Dùng tài khoản điện thoại 'bắn' tiền, mua hàng

17/01/2019 07:21 GMT+7

Với một chiếc điện thoại di động, thẻ cào , không cần tài khoản ngân hàng, bất kỳ người nào cũng có thể chuyển tiền, nhận tiền, đặt vé máy bay, thậm chí đi siêu thị mua rau...

Thanh toán đến tận vùng sâu, vùng xa

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT-TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ TT-TT, cho sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, ít nhất cho một doanh nghiệp viễn thông thí điểm phương thức này. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT-TT trình Chính phủ đề án cho phép dùng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung số, nhà mạng và công ty nội dung số nạp tiền chung tài khoản viễn thông, đây là điểm quan trọng đã được đề cập trong Nghị quyết 02/NQ-CP
Giấc mơ về nền thanh toán phi tiền mặt phổ cập đến toàn dân đang trở thành hiện thực khi Chính phủ vừa cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ và dịch vụ nội dung số. Tải ứng dụng ViettelPay được hơn nửa năm, anh Nguyễn Văn Hoài (Q.Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra thích thú khi chuyển được tiền cho bố mẹ ở quê vốn không có tài khoản ngân hàng (NH). Theo anh Hoài, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, tải ứng dụng của nhà mạng, đăng ký bằng số thuê bao điện thoại... tài khoản viễn thông đã có chức năng như một chiếc ví điện tử. Ngoài ra, rất nhiều dịch vụ online cần thanh toán để dùng dịch vụ, nhưng nếu thanh toán qua NH thì sẽ mất phí chuyển khoản.
“Thanh toán dịch vụ mua nội dung số bất kỳ giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng, nhưng nếu dùng chuyển khoản mà khác NH thì phí dịch vụ đã lên 11.000 đồng/lần”, anh Hoài nói. Với nhiều người, cả trẻ tuổi, người già và những người dân ở vùng sâu vùng xa... chưa có thẻ NH thì việc chuyển khoản không hề đơn giản, mất nhiều thời gian so với sử dụng tài khoản trên điện thoại.
Hiện tại, các nhà mạng trong nước đã có nhiều hệ thống thanh toán điện tử như Bankplus, ViettelPay, VNPT Pay với hàng chục triệu giao dịch và hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi tháng. Liên quan thanh toán điện tử, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ sẽ thí điểm mobile money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông. Điều này sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng. Mobile money về bản chất là dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động, bao gồm dịch vụ chi trả di động cả giao dịch lẻ và thanh toán hóa đơn, chuyển tiền qua mạng di động, giao dịch tín dụng nhỏ... Thay vì sử dụng tài khoản ngân hàng, người sử dụng mobile money có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động từ tiền điện, tiền nước đến chuyển nhận tiền...

Mỗi thuê bao di động là một ví điện tử

Theo ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, bài học trên thế giới cho thấy các công ty tham gia cung cấp giải pháp thanh toán rất đa dạng, trong đó phải kể đến vai trò của các công ty viễn thông khi cung cấp dịch vụ tài chính vi mô phổ cập đến người dân qua thiết bị di động. Tại châu Phi, hầu như thuê bao di động nào cũng sử dụng ví điện tử, đặc biệt tại Kenya, tổng dòng tiền qua ví M-Pensa của nhà mạng năm 2018 đã lớn hơn GDP nước này.
Ứng dụng tài khoản viễn thông giống như ví điện tử của các ngân hàng
Cho rằng các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT có nền tảng hạ tầng, năng lực xử lý giao dịch trực tuyến, đối soát thanh toán với hàng nghìn đối tác trong nước và quốc tế, theo ông Dũng, các nhà mạng đều tham gia thị trường thanh toán trên điện thoại di động nhiều năm đạt kết quả tốt, kết nối hầu hết với các NH tại VN. Hiện đã có cộng đồng hơn 5 triệu khách hàng có thể chuyển tiền điện tử, tiền mặt, thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện thoại, điện, nước, truyền hình, vay tiêu dùng, bảo hiểm... trên điện thoại di động với hơn 25 triệu giao dịch/tháng, dòng tiền 39.000 tỉ đồng/tháng...
Từ thực tế lượng giao dịch phi tiền mặt của VN thấp nhất trong khu vực, mới 30% người dân có tài khoản NH..., lãnh đạo Viettel cho rằng VN cần quy hoạch thiết kế xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia một cách đồng bộ. Trong đó, xây dựng hệ thống điện tử tập trung và kết nối liên thông với toàn bộ cơ quan thuế từ trung ương đến địa phương. Đối với lo lắng về bảo mật, đại diện một nhà mạng cho rằng với hệ thống bảo mật gồm mật khẩu, OTP, phân biệt theo từng loại hình giao dịch cũng như mức giá trị giao dịch khác nhau, đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử.

Thẻ cào trở lại

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VN giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Việc cho phép dùng tài khoản viễn thông thanh toán giúp người dân có thể dùng thẻ cào để nạp tiền vào tài khoản hoặc để thanh toán các dịch vụ giá trị gia tăng, nội dung số.
Đây chắc chắn là tin vui đối với các nhà mạng, các công ty phát hành nội dung số, game online... bởi vào tháng 4.2018, khi “lệnh giới nghiêm” được ban bố, doanh thu của các đơn vị này sụt giảm khá mạnh. Nhà phát hành game Deco bị sụt giảm tới 90%. Còn Tổng công ty VTC, sau khi thực hiện việc ngừng thanh toán bằng thẻ cào viễn thông, bị sụt giảm tới vài chục % doanh thu dịch vụ game.
Đại diện VTC Mobile cho biết kênh thẻ cào vẫn là kênh thanh toán thuận tiện nhất bởi độ phủ rộng, mua thẻ ở ngõ ngách nào cũng có. Ông Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn Hội đồng quản trị - Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), hoan nghênh quyết định mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư. Đặc biệt có thể phủ sóng đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà các NH khó tiếp cận.
Trong khi đó, số lượng người dân sử dụng điện thoại khá nhiều, họ có thể sử dụng thẻ cào để thanh toán các dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ như điện, nước... mà không cần dùng đến tiền mặt. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng không nên kỳ vọng 100% các giao dịch đều thanh toán không dùng tiền mặt trong năm nay, bởi thói quen dùng tiền mặt trong dân còn cao, nhiều người sử dụng điện thoại mà hay gọi là “cùi bắp” có thực hiện được thanh toán hay không? Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đòi hỏi các công cụ thanh toán có nhiều hơn như thẻ NH, ví điện tử..., ngoài ra còn đòi hỏi thói quen của người dân cần được thay đổi. Yếu tố quan trọng góp phần cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đó là đẩy mạnh các mạng lưới chấp nhận hình thức thanh toán, một người mua một ly nước có thể sử dụng điện thoại để “bắn” tiền trên tài khoản điện thoại cho người bán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.