Đường phố thành ao

21/09/2014 02:05 GMT+7

Tại TP.HCM, nhiều tuyến đường đang bị xuống cấp trầm trọng gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Thế nhưng, do thiếu kinh phí sửa chữa, duy tu nên tình trạng hư hỏng kéo dài từ năm này sang năm khác.

Tại TP.HCM, nhiều tuyến đường đang bị xuống cấp trầm trọng gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Thế nhưng, do thiếu kinh phí sửa chữa, duy tu nên tình trạng hư hỏng kéo dài từ năm này sang năm khác.

 Đường phố thành ao
Những “ao làng” dọc đường Bình Đăng, P.6, Q.8, TP.HCM  Ảnh: Đình Mười

Hơn 10 năm nay, gần 6.000 hộ dân khu vực P.6, Q.8 sống trong cảnh khó khăn, vất vả, khi hằng ngày phải lưu thông trên đường Tạ Quang Bửu, đoạn hướng từ cổng khu công nghiệp (KCN) Bình Đăng dẫn đến KCN này.

Do nằm trong địa bàn KCN nên hằng ngày có hàng nghìn lượt xe tải lớn, container... vận chuyển hàng hóa ra vào thường xuyên, khiến con đường đã xuống cấp nay lại xuống cấp nghiêm trọng hơn. Mặt đường bị hư hỏng trầm trọng, biến dạng, càng vào sâu KCN mức độ càng nghiêm trọng, nhan nhản ổ voi, hố bom... trên suốt chiều dài con đường.

Theo đại diện UBND P.6, Q.8, đoạn đường này có chiều dài 1,7 km thuộc quản lý của UBND TP.HCM. Đã nhiều lần UBND phường kiến nghị nhưng do thiếu kinh phí nên tuyến đường vẫn chưa được nâng cấp. Thời gian qua nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn đứng ra sửa chữa, chắp vá tạm. Tuy nhiên, do tuyến đường không có hệ thống cống thoát nước nên chỉ sau một vài trận mưa lớn, con đường lại sạt lở, ngập úng và trở lại nguyên trạng ban đầu.

Đường C4, hướng từ đường Phạm Hùng dẫn vào khu vực trung tâm ấp 4, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh cũng chi chít ổ gà, ổ voi xuất hiện, gây mất an toàn cho người dân tham gia giao thông. Ông Phạm Hữu Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố 191, cho biết: “Đường xuống cấp 4 năm nay, nhưng do thiếu kinh phí nên chưa thể nâng cấp. Người dân trong ấp đã họp và cùng nhau vận động đóng góp 50% kinh phí, số còn lại đang chờ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn”. Cách đường C4 không xa, đường C13 nối từ đại lộ Nguyễn Văn Linh vào ấp 5A, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, cũng đang xuống cấp thê thảm. Mặt đường bị bong tróc, lún sâu tạo thành nhiều ổ gà, ổ voi gây mất an toàn cho người dân.

 Đường phố thành ao 2
Đường C13, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh bị ngập nước

Tại đường Long Phước, Q.9, hàng nghìn hộ dân cũng đang vô cùng khổ sở vì đường sá xuống cấp. Ông Nguyễn Công Đỏ, Tổ trưởng Tổ dân phố 5, KP.Long Đại (P.Long Phước), nói: “Do không có hệ thống thoát nước nên mỗi khi triều cường, nước sông dâng cao ngập lênh láng, chảy ào ạt vào vườn và nhà của nhiều hộ dân, đọng lại lâu ngày gây ngập úng, gây khó khăn trong sinh hoạt và đi lại của bà con. Đã nhiều lần người dân góp ý lên UBND phường, kiến nghị lên UBND TP.HCM sớm nâng cao mặt đường, xây dựng hệ thống thoát nước. Sau đó, đã có đoàn kiểm tra cấp trên xuống khảo sát nhưng mấy năm nay vẫn chưa thấy làm”.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng tại nhiều tuyến giao thông, nhất là tại các quận, huyện ngoại thành. Thế nhưng, TP đang thiếu kinh phí duy tu, bảo trì đường bộ, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, nên nhiều tuyến đường hư hỏng nặng nề vẫn không được sửa chữa, nâng cấp. Năm 2012, nhu cầu vốn duy tu bảo dưỡng đường bộ của Sở GTVT là 4.414 tỉ đồng nhưng chỉ bố trí được 952 tỉ đồng, tỷ lệ 21,6%. Năm 2013, nhu cầu này tăng lên 4.966 tỉ đồng nhưng chỉ bố trí được 950 tỉ đồng, tỷ lệ 19,4%. Hiện nhiều tuyến đường xuống cấp nặng nhưng không có kinh phí sửa chữa. Tại nhiều quận, huyện như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Q.9, Q.Thủ Đức... mỗi năm chỉ được 10 - 20 tỉ đồng để duy tu, bảo trì nên “như muối bỏ biển”.

Đình Mười - Văn An

>> Đường xuống cấp gây tai nạn
>> Khổ vì đường xuống cấp
>> Thiếu vốn thực hiện quy hoạch chống ngập úng cho TP.HCM  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.