'Đường lưỡi bò' trên ô tô: Doanh nghiệp xin lỗi, luật sư nói gì?

Đình Tuyên
Đình Tuyên
31/10/2019 09:21 GMT+7

Trong khi các doanh nghiệp thừa nhận “sơ suất” và lên tiếng xin lỗi, thì các luật sư lại cho rằng cần có những biện pháp, chế tài mạnh hơn để xử lý triệt để vấn nạn “đường lưỡi bò" đang “hoành hành” trên một số mẫu xe có xuất xứ từ Trung Quốc.

[VIDEO] ‘Đường lưỡi bò’ trên ô tô: Luật sư đề nghị xử lý nghiêm

Đường lưỡi bò “nhan nhản” trên ô tô: Cẩn thận "chiêu trò" từ Trung Quốc

Trong vòng chưa đầy nửa tháng ít nhất 2 lần hình ảnh bản đồ có chứa “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện tại một số mẫu xe ở thị trường Việt Nam, gây bức xúc trong cộng đồng vì vi phạm nghiêm trọng vấn đề chủ quyền Việt Nam.

Theo đó, mới đây nhất là vụ việc Volkswagen Việt Nam trưng bày chiếc Touareg với hệ thống dẫn đường (Navigation) cài đặt bản đồ có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2019. Vụ việc này vỡ lẽ khi một khách hàng tham quan vô tình “mò” thấy hình ảnh bản đồ nói trên xuất hiện trên màn hình trung tâm của chiếc SUV 7 chỗ này trưng bày trước hàng ngàn khách tham quan triển lãm.
Bản đồ có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện trên chiếc Volkswagen Touareg trưng bày tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2019
Đáng chú ý, “sự cố” của Volkswagen Việt Nam không phải trường hợp cá biệt liên quan đến “đường lưỡi bò” phi pháp nói trên. Trước đó không lâu, trên những chiếc ô tô có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, cụ thể là những mẫu xe thuộc thương hiệu Zotye được Công ty Kylin-GX668 nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Nếu như Volkswagen chỉ là xe mượn tạm nhập tái xuất để trưng bày thì những mẫu xe Trung Quốc cài sẵn "đường lưỡi bò" đã được bán rộng rãi cho người Việt trong cả năm trời. 
Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng nhận trách nhiệm, mới nhất là Volkswagen Việt Nam
Ngay sau khi sảy ra sự cố, phía doanh nghiệp đều bày tỏ sự bất ngờ, nhận trách nhiệm vì đã "sơ suất" đồng thời khắc phục sự cố ngay lập tức. Tất nhiên đi kèm với đó là những hứa hẹn siết chặt kiểm tra, không để sự việc tiếp diễn và đăng đàn xin lỗi. Liệu rằng một câu xin lỗi có thể rũ bỏ trách nhiệm khi chủ quyền quốc gia bị xem nhẹ?

Luật sư nói gì?

Dù phía doanh nghiệp đã lên tiếng thanh minh về "sự cố", đồng thời xin lỗi và hứa “rút kinh nghiệm sâu sắc” nhưng giới luật sư lại cho rằng những động thái này chưa thỏa đáng, cơ quan quản lý cần có thêm nhiều biện pháp, chế tài nghiêm khắc hơn. Bởi, những hành vi liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia là vô cùng nghiêm trọng.
Cụ thể, trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (TP.HCM) cho biết, thời gian qua rất nhiều sự việc liên quan đến “đường lưỡi bò” trên bản đồ xuất hiện tại Việt Nam bằng nhiều hình thức đan xen. Trong đó, với các trường hợp bản đồ xuất hiện trên những sản phẩm hàng hóa, trong đó có đáng chú ý là ô tô, luật sư Thảo cho rằng đây là những hành vi bị cấm theo Luật Thương mại, căn cứ tại Khoản 1, Điều 123.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo nhận định, hành vi để "lọt" bản đồ có "đường lưỡi bò" vào sản phẩm, ấn phẩm là vi phạm Luật Thương mại
“Đây là vấn đề tôi cho rằng hết sức nhạy cảm và đặc biệt có chủ đích của bên phía Trung Quốc trong việc lồng ghép bản đồ vào các sản phẩm. Mục đích của họ là tuyên truyền và phổ biến cũng như áp đặt những vấn để đó cho tất cả những người tiếp cận được những thông tin này. Và phương châm của họ ở là “mưa dầm thấm lâu”, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và chúng ta cũng phải hết sức thận trọng đối với những chiêu trò này”, luật sư Thảo chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Ngọc Luân (TP.HCM) cũng thẳng thắn xem việc để “lọt” hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò  phi pháp là hành vi cần phải kịch liệt phản đối và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý vấn đề này.
Theo luật sư, chủ quyền quốc gia là vấn đề thiêng liêng và không cá nhân nào được phép thực hiện các hành vi, động thái phương hại đến chủ quyền quốc gia. “Một lời xin lỗi trong trường hợp này tôi cho rằng không thỏa đáng". luật sư Luân cũng cho rằng những cá nhân, tổ chức vi phạm cũng đã vi phạm và xem như "chuyện đã rồi". Quan trọng hơn hết là cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những chế tài làm sao để những hành vi tương tự không xảy ra. "Nếu như một hãng xe nào đó đã từng vi phạm, từng bị xử phạt và nếu vẫn có lần thứ hai thì tôi đề nghĩ cơ quan nhà nước có thể sử dụng biện pháp chế tài mạnh, là lời cảnh báo đối với những hãng xe khác không được lặp lại các lỗi vi phạm như thế.”
Theo Luật sư Lê Ngọc Luân, động thái "xin lỗi" của các doanh nghiệp là "chưa thỏa đáng"
Cũng theo luật sư Luân, “ngoài những Nghị định Chính phủ quy định xử phạt rõ ràng, thì Bộ luật hình sự của Việt Nam cũng đã có nhưng quy định: nếu một tổ chức hay cá nhân nào ngay cả trong nước hay nước ngoài khi đến Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có quy định của Bộ luật hình sự. Căn cứ vào tính chất, mức độ, nếu cơ quan điều tra xét thấy có dấu hiệu về tội phạm thì họ có thể sử dụng những biện pháp nghiệp vụ điều tra để xác minh xem tổ chức, cá nhân đó xâm phạm đến luật hình sự không? Cụ thể ở đây là tội chống phá Nhà nước hay những tội xâm phạm đến an ninh quốc gia. Tùy theo tính chất, mức độ sẽ có những chế tài răn đe hơn, trong đó sẽ có những chế tài về hành chính và chế tài về hình sự”.
Trong khi đó, nhận định về những vụ việc gần đây, luật sư Luân cho biết: “Chuyện một chiếc xe có hình bản đồ vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam nhưng vẫn được đưa ra triển lãm công khai, ở đây không chỉ là những cá nhân trong nước đến xem, mà còn những cá nhân tổ chức nước ngoài. Họ sẽ đặt câu hỏi đơn vị đứng ra tổ chức chương trình này đã xem xét kĩ chưa? Câu hỏi đó cơ quan nhà nước phải tự đặt ra và cần có chế tài pháp luật xử lý răn đe.
Chốt lại vấn đề, luật sư Luân cho rằng luật pháp phải thay đổi, đồng thời phải làm sao cho người dân hiểu được chủ quyền quốc gia là một quyền thiêng liêng. “Và chúng ta phải tự biết để không bao giờ vi phạm các vấn đề này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.