Được đào tạo chuyên ngành khoa học nhưng Arthur C.Clarke lại trở thành nhà văn chuyên viết về khoa học giả tưởng. Ông là người cuối cùng trong ba cây đại thụ của văn học khoa học giả tưởng thế giới ra đi (hai người kia là nhà văn Nga Isaac Asimov, mất năm 1992 và nhà văn Mỹ Robert A. Heinlein mất năm 1988).
Vào những năm 1940, Clarke là người đầu tiên có ý tưởng sử dụng vệ tinh nhân tạo bay vòng quanh quĩ đạo trái đất nhằm truyền tải thông tin và dự đoán rằng đến năm 2000 con người sẽ lên mặt trăng. Điều này sau này trở thành hiện thực khi Gagarin lần đầu tiên bay vào không gian vào năm 1961. Đến năm 1969, khi Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, nước Mỹ đã bảo rằng chính Arthur C.Clarke là người chỉ ra những lí luận bản chất dẫn đường họ đến mặt trăng.
Arthur C.Clarke sinh ngày 16.12.1917 trong một gia đình nông dân Anh và từng phục vụ trong Không lực Hoàng gia Anh trong chiến tranh thế giới thứ 2, được Nữ hoàng Anh phong tặng hiệp sĩ năm 1998. Ông viết khoảng 100 quyển sách, hàng trăm truyện ngắn và bài báo. Arthur C.Clarke tạo tiếng vang khắp thế giới với bộ phim khoa học giả tưởng 2001: A Space Odyssey cộng tác với nhà làm phim Stanley Kubrick vào năm 1964, mà ông là nhà biên kịch. Trước khi ra đi Arthur C.Clarke còn kịp hoàn thành bản viết tay cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình mang tên The Last Theorem cách đây vài ngày.
“Kỉ nguyên vàng của không gian chỉ mới bắt đầu. Trong vòng 50 năm tới, hàng ngàn người sẽ chu du vòng quanh quĩ đạo trái đất, tiếp theo là mặt trăng và còn bay xa hơn nữa. Một ngày nào đó, những điểm đến trong không gian sẽ trở nên quen thuộc với chúng ta trong lịch trình của những chuyến du hành, du lịch không gian”, lời dự đoán của Clarke hơn 50 năm trước đang dần thành hiện thực.
N.M
Bình luận (0)