Ngành nào đây? Trường nào đây? Bao nhiêu câu hỏi, bấy nhiêu âu lo cho bước kế tiếp trên đường học vấn. Nhưng có mấy ai thật sự hiểu rõ mình muốn tiếp tục học để làm gì?
Mỗi người chúng ta đều có một sự nghiệp để nghĩ đến, một tương lai để vun vén, nhiều đối tượng để phụng sự, nhiều việc hữu ích cần phải làm. Chúng ta cần định hướng đúng. Chúng ta cần một lộ trình xán lạn. Như thế ngay từ bây giờ chúng ta cần xác định mục tiêu của cuộc đời mình một cách hợp lý nhất.
Căn cứ vào quá trình học tập và đời sống ở bậc trung học, các bạn có thể quyết định cụ thể mình thích làm những gì khi ra trường, xếp những ưu tiên đó theo thứ tự từ cao đến thấp. Năng khiếu sẽ là kim chỉ nam chính xác nhất giúp bạn chọn hướng đi tương lai. Bạn cũng cần tham khảo thực tế yêu cầu phát triển của đất nước để thấy được xã hội đang cần nguồn lực nào, từ đó so với những ưu tiên của mình mà có quyết định cuối cùng.
Không ai hiểu bạn hơn chính bản thân bạn. Rất có thể bạn thích học tiếp lên đại học, hay chỉ thích vào một trường chuyên nghiệp nào đó, bậc trung học hay cao đẳng, hay chỉ là một trường nghề ở địa phương. Ở u - Mỹ, thanh niên rất thích học ở các trường cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp vì khi ra trường là họ đi làm việc được ngay, mà tiền lương thì lại không cách biệt bao nhiêu so với người có bằng đại học. Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta ai cũng đua nhau vào đại học, còn vào cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp thì chỉ là ưu tiên thứ cấp.
Việc chọn trường học đối với học sinh Việt Nam là một vấn đề khó khăn vì không phải mình thích ngành nào cũng có trường cho mình học. Và số người muốn học luôn vượt xa tổng chỉ tiêu nên chúng ta phải thi tuyển rất gay go để giành một chỗ ngồi trong nhà trường. Do đó, việc chọn trường hầu như ở ngoài tầm tay của mọi thí sinh, phải thi tại 2 hoặc 3 trường may ra mới trúng vào được một trường. Tuy nhiên trong 2-3 trường đó, các bạn cũng có thể ưu tiên cho trường nào đấy có ngành học mình ưng ý nhất, có phương tiện thể dục thể thao, văn nghệ và có những chương trình đào tạo ngoại khóa giúp cho sinh viên mau giỏi. Một yếu tố không kém quan trọng là phải liệu sức mình có chọi nổi với những người khác cùng thi vào các trường đó hay không! Do đó, nhiều trường hợp chọn lựa của bạn chỉ căn cứ theo tỷ lệ chọi thay vì theo ngành mình chọn.
Sau cùng, nếu rủi bạn không vào được trường học như sở thích của mình thì cũng không nên thất vọng, nhất là đối với các bạn muốn học để nâng cao tri thức, kỹ năng mà không nhất thiết cần phải có bằng cấp. Trường học lớn nhất và có nhiều thầy giỏi nhất trên thế giới là internet. Trên mạng internet có trên 50.000 trường học của các nước. Các bạn có thể thu nhận kiến thức gần như bất cứ môn học nào mình muốn. Tri thức học được từ internet có khi còn tốt hơn, và mới hơn những bài giảng của các thầy cô tại nhiều trường đại học hiện nay.
Võ Tòng Xuân
Bình luận (0)