Đường nội ép người tiêu dùng

Chỉ cho nhập khẩu đường với hạn ngạch ít ỏi nhưng người dùng phải mua đường với giá cao ngất ngưởng. Đây là hiện trạng của VN.

Chỉ cho nhập khẩu đường với hạn ngạch ít ỏi nhưng người dùng phải mua đường với giá cao ngất ngưởng. Đây là hiện trạng của VN.

Đường nội chiếm phần lớn trên kệ đường ở siêu thị Co.opmart - Ảnh: N.T.TâmĐường nội chiếm phần lớn trên kệ đường ở siêu thị Co.opmart - Ảnh: N.T.Tâm
Giá đường cát trắng bán lẻ tại các chợ TP.HCM hiện nay có mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Theo chị Thanh, một người tiêu dùng tại Q.Bình Tân (TP.HCM), chị luôn mua đường ngoài chợ để sử dụng. Dù không có nhãn mác nhưng giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại đường được gắn nhãn mác của các doanh nghiệp (DN). “Người lao động như chúng tôi chỉ biết mua hàng hóa càng rẻ càng tốt. Đường nào cũng là đường thôi nên không cần quan tâm đến tên tuổi. Ở các chợ toàn bán đường này”, chị Thanh nói.
Người tiêu dùng mất 7.000 tỉ mỗi năm
Trong khi đó, giá bán lẻ đường của các DN sản xuất trong nước phổ biến từ 19.000 đến hơn 20.000 đồng/kg như đường tinh luyện La Ngà 19.200 đồng/kg, đường tinh luyện Biên Hòa 20.600 đồng/kg, đường tinh luyện TSU cao cấp của Công ty mía đường Thành Thành Công Tây Ninh 19.100 đồng/kg...
Việc chênh lệch giá bán với mức hơn 20% giải thích cho câu chuyện vì sao mỗi năm lượng đường nhập lậu vào VN từ 300.000 - 400.000 tấn. Điều quan trọng nhất là hiện nay, ngành mía đường trong nước đang được bảo hộ với mức thuế nhập khẩu lên đến 80 - 100% (riêng với thuế nhập khẩu số lượng đường trong hạn ngạch là 25 - 40%). Việc bảo hộ này lại không mang lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng.


Cho đường nước ngoài nhập khẩu tự do thì lợi thế nhiều hơn là mất. Về mặt phúc lợi xã hội cũng gia tăng. Nông dân cũng sẽ chuyển đổi cây trồng khác chứ không thể chờ đợi vào bảo hộ ngành đường mãi được


TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế ĐH Nông Lâm TP.HCM


Đại diện một DN thực phẩm tại TP.HCM chia sẻ: Giá đường trong nước luôn cao hơn đường nhập khẩu khoảng 20% khiến giá thành của các DN sản xuất cũng bị tăng theo, khó cạnh tranh với các đối thủ ngoại ngay trên sân nhà. Dẫn số liệu giá đường trắng kỳ hạn tháng 5 trên sàn hàng hóa ICE (Mỹ) chỉ có 359,6 USD/tấn trong những ngày giao dịch đầu tháng 4, vị này ngao ngán khi cho rằng các DN lẫn người tiêu dùng đều bị DN đường “móc túi” vì phải sử dụng đường giá cao.
Như vậy theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mía đường VN, với mức tiêu thụ từ 1,4 triệu tấn - 1,6 triệu tấn từ năm 2014 đến nay, người tiêu dùng trong nước phải trả thêm cho khoản chênh lệch này hơn 7.000 tỉ đồng mỗi năm.
Ai được hưởng lợi ?
Hiện có khoảng 39 DN mía đường trên cả nước nhưng có đến gần 10 DN có mối quan hệ tập trung với nhau mà trung tâm là Công ty cổ phần đầu tư Thành Thành Công (TTC). TTC hiện có 8 công ty thành viên trải dài từ miền Trung, Tây nguyên, đến miền Tây và miền Đông Nam bộ với công suất 29.000 tấn mía/ngày. Trong đó có 5 công ty chuyên sản xuất lớn là Thành Thành Công Tây Ninh (tiền thân là Mía đường Bourbon Tây Ninh), Thành Thành Công Gia Lai, Mía đường Biên Hòa, Công ty đường Biên Hòa - Ninh Hòa, Công ty đường Biên Hòa - Phan Rang… Trong đó hai thương hiệu đường Biên Hòa và Thành Thành Công Tây Ninh là nổi tiếng nhất cả nước. Bên cạnh đó, các công ty còn lại là Công ty TNHH thực phẩm công nghệ Minh Tâm và Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn là những “đại gia” hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm đường. Như vậy với hệ thống các công ty thành viên nêu trên, TTC có hoạt động khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối. Chỉ riêng báo cáo của Công ty Thành Thành Công Tây Ninh, thị phần của đơn vị này tại thị trường miền Nam trong vòng 3 năm qua đều chiếm đến 90%, phía bắc chiếm gần 10%. Đáng kể là lợi nhuận của các DN này vẫn gia tăng đều hằng năm. Ví dụ Công ty Thành Thành Công Tây Ninh trong nửa năm 2015 (từ ngày 1.7.2015 đến hết năm 2015) có tổng lợi nhuận trước thuế đạt 65,77 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đó chỉ đạt 27,68 tỉ đồng. Hay Công ty đường Biên Hòa kết thúc năm 2015, sau khi thu gom Công ty đường Ninh Hòa cũng đạt lợi nhuận sau thuế 102,64 tỉ đồng (tăng 183% so với năm 2014)... Việc chiếm thị phần lớn, có khả năng chi phối giá đường và thực tế trên thị trường giá bán cũng đang cao nhất thị trường khiến các DN này hằng năm bỏ túi vài trăm tỉ đồng.
TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng nếu thị trường cạnh tranh một cách lành mạnh, chắc chắn giá đường nhập khẩu và trong nước sẽ ngang nhau. Khi đó, người mua có quyền lựa chọn và không ai lại đi mua đường trong nước với giá cao hơn trong khi chất lượng chưa chắc tốt hơn. Nhưng vì hiện nay đường ngoại nhập vào VN không đủ cung cấp cho thị trường, nên dẫn tới chênh lệch giá khá cao.
Theo ông Ngãi, chỉ còn một cách duy nhất là thả nổi giá đường, để hàng thế giới tự do vào VN, đặc biệt là đường Thái Lan, đường từ Lào... Đường trên thị trường vì thế sẽ đa dạng chủng loại hơn, giá rẻ hơn, đương nhiên giá đường trong nước cũng phải giảm. Đường là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác, như bánh kẹo, sữa..., những ngành này sẽ được lợi thế phát triển nếu ngành đường VN kéo giảm giá xuống. “Cho đường nước ngoài nhập khẩu tự do thì lợi thế nhiều hơn là mất. Về mặt phúc lợi xã hội cũng gia tăng. Nông dân cũng sẽ chuyển đổi cây trồng khác chứ không thể chờ đợi vào bảo hộ ngành đường mãi được. Với vị trí thống lĩnh thị trường của TTC, họ dễ dàng kiểm soát thị trường, chính vì hàng nhập không đủ cung cấp cho thị trường nên có sự chênh lệch cao về giá giữa đường trong và ngoài nước. Khi tiến tới mở cửa thị trường hoàn toàn, thì cho dù TTC có lớn đi mấy chăng nữa cũng khó thao túng được giá như hiện nay”, TS Ngãi nhấn mạnh.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng, bản thân TTC giữ giá đường cao vì họ không dại gì lấy đá ghè chân mình để giảm giá. Lợi nhuận của họ thu từ giá nên đã lợi dụng điều này để độc quyền. Trong lộ trình hội nhập sâu rộng sắp tới, DN mía đường nếu không tạo cho mình khả năng cạnh tranh bằng việc nâng cao năng lực sản xuất, hạ giá thành thì chắc chắn sẽ chết trên sân nhà.
“Không dễ gì các DN như TTC hạ giá bán đường, chỉ khi nào dưới sức ép cạnh tranh họ mới hạ. Còn không cạnh tranh mà với điều kiện có lợi cho họ như hiện nay thì giá đường vẫn cứ cao. Họ chỉ có thể đẩy giá lên, còn giảm giá là hão huyền. Chỉ khi mở cửa thị trường đường, họ mới giảm giá. Hội nhập sẽ buộc bỏ bảo hộ, bản thân DN không tự nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ chết”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.