Đừng viển vông khi chọn ngành học

13/08/2014 08:49 GMT+7

Sau khi đăng bài “Nhiều cử nhân đang xin làm… công nhân”, trên số báo ra hôm qua 12.8, Thanh Niên đã nhận được chia sẻ của nhiều bạn trẻ về việc chọn ngành học.

Sau khi đăng bài "Nhiều cử nhân đang xin làm… công nhân”, trên số báo ra hôm qua 12.8, Thanh Niên đã nhận được chia sẻ của nhiều bạn trẻ về việc chọn ngành học.

 Đừng viển vông khi chọn ngành học
Người có tay nghề dễ được tuyển dụng ở các ngày hội việc làm - Ảnh Ngọc Thắng

Theo đó, một số bạn trẻ đã rút ra kinh nghiệm cay đắng: học gì thì cuối cùng vẫn phải có việc để làm, đừng quá viển vông khi nghĩ rằng cứ phải học đại học mới có thể lập nghiệp.
 
Từng mơ ước làm bác sĩ nên Trần Quốc Tuấn, học viên trường Cao đẳng nghề FPT đã dự thi vào Đại học Y Hà Nội năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp THPT từ năm 2007 nhưng không đỗ, Tuấn chấp nhận nguyện vọng 2 là học Công nghệ sinh học tại ĐH Quốc gia TP.HCM, chuyên ngành nghiên cứu. Tuy nhiên, sau khi ra trường, Tuấn không xin được việc.
 
“Thời điểm đó công nghệ sinh học cũng là một ngành “hot” nhưng lĩnh vực nghiên cứu lại không cần nhiều nhân lực, những kiến thức tôi được học cũng không biết sử dụng vào việc gì. Vì vậy tôi quyết định theo học nghề để có việc làm ngay”, Tuấn cho biết lý do học nghề quản trị doanh nghiệp - marketing  ở trường Cao đẳng nghề FPT.

“Khi học ĐH, tôi phải học quá nhiều kiến thức không cần thiết và tốn khá nhiều thời gian, trong lại thiếu rất nhiều kỹ năng và kiến thức chuyên môn sâu nên tôi không xin được việc. Tuy nhiên, khi học nghề, tôi được tiếp cận ngay các kỹ năng để làm việc và trước khi tốt nghiệp 6 tháng, tôi đã có việc làm”, chàng trai trẻ tâm sự.
 
Cũng từng tốt nghiệp ĐH nhưng phải quay lại học nghề, anh Nguyễn Văn Chính, hiện là học viên của trường đào tạo nghề Aptrain Aptech, thẳng thắn chia sẻ: anh đã tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng của Trường ĐH Điện lực. Ra trường, cũng đã đi làm kế toán, nhưng thấy công việc không phù hợp với sở thích nên anh quyết định không gắn bó lâu dài mà đi theo học nghề về công nghệ thông tin. Chính cho biết anh không thích ngành tài chính ngân hàng, nhưng do lựa chọn “theo đám đông” nên anh đã phải trả giá.

“Khi học những ngành mà mình không thích thì rất khó để phát huy được khả năng. Khi được học đúng khả năng thì mới tìm được việc làm phù hợp. Vì vậy tôi cho rằng khi chọn ngành nghề không nhất thiết là phải học ĐH mà nên chọn ngành theo sở thích và ngành đó phải kiếm được tiền”, Chính kết luận.
 
“Học nghề là bổ ích”, đó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân sau khi đi học nghề của tiến sĩ Ngô Thị Thanh Vân, hiện đang học nghề tại trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội. Dù không phải là người thất nghiệp như các bạn trẻ khác nhưng do thấy thiếu kiến thức thực hành, chị vẫn quyết định đi học nghề.

Vân chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp bằng giỏi ngành Hóa học của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó về làm giảng viên khoa Hóa của Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Do cần trình độ tiến sĩ nên tôi đã được đào tạo tiến sĩ tại Pháp để về tiếp tục làm giảng viên. Tuy nhiên, kiến thức thuần túy về nghiên cứu thì khó ứng dụng trong thực tế nên tôi quyết định đi học nghề để có thực tế, có thể làm ra sản phẩm”.
 
Theo Vân, việc học nghề rất cần thiết vì hiện nay đào tạo ở các trường ĐH của Việt Nam rất nặng về lý thuyết. Sinh viên phải học rất nhiều nhưng ra trường không biết làm gì do thiếu kỹ năng thực hành. “Vì vậy học ĐH chỉ là để có tư duy tốt, còn muốn làm việc được thì cần phải học nghề”, tiến sĩ Vân kết luận.

Vũ Thơ

>> Chọn ngành học theo tính cách
>> Chọn ngành học như chọn bạn đời
>> Chọn ngành học vừa sức
>> Chọn ngành học dễ kiếm việc làm
>> Tuyển sinh ĐH-CĐ 2009: Chọn ngành học phù hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.