Những lý do này không sai, nhưng chưa đủ thuyết phục nếu xét đến mục tiêu cũng như tầm nhìn của các nhà đầu tư lẫn công ty quản lý quỹ khi đầu tư vào thị trường VN. Chúng ta đều biết, VN nằm trong số các thị trường mới nổi. Đặc điểm nổi bật của những thị trường này là khả năng sinh lợi lớn. Tuy nhiên, cũng như bất cứ lĩnh vực kinh doanh khác, lợi nhuận và rủi ro luôn đi kèm với nhau. Vì vậy, khi đầu tư vào những thị trường này, nhà đầu tư đã xác định các rủi ro có thể xảy ra.
Cũng có nghĩa là, những khó khăn của nền kinh tế VN hiện tại không thể nói là quá bất ngờ đối với họ. Điều họ trông chờ ở các quỹ là khả năng ứng xử linh hoạt trong cơ cấu và hoạt động đầu tư sao cho phù hợp với từng thời điểm của nền kinh tế chứ không phải chỉ đơn thuần bỏ vốn vào một chỗ nào đó rồi ngồi đợi khoản vốn đó sinh lợi. Nên những bất ổn vĩ mô như lạm phát, lãi suất, giá cả mà các công ty quản lý quỹ bóng gió giải thích cho việc thoái vốn, không gia hạn hay khó huy động vốn (nếu xảy ra)... có thể khẳng định không phải là nguyên nhân lớn nhất. Không loại trừ trường hợp, nhà đầu tư thất vọng về năng lực điều hành, đầu tư của công ty quản lý quỹ. Đã từng xảy ra việc công ty quản lý quỹ này phải "bàn giao" lại quỹ cho công ty quản lý quỹ khác khi nền kinh tế vẫn phát triển tốt trong khi quỹ lại kém hiệu quả.
Đóng quỹ khi hết thời hạn chỉ là hoạt động hết sức bình thường. Việc các quỹ mới tìm vào thị trường nội địa bất chấp bối cảnh khó khăn cũng là chuyện bình thường. Với các nhà đầu tư sáng suốt, câu nói "cơ hội trong khó khăn" luôn hiệu nghiệm. Chúng ta không nên quá lo lắng về thông tin thoái vốn đang tràn lan trên thị trường hiện nay.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)