Đưa ra ánh sáng vụ bê bối tình báo lớn nhất Mỹ - Đức: Kỳ 2: Điệp viên "Curveball"

25/03/2008 00:48 GMT+7

Tháng 11.1999, tại sân bay Franz Josef Strauss (Munich), cơ quan di trú Đức đã tiếp đơn xin tị nạn chính trị của một công dân Iraq tên Rafid Ahamed Alvan. Đây là điểm khởi đầu của vụ bê bối tình báo có một không hai trong lịch sử.

Rafid Ahmed Alwan, tên thật của điệp viên "Curveball", chỉ mới được công bố gần đây. Tuy nhiên, câu chuyện về điệp viên tai tiếng này thực sự bắt đầu cách đây 9 năm về trước. Tháng 11.1999, Alwan đến Đức du lịch, nhưng khi làm thủ tục nhập cảnh, người đàn ông Iraq 32 tuổi này đã đề nghị với các nhân viên di trú Đức xin được tị nạn chính trị bởi anh ta đang chạy trốn chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Vị khách Iraq đặc biệt này đã được đưa về trại tị nạn Zirndorf (gần thành phố Nuremberg) để làm tiếp các thủ tục cần thiết.

Trong buổi tiếp xúc đầu tiên, các nhân viên phỏng vấn của trại Zirndorf (thực sự là nhân viên tình báo Đức) đã bị người đàn ông này gây chú ý khi họ được nghe kể rằng Alwan vốn là một kỹ sư hóa học xuất sắc của Đại học Kỹ thuật Baghdad. Đồng thời, Alwan từng làm việc dưới quyền của "Tiến sĩ vi trùng" Rihab Rashid Taha, người được cho là đứng đầu chương trình nghiên cứu, phát triển vũ khí sinh học của Iraq. Ngoài ra, Alwan cũng nói rằng anh ta đã có thời gian làm việc tại Trung tâm thiết kế và ứng dụng hóa học (CEDC) của Iraq. Đây quả là một đầu mối quý giá mà Cơ quan tình báo đối ngoại Đức (BND) đang tìm kiếm bởi khi đó, mối quan tâm hàng đầu của tình báo Đức với Iraq là những thông tin về nội tình chính quyền Hussein, tình hình quân sự và sự thật về khả năng sở hữu vũ khí giết người hàng loạt của Iraq mà Mỹ đang cáo buộc. Do vậy, hồ sơ khai thác Alwan đã được khẩn cấp báo cáo về tổng hành dinh của tình báo Đức tại Pullach và Alwan được một số nhân viên tình báo, chuyên gia phân tích, xử lý tin lão luyện trực tiếp khai thác. 

Tại thời điểm đó, những báo cáo của cơ quan tình báo Đức về tình hình Iraq luôn được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không chỉ với CIA mà cả hầu hết các cơ quan tình báo trên thế giới là sự thật về vũ khí giết người hàng loạt của Iraq bởi họ không có nguồn tin có đủ khả năng thu thập tin tình báo tại Iraq. Do vậy, điệp viên nào trả lời được câu hỏi này thì nấc thang danh vọng sẽ thuộc về người đó. Alwan bước đầu trả lời được câu hỏi của BND: tại sao từ năm 1991, các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc dù đã lùng sục khắp nơi nhưng không phát hiện thấy vũ khí giết người hàng loạt tại Iraq? Theo Alwan, sở dĩ như vậy bởi các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Iraq đã được đặt trên những chiếc xe tải di động. Alwan còn củng cố thêm lời khai của mình khi khẳng định rằng đã tận mắt chứng kiến một vụ nổ phòng thí nghiệm vào năm 1998 khiến 12 người chết. Số thi thể bị nhiễm bệnh sinh học này đã được chôn cất bí mật trong những quan tài thép. Các nhân viên BND chẳng hề nghi ngờ lời khai của Alwan bởi họ không có nguồn tin khác để phối kiểm và như lời một nhân viên nhận xét, "Rafid là một kẻ nhút nhát, đôi khi rụt rè, anh ta không thuộc loại người ba hoa mà chúng tôi thường gặp". Trên phương diện nghề nghiệp, đây là một sai lầm chết người của BND bởi thực tế cho thấy đa số nguồn tin trong các trại tị nạn không được các cơ quan tình báo tin cậy. Đa số những kẻ vào trại thường cho rằng mình là nhân vật quan trọng, biết nhiều điều bí mật hòng có được được một tấm thẻ tị nạn. Trước đó, vào năm 1995, BND đã trực tiếp đến Jordan khai thác Hussein Kamil Hassan, con rể của Saddam Hussein đã đào tẩu để tìm hiểu về thực trạng vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq. Câu trả lời duy nhất mà các nhân viên BND nhận được từ Kamil là: "Không có, hoàn toàn không có một thứ gì".

Các báo cáo của Alwan về tình hình Iraq đã được chuyển thẳng lên bàn làm việc của Giám đốc BND, Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng Đức và vượt Đại Tây Dương đến tận Nhà Trắng. Đến đầu năm 2003, BND đã chuyển cho Mỹ, Anh, Pháp khoảng 100 báo cáo tối mật do Alwan cung cấp. Tuy nhiên, chỉ có người Đức và người Mỹ tin tưởng còn người Anh và Pháp thì không hiểu vì lý do gì đã không sử dụng các báo cáo này.

Với Alwan, lúc đó đã trở thành điệp viên của BND với bí danh "Curveball", bộ mặt thật của anh ta vẫn được giữ kín trong nhiều năm và mới chỉ được lật tẩy trong thời gian gần đây. Sau khi Mỹ chiếm đóng Iraq, phóng viên truyền hình NBC David Kay đã tìm được gia đình của "Curveball" tại Baghdad và gặp được mẹ và người anh trai của điệp viên này. Theo lời kể của mẹ Alwan, khi còn đến trường, con trai bà là một đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng học lực luôn bị xếp hạng "D" (tương đương 60/100 điểm). Trong số các môn học, chỉ có môn Lịch sử và Văn hóa Iraq là Rafid đạt 76 điểm. Khi Kay hỏi về thời kỳ Alwan làm việc tại CEDC, người mẹ tỏ ra bối rối và cho rằng con trai bà chỉ làm việc tại đây đến năm 1995. Tồi tệ hơn, họ hàng của Alwan thì khẳng định rằng người này không còn có mặt tại Iraq năm 1998 (thời điểm xảy ra vụ nổ phòng thí nghiệm như lời khai của Alwan). Không chấp nhận sự thật ở đây, Kay đã tìm được Feah, một đồng nghiệp cũ của Alwan tại CEDC trước đây và sự thật về Alwan đã được tìm thấy: theo lời kể của Feah, Alwan từng là nhân viên dưới quyền anh tại CEDC, mặc dù tiếng Anh bình thường nhưng Alwan có năng lực về ngành hóa chất và sinh học. Với tài ăn nói khéo léo, Alwan đã đảm đương chức vụ quản lý cho Feah ở hai bộ phận khác nhau. Tuy nhiên, sau đó Alwan đã bị đuổi việc vì tội kê khống hóa đơn khi mua hàng hóa (1995). Sau đó, Feah lại tạo cho Alwan một cơ hội nữa khi bố trí Alwan vào làm tại một cửa hàng mỹ phẩm. Tại đây, Alwan lại tiếp tục những thói hư tật xấu cũ và lại bị đuổi việc tiếp bởi dường như "Alwan được sinh ra để trở thành một kẻ lường gạt", như lời của Feah.

Đối với BND, họ đã thực sự "trải thảm đỏ" cho Alwan bởi sau khi đến trại tị nạn Zirndorf 2 tuần, Alwan đã được tự do ra ngoài mua đồ dùng cá nhân, được BND cấp cho một căn hộ bí mật sang trọng tại Erlangen sau đó 3 tháng. Đồng thời, Alwan cũng nhanh chóng nhận được thẻ tị nạn chính trị tại Đức sau đó ít lâu. (Còn tiếp)

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.