Đừng tạo thêm gánh nặng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
31/03/2020 04:36 GMT+7

Chỉ cần một người dân thiếu ý thức, cả xã hội sẽ phải gánh những hậu quả nặng nề mà chưa ai lường hết được sự nghiêm trọng của nó.

Bất chấp những chỉ thị quyết liệt, những khuyến cáo từ cơ quan chức năng về việc đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người ở các khu vực công cộng để phòng chống dịch, nhiều người dân vẫn thiếu ý thức, coi thường nguy cơ đối với sức khỏe bản thân và cả cộng đồng.
Ngày 28.3, một ngày sau khi Thủ tướng ban hành chỉ thị về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu không tụ tập quá 10 người tại khu vực công cộng, nhưng hàng trăm người dân vẫn tập trung tắm biển tại bãi biển Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam).
Sự thiếu ý thức này không chỉ diễn ra ở Quảng Nam. Bất chấp các lệnh cấm của cơ quan chức năng, hàng trăm người vẫn tụ tập ăn uống, “dã ngoại” tại khu vực bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), hay khu vực bãi giữa sông Hồng của Hà Nội. Tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng vẫn phải xử phạt những người không đeo khẩu trang tại những khu vực công cộng.

Lập rào “đóng cửa” Sơn Trà vì dân vô tư dã ngoại trong dịch bệnh

Vào thời điểm dịch bệnh đã lây lan rộng, nguy cơ những bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19 trong cộng đồng là rất lớn. Đáng lo ngại là theo Bộ Y tế thì có tới hơn 60% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng khi phát hiện nhiễm bệnh. Do đó, những hành động “vô tư” như tụ tập tắm biển, ăn uống hay dã ngoại ở khu vực công cộng bất chấp các khuyến cáo về hạn chế tụ tập nơi đông người, là tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Nhưng nguy cơ không chỉ đối với những người thiếu ý thức. Chỉ cần một người nhiễm bệnh vô tình đi lại nơi công cộng với một chút bất cẩn, chúng ta sẽ có thêm một ổ dịch trong cộng đồng mà không biết phải huy động bao nhiêu nhân lực, vật lực mới có thể kiểm soát được sự lây lan có thể theo cấp số nhân.
Chỉ vài chục nhân viên phục vụ nước sôi của Công ty Trường Sinh tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng ta đã có một ổ dịch nguy cơ rất lớn không chỉ cho Hà Nội mà còn rất nhiều địa phương. Một bệnh viện tuyến cuối, với 4.000 y bác sĩ, tiếp đón 5.000 - 7.000 bệnh nhân mỗi ngày đã phải “đóng băng”. Các cơ quan chức năng và cả xã hội phải căng mình tìm kiếm tới 40.000 người có liên quan để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Nhận diện 5 nhóm lây lan virus corona trong ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai

Các biện pháp chống dịch có thể ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống hằng ngày của người dân. Song đối phó với đại dịch là khi xã hội đang bước vào một trạng thái bất thường. Vì vậy, vào thời điểm này, sự ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi chỉ cần một người dân thiếu ý thức, cả xã hội sẽ phải gánh những hậu quả nặng nề mà chưa ai lường hết được sự nghiêm trọng của nó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.