Ông cũng thẳng thắn: “Chính những thành phố lớn gây nhiều bức xúc nhất về lạm thu”.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhìn nhận vấn đề rõ ràng như vậy nhưng phụ huynh, học sinh vẫn không hề yên tâm. Thực tế cho thấy nếu không có biện pháp mạnh, không có những thay đổi căn cơ về chương trình giảng dạy, không có những điều chỉnh về chế độ lương cho giáo viên thì sẽ không thể thay đổi tình trạng này.
Bộ đã có quy định cấm dạy thêm học sinh tiểu học 2 buổi/ngày, nhưng ròng rã những năm qua nhiều học sinh ngay từ lớp 1 vẫn phải miệt mài học thêm. Bộ cũng quy định giáo viên không cho bài tập về nhà với những học sinh tiểu học 2 buổi/ngày. Thế nhưng thử hỏi có phụ huynh nào hằng đêm không phải hướng dẫn con làm bài tập ngay từ khi con học lớp 1? Thậm chí giáo viên còn cho nhiều bài tập nâng cao, không thuộc phạm vi chương trình khiến phụ huynh không còn cách nào khác là để con đến lớp học thêm.
Năm nay, khi Bộ chính thức cắt giảm chương trình thì học sinh vẫn phải đến lớp học thêm vì nhiều giáo viên cho rằng chương trình nhẹ, muốn học tốt, thi tốt thì phải học phụ đạo!
Trước sức ép của dư luận, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó có quy định về các khoản không được quyên góp: ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; kinh phí không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học… Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh, thế nhưng vẫn có lãnh đạo Sở GD-ĐT xin phép bỏ điều khoản này! Có hiệu trưởng than quy định cứng quá sẽ gây khó khăn cho các trường. Trong khi đó, không đợi đến dự thảo này, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã giải quyết tình trạng lạm thu giúp xã hội tin rằng nếu quyết tâm đến cùng thì sẽ chặn được. Ngay khi nhận được thông tin một lớp của một trường tiểu học vi phạm quy định thu chi, lãnh đạo thành phố và Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã đề nghị hình thức kỷ luật hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm lớp cũng bị khiển trách. Thái độ cương quyết này được dư luận đồng tình và đặt ra vấn đề tại sao Đà Nẵng làm được nhưng các thành phố khác như Hà Nội và TP.HCM lại không thể?
Thực tế cho thấy đã có quy định cấm, nhưng tình trạng dạy thêm trái quy định vẫn diễn ra tràn lan. Lạm thu cũng thế, nếu chỉ nói suông thì không bao giờ chấm dứt. Bài học từ Đà Nẵng cho thấy cần phải có thái độ quyết liệt, biện pháp xử lý mạnh đối với từng cá nhân liên quan thì sẽ không ai dám vi phạm quy định.
Thùy Ngân
Bình luận (0)