Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), từ ngày 1.1.2021, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh không đúng tuyến (không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, không có giấy chuyển tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh), nếu được chỉ định và điều trị nội trú, thì chi phí sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% theo mức hưởng của nhóm đối tượng đó. Theo quy định cũ, quỹ BHYT chỉ thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thành phố, không áp dụng với tuyến T.Ư và không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú.

Người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Dù thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến.

Người bệnh được hưởng lợi khi thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến tỉnh BHYT

Ông Phúc chia sẻ: “Trước đây, người bệnh điều trị nội trú hay ngoại trú đều phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên. Chính sách mới tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. Chẳng hạn, người bệnh có thẻ BHYT do các tỉnh phát hành, khi lên Hà Nội, TP.HCM làm việc, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thì có thể đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở đây mà không phải mất công đi về”.

Bên cạnh tạo điều kiện cho người dân chủ động lựa chọn, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh, chính sách này còn tạo động lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến y tế. Ông Phúc cho hay: “Các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải nâng cao chất lượng để giữ bệnh nhân, không để họ đổ đến thành phố lớn hoặc đi địa phương khác điều trị. Chất lượng khám chữa bệnh nâng lên, người bệnh được hưởng. Cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ đón thêm nguồn bệnh nhân lớn và chủ động trong việc chỉ định điều trị cho người bệnh”.

Tuy nhiên, theo ông Phúc khi áp dụng chính sách mới có thể có xu hướng các bác sĩ chỉ định điều trị nội trú kể cả với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, chưa thực sự cần thiết điều trị nội trú cũng đưa vào. Điều này dễ dẫn đến các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng trong khi nhân lực, vật lực đang thiếu.

Điều trị nội trú trái tuyến tỉnh được hưởng 100% mức đúng tuyến

Để tránh tình trạng này, ông Phúc cho biết Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là cơ quan quản lý Quỹ BHYT sẽ giám sát chặt chẽ, có biện pháp ngăn ngừa nếu phát hiện bệnh nhân nhẹ vẫn được chỉ định điều trị nội trú, hoặc có tình trạng lôi kéo người bệnh, thu hút để đưa vào điều trị nội trú; đồng thời phối hợp với Bộ Y tế giám sát chặt chẽ, chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú, tránh tình trạng đưa quá mức cần thiết, làm tăng chi phí cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Ông Phúc thông tin: “BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã lường trước việc dịch chuyển bệnh nhân từ tuyến xã lên tuyến huyện, từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, đặc biệt là bệnh nhân điều trị nội trú. Chúng tôi đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo liên quan đến vấn đề khám chữa bệnh người có thẻ BHYT trong giai đoạn thực hiện quy định của luật BHYT thông tuyến”.

Ngoài ra theo đại diện BHXH Việt Nam, Bộ Y tế cũng phải có chính sách hạn chế bệnh nhân từ tuyến dưới dồn lên tuyến trên. Đồng thời truyền thông cho người dân biết chất lượng y tế tuyến dưới đã dần được cải thiện, không thể nghe thông tuyến là đổ về Hà Nội, TP.HCM hay các thành phố lớn để khám chữa bệnh.

Thẻ BHYT

“Ngành y tế phải đặt quyền lợi người bệnh lên trên. Tâm lý người bệnh luôn muốn lên tuyến trên cho yên tâm, nhưng chỉ định điều trị lại là quyền của bác sĩ. Bệnh nhân thực sự cần điều trị nội trú thì chỉ định nội trú. Nếu bệnh có thể điều trị ở tuyến huyện, xã cũng nên nói rõ, không nhất thiết phải lên tuyến trên. Bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát lại số giường bệnh, việc kê thêm giường có đúng quy định hay không”, ông Phúc nói.

Khi chính sách đi vào thực tiễn, sẽ có những báo cáo đánh giá, nếu có những vướng mắc, BHXH Việt Nam kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Nếu chi phí BHYT chi trả cho điều trị nội trú vượt tuyến tăng cao, có thể đề xuất về một lộ trình tăng mức đóng BHYT sau năm 2021 để bù đắp phần thiếu hụt.

Báo Thanh Niên
31.12.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.