú bé đóng phim hớt tóc ba vá nên rất thích và tự tay tôi lấy kéo ra hớt. Rốt cuộc đầu tôi chẳng ra sao và tôi bị chị Tư đánh cho một trận nên thân...".

Nguyên Phó giám đốc Trung tâm công tác xã hội Đặng Thị Thân (áo trắng) và mẹ ruột Linh - ảnh: V.K

Còn quê mẹ thì ở một vùng biển cù lao. Mẹ để tóc dài. Nhà có tất cả 5 anh chị em, gồm 2 chị, 1 anh, 1 đứa em và Linh. Linh cũng nhớ gia đình mình thuộc diện có công với Cách mạng. Từ nhà Linh ra biển chừng 3 km, có một đồn biên phòng, có bến đò để đi khắp nơi. "Sự kiện mà tôi nhớ nhất lúc còn sống với mẹ là vào năm tôi đang học mẫu giáo, gần đến ngày cúng đình mẹ tôi có mang về nuôi một con heo con. Tôi rất thương nó. Ngoài giờ đi học ra tôi chơi với heo và không đi chơi với các bạn trong xóm. Đến ngày hẹn cúng đình có người đến bắt heo đi thế là tôi ôm heo khóc rất dữ không cho bắt. Mẹ tôi và mọi người năn nỉ dụ lắm tôi mới chịu buông ra" - Linh kể.

Ngoài ra, Linh cũng còn nhớ thêm là sau khi đi lạc khoảng 2 tháng, Linh gặp một ông già mù ăn xin. Ông dạy Linh cách xin ăn và dẫn Linh đi theo. Linh trở thành người dẫn đường ăn xin cho ông và cắn răng chịu những đòn roi mỗi khi làm ông không vừa lòng. Cho đến một lần bị ông đánh đau quá, Linh bỏ trốn đi lang thang và trôi dạt về Sài Gòn.

Tìm kiếm

Tiếp xúc với chúng tôi, một thành viên của Chương trình kể rằng, sau khi nghiên cứu hồ sơ của Linh, anh quyết định gặp trực tiếp Linh để đánh giá động cơ tìm kiếm gia đình của Linh, mức độ tình cảm của Linh với gia đình cũng như khai thác thêm thông tin phục vụ cho việc tìm kiếm. "Nhưng khi tôi liên lạc đến hai số điện thoại mà Linh gửi đến chương trình qua bản đăng ký thì không được vì những số này đã không sử dụng nữa. Tôi phải khai thác thông tin và sau đó tìm ra chỗ làm mới của Linh. Lúc ấy, Linh vô cùng vui mừng và ngạc nhiên, hỏi: Em chuyển chỗ làm và đổi số điện thoại, làm sao các anh biết được em làm ở đây? Tôi cười, nói với Linh: Tìm em mà không ra thì làm sao tụi anh có quyết tâm để tìm gia đình cho em. Linh rất vui và hẹn gặp tôi vào buổi sáng hôm sau...". Chúng tôi còn biết anh là một người xem bản đồ rất giỏi, được mệnh danh là "vua bản đồ" của Chương trình.

Từ những thông tin mờ mịt của Linh, Chương trình nhận định có thể vùng quê Linh ở là một vùng miền biển hoặc một cù lao miền biển. Từ bản đồ có thể tìm ra những địa điểm có điều kiện tương tự, và Chương trình đã lên đường đi xác minh. Các đồn biên phòng trên dải biển miền Tây Nam Bộ đều được đánh dấu để khoanh vùng, loại dần và cuối cùng còn lại duy nhất một đồn biên phòng nằm trên một cù lao của tỉnh Tiền Giang là có nhiều điểm tương đồng nhất với tiềm thức của cậu bé đi lạc. Cuối cùng, Chương trình cũng xác định được địa danh và  liên lạc với chính quyền để xác minh những người thân cũng như gia đình Linh như mô tả. Chủ tịch UBND và Trưởng công an xã đều được gõ cửa và đều xác nhận chính xác gia đình mẹ Linh đang cư trú trên địa bàn.

Gia đình Linh khi biết chuyện Linh còn sống đã lập tức như lên cơn sốt. Mọi người cùng thông báo cho nhau và gọi điện như "dội bom" đến Đội tìm kiếm. Nhưng trong khi tất cả đại gia đình của Linh ở hai miền quê đều nô nức đợi ngày lên TP.HCM thì những thông tin ấy tạm thời được giữ kín hoàn toàn với Linh, để rồi cuối cùng đã vỡ òa trong phút giây đoàn tụ.

V.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.