Đường đến đất Phật - Kỳ cuối: Ấn Độ diệu kỳ

10/12/2006 22:26 GMT+7

5. Sống 12 ngày ở Ấn Độ, bên cạnh các món chay thì món mặn duy nhất tôi được ăn là thịt gà. Người Hindu (chiếm 82%) không ăn thịt bò, nhưng lại chê thịt heo. Còn người Islam (11%) thì không ăn thịt heo nhưng lại không dám đụng đến thịt bò. Do vậy gà là món thịt phổ biến. Cá thì chỉ có ở vùng ven biển mà khu vực tôi đến, nằm chung quanh vùng thủ đô sâu trong lục địa nên cũng rất hiếm cá.

Ở nông thôn Ấn Độ người ta sống chung và thân thiện với trâu bò. Hầu như nhà nào cũng nuôi từ 3 đến 10 con trâu hoặc bò. Ngành nông nghiệp của Ấn Độ đã được cơ giới hóa, nên rất hiếm khi thấy trâu bò phải kéo xe hoặc cày ruộng. Trâu bò được nuôi chỉ để lấy phân và lấy sữa.  Phân bò được trộn với rơm rồi nắn lại thành bánh phơi khô để làm chất đốt. Ở thành phố thì bò đi lang thang đầy đường, tự tìm ăn nơi các bãi rác.

Khỉ cũng được người Ấn Độ tôn trọng nên có ở khắp nơi: từ đền đài chùa miếu đến các cơ quan công thự, thậm chí ở ngay tại các khách sạn sang trọng. Buổi sáng từ khách sạn mở cửa nhìn ra, tôi thấy từng đàn khỉ "hành quân" từ mái nhà này qua mái nhà khác. Nhà nào lơ là quên đóng cửa sổ là chúng đột nhập vào quậy phá và trộm cắp thức ăn. Các khách sạn đều cảnh báo khách không nên mở cửa sổ đề phòng khỉ đột nhập. Những đàn khỉ sống tự do trong thành phố trở thành tai họa cho người dân nước này.

Trong thời gian ở đây, tôi đọc trên báo chí Ấn Độ thấy người ta đang bàn cách đối phó với lũ khỉ. Có một người phổ biến kinh nghiệm của mình là nuôi một loài khỉ gì đó to lớn hơn nhưng ít quậy phá hơn để làm kẻ bảo vệ chống lại lũ khỉ kia. Anh ta nói rằng chỉ cần nuôi 2 "bảo vệ" ấy trong nhà là lũ khỉ quậy phá không dám bén mảng đến nữa. Nhưng có nhiều ý kiến khác phản bác sáng kiến trên vì không khéo lại "đuổi giặc cửa trước rước giặc cửa sau".

Người Ấn Độ phải sống chung với bò, khỉ và cả quạ nữa. Quạ ở đây nhiều vô kể, nhiều lúc chúng bay rợp trời, con nào cũng to lớn và mập mạnh. Có lẽ chúng phát triển hưng thịnh nhờ vào thịt trâu bò chết. Thử tưởng tượng, 100% hộ nông thôn ấn Độ đều nuôi trâu bò. Nuôi cho đến già chết thì mang đi chôn hoặc vứt ra đồng. Quạ phát triển đông đúc là nhờ thu dọn những xác chết này.


Nữ sinh Ấn Độ chụp ảnh kỷ niệm với tác giả tại núi Linh Thứu

6. Đại đa số người dân nông thôn Ấn Độ sống còn rất thiếu thốn. Nhà cửa nhỏ bé chen chúc, thiếu điện, thiếu nước sạch. Nhà ở nông thôn ấn Độ không giống như ở nông thôn VN là có vườn tược rộng rãi.  Đa số nhà đều xây bằng gạch đúc mái bằng, nhưng lại rất nhỏ hẹp, chen chúc bên nhau, không có hiên, nếu có chút sân thì lại dùng làm chỗ ở cho trâu bò, là nơi chứa phân... Chúng tôi đi qua nhiều làng mạc, thị trấn không hề thấy ăng-ten mọc lên trên mái nhà. Giới bình dân ở thành thị cũng không hơn gì nhiều. Thế nhưng nhìn vào nét mặt người Ấn gần như không thấy ai lộ ra vẻ lo lắng, buồn khổ hay bức xúc. Họ có cái vẻ gì đó yêu đời và rất bình thản. Thiếu thốn vật chất và tiện nghi sinh hoạt không làm cho họ quá bận tâm.

Họ lại tỏ ra hiền hòa và hiếu khách, buôn bán tuy nói thách rất cao nhưng không chèo kéo khách hàng, không tỏ ra giận dữ khi khách hàng trả quá rẻ hoặc bỏ đi không mua khi đã đồng ý bán. Rất hiếm khi thấy họ giận dữ và cãi vã xô xát với nhau. Người Ấn Độ dù có bị che lấp bên ngoài cái vẻ lam lũ, vẫn thấy toát ra một cái gì đó cao quý mà chỉ có thể có được ở  một dân tộc lớn với nền văn minh tầm cỡ và lâu đời.

Tôi chợt nghĩ đến Phật Thích Ca, tư tưởng hiền hòa của ông lại chinh phục được nước Trung Hoa kiêu ngạo ngày xưa vốn xem mình là trung tâm của nhân loại. Tôi nghĩ đến Thánh Gandhi, với phương cách hành xử hiền hòa mà ông dạy cho dân, lại đẩy được ra khỏi Ấn Độ kẻ xâm lược hùng mạnh, luôn không muốn cho mặt trời được phép lặn trên đế quốc của mình.

Ấn Độ diệu kỳ là như thế đó.

Ký sự của Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.