Đừng tiếp tay cho con vô cảm

26/10/2015 05:12 GMT+7

Với tình yêu thương bao la, đôi khi ba mẹ đã tạo điều kiện cho con cái cư xử vô tâm với mình, rồi lại hy vọng lớn lên con sẽ tử tế và thành công!

Với tình yêu thương bao la, đôi khi ba mẹ đã tạo điều kiện cho con cái cư xử vô tâm với mình, rồi lại hy vọng lớn lên con sẽ tử tế và thành công!

Học sinh một trường quốc tế được yêu cầu phải tự tay làm bánh rồi bán bánh để quyên góp giúp trẻ em kém may mắn, chứ không được về nhà xin tiền bố mẹ - Ảnh: T.HHọc sinh một trường quốc tế được yêu cầu phải tự tay làm bánh rồi bán bánh để quyên góp giúp trẻ em kém may mắn, chứ không được về nhà xin tiền bố mẹ - Ảnh: T.H
Cứ để đó mẹ lo !
Khi đường phố Hà Nội, TP.HCM ngập nước, chúng ta sẽ gặp nhiều hình ảnh những đứa con lớn tướng co chân, ngồi trên yên xe máy để mẹ dắt bộ qua vùng nước ngập... Một bài văn 9 điểm hiện đang được chia sẻ khá nhiều viết rằng: "Cảnh tượng đó ấm áp và cảm động đến lạ, bất cứ ai nhìn vào cũng thấy sự bao la của tình mẫu tử".
Rồi hình ảnh mẹ đút từng muỗng cơm cho cậu con trai học THPT đang chăm chú đọc sách ngay cổng trường... cũng nhận được nhiều đồng tình: "Đó là những hình ảnh đẹp của tình mẫu tử. Việc đút cơm cho con là người mẹ đang dạy con mình sau này cũng phải biết chăm sóc và yêu thương con của mình".
Có câu chuyện về cậu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tới phỏng vấn vị trí quản lý một tập đoàn lớn. Sau khi biết mẹ của cậu làm nghề giặt quần áo, ông giám đốc cầm đôi tay mềm mại của chàng trai bảo hãy về và rửa đôi bàn tay mẹ rồi hôm sau tới phỏng vấn tiếp. Chàng trai về nhà, tối đó lần đầu tiên cầm đôi bàn tay chằng chịt vết sẹo và chai sần nứt nẻ của mẹ, lần đầu tiên giặt quần áo phụ mẹ. Gặp lại ông giám đốc, chàng trai khóc vì ân hận và thương nỗi vất vả của mẹ, và... trúng tuyển.
Câu chuyện có hậu. Nhưng tôi không tin có một người suốt 22, 23 năm vô tâm, tàn nhẫn với mẹ, bỗng sau một đêm thoắt trở thành người tử tế, biết thương người khác!
Một kỹ năng như tập đi, viết chữ mà còn phải tập hàng năm trời, thì những rèn luyện dành cho trái tim phải công phu hơn thế nhiều!
Giáo dục tính cách phải thông qua hành động
Hai bé nhà tôi từ khi mới 2, 3 tuổi đã bị mẹ sai vặt, yêu cầu phụ giúp mẹ. Khi cô chị 3 tuổi đã biết lấy quần áo cho em, biết ngồi chơi gần em để khi em khóc thì gọi mẹ. Tôi thường xuyên ngồi một chỗ, "mua việc cho con", sai con chạy tứ tung, lấy cái này, cất cái kia, dọn dẹp, luôn chân luôn tay!
Khi bé học lớp 2 là đã có lúc tôi ngồi không, để con tự nhặt rau, thái cà chua, rửa chén, nấu cơm cho mẹ. Giờ này, khi con tôi học lớp 4, tôi đã có nhiều lúc nằm dài ra để con massage, vì mẹ đi làm về mệt. Ăn xong bữa cơm, tôi chỉ ngồi uống nước, để con dọn dẹp, cái gì bỏ vào sọt rác, cái gì cất tủ lạnh, cái nào bỏ vào bồn rửa chén.
Tôi tới nhà một người bạn có cậu con trai 8 tuổi, cô bạn cũng yêu cầu cậu bé phải mở cửa, kéo ghế, xách túi cho tôi. Buổi tối cậu còn phải dọn dẹp giường ngủ và mắc mùng cho tôi nữa. Bạn tôi giải thích với con trai: “Con còn nhỏ, nhưng con là một quý ông, con hãy tỏ ra ga lăng với phụ nữ nhé!”. Cậu bé vui vẻ sắm vai quý ông, chỉ dẫn cho tôi những thứ trong nhà của cậu, không quên thỉnh thoảng hỏi tôi: “Cô có cần gì nữa không?”.
Một cậu con trai 6 tuổi của một bạn khác, đi chơi công viên là tự đeo ba lô của mình trên lưng, luôn xách túi cho mẹ. Chàng trai 6 tuổi ấy ở nhà còn kiêm cả việc dọn nhà vệ sinh, vì "việc này dơ, mẹ phải để đàn ông làm!".
Tại sao với việc bé tập đi, chúng ta biết để con tự bước, dù biết chắc chắn sẽ có lúc ngã? Tại sao con vào lớp 1, chúng ta cũng yêu cầu con tự cầm bút, dù biết những chữ cái đầu tiên sẽ viết rất chậm và rất xấu?
Bản năng che chở và bao bọc của bạn dù lớn tới mấy thì cũng cần hiểu rằng mình đã sinh con ra rồi, đã cắt sợi dây rốn rồi, không thể mãi cư xử như con vẫn còn nằm trong bụng. Cho phép con ngồi trên xe, co cẳng lên để mẹ dắt qua vũng nước ngập, là đang tạo cơ hội mời mọc con nhẫn tâm với mẹ. Ướt quần áo thì về nhà thay, trễ một buổi học đâu có nguy hiểm? Ba mẹ, người thiêng liêng nhất trên đời này mà bạn còn cho phép con vô cảm được, thì hy vọng gì con sẽ tử tế được với người ngoài?
Một nghiên cứu trong bài báo của Business Insider mới đây khẳng định: trí thông minh chả quyết định nhiều lắm đến thành công của bạn. Thành công phụ thuộc vào thái độ!
Mà thái độ thì phải học và phải tập. Mệt cũng phải tập! Xót ruột cũng phải tập! Lý thuyết mãi mãi cũng không bao giờ đủ. Tôi tin rằng, cả ở trường và ở nhà, giáo dục tính cách phải thông qua hành động!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.