Đưa kinh tế số đạt 20% GDP

07/10/2019 06:20 GMT+7

Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.

Kinh tế số đang ngày càng phát triển tại VN và ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Riêng lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) năm 2018 đạt doanh thu khoảng 7,8 tỉ USD, tăng 30% so với năm 2017, tăng gấp đôi so với mức 4 tỉ USD vào năm 2015.
Dự báo của Hiệp hội TMĐT VN đến năm 2020, quy mô thị trường này sẽ đạt 13 tỉ USD. Còn theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek thực hiện, quy mô thị trường TMĐT của VN năm 2018 là 9 tỉ USD và dự báo sẽ đạt 33 tỉ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, thị trường TMĐT VN năm 2025 sẽ đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bắt tay robot được điều khiển bằng sóng 5G Ảnh: Cẩm Thủy

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bắt tay robot được điều khiển bằng sóng 5G

Ảnh: Cẩm Thủy

Ngổn ngang kinh tế số, công nghiệp 4.0

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho rằng khi vấn đề cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được đưa vào nghị quyết của Bộ Chính trị chứng tỏ VN đang rất quyết liệt trong việc hội nhập, đưa đất nước phát triển từ nền tảng này. Thậm chí, chủ trương định hướng liên quan CMCN 4.0 của VN đang đi đầu các nước trong khu vực.
“Kinh tế số và 4.0 là cơ hội, không phải cơ hội cho người giàu, người nghèo mà cơ hội cho ai có quyết tâm, có chiến lược rõ ràng và có trí tuệ sẽ chiến thắng. Trước đây nền kinh tế dựa vào năng lực đầu tư, tiền vốn thì thường giàu sẽ thắng nghèo. Nay CMCN 4.0 dựa trên nền tảng trí tuệ, năng lực tự con người. Với quốc gia, thành công hay không phụ thuộc vào chính sách. Nay nghị quyết đã có rồi, chính sách đi kèm thế nào, DN và người dân quyết tâm theo ra làm sao, phải đồng bộ từ trên xuống dưới mới gặt hái được thành quả”, ông Dũng nói.
Ông Trần Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SXTM Việt Quốc Thịnh, nhận xét cách hiểu và thực hiện CMCN 4.0 của nhiều ngành đang có sự “lệch lạc”. 4 vấn đề trong cuộc CMCN 4.0 là tài nguyên, kỹ thuật số, vật lý và công nghệ sinh học. Nhưng tựu trung trong đó là thông tin, dữ liệu, big data và ai nắm được big data, người đó chiến thắng.
“Tư duy 4.0 nhưng lại đặt ra mục tiêu xuất khẩu gạo phải đạt 6 triệu tấn và xuất khẩu với giá thấp hơn các nước là sao? Tôi nhớ Thủ tướng Chính phủ hôm đầu năm nói, tại sao chúng ta không đặt mục tiêu xuất khẩu chỉ 3 triệu tấn gạo thôi mà phải là gạo chất lượng, thơm ngon và không có sử dụng thuốc trừ sâu. Tư duy 4.0 mà chỉ mong xuất khẩu được quả xoài sang Úc giá 80.000 đồng/kg, sao không làm xoài sạch, xanh giá 800.000 đồng/kg mà nhà nhập khẩu sẵn lòng xếp hàng để mua. Ý tôi muốn nói là ngay tư duy làm nông nghiệp trong thời đại 4.0 hiện được hiểu khá lệch lạc và thiếu đồng nhất, đó chính là điểm yếu của chúng ta”, ông Bình nhấn mạnh.

Nhất quán từ chính sách đến người dân

Nhiều ý kiến tỏ ra kỳ vọng khi cuộc CMCN 4.0 được đưa vào nghị quyết của Bộ Chính trị sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính phủ điện tử... nhanh chóng đạt được mục tiêu. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet VN, nhận định hiện tại năng suất lao động bình quân của VN tăng 4,88% hằng năm. Ông Chu Tiến Dũng nêu quan điểm, mục tiêu đưa kinh tế số lên 20% GDP và năng suất lao động lên 7% hằng năm hoàn toàn thực hiện được nếu có chính sách sát sườn hơn.
Thực tế, kinh tế số đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu, không chỉ là câu chuyện của VN. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn không theo kịp xu thế này đã bị đào thải như Nokia. “Nhiều công ty non trẻ nhưng lên tỷ phú nhờ công nghệ. Hiện tại DN nào hầu như cũng có ứng dụng công nghệ nhưng làm chưa bài bản và còn lúng túng. Nếu có chủ trương đúng đắn, chính sách nhất quán, DN có chiến lược rõ ràng, tôi tin chúng ta sẽ thành công trong CMCN 4.0”, ông Liên nói.
Theo ông Liên, điều quan trọng nhất là quyết tâm đó cần phải được thể hiện bằng các giải pháp, chương trình cụ thể hơn. Trong đó, phải đưa ra được các tiêu chí để đánh giá, đo lường hiệu quả của các chương trình cũng như mục tiêu đề ra. “DN và người dân đều chờ những giải pháp cụ thể từ Chính phủ vì đó cũng là động lực thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động kinh tế số. Việc tiên phong của Chính phủ trong ứng dụng, tiêu dùng các sản phẩm ứng dụng công nghệ cũng như hoàn thành xây dựng chính phủ điện tử là một trong những chỉ tiêu có thể để xem xét có hoàn thành mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đưa ra. Bên cạnh đó cũng cần truyền thông cho người dân biết để cùng nhau phát triển và thực hiện mục tiêu chuyển đổi phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng này”, ông Liên nói.
Ông Trần Quốc Bình nhấn mạnh: “VN phải thay đổi làm tư duy nông sản sạch, bảo vệ môi trường. Công nghiệp 4.0 của ngành nông nghiệp cần tập trung nghiên cứu nhiều hơn về giống để cải tạo sản lượng và chất lượng, như cách các tập đoàn nông nghiệp lớn làm từ thuở sơ khai, như Dupont (Mỹ), Basf (Đức), Agrium Inc (Canada)...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.