Lính đi tuần ở Soyapango hôm 3.12 |
reuters |
Động thái trên đánh dấu sự leo thang mới nhất của nỗ lực bài trừ nạn bạo lực băng nhóm được Tổng thống Bukele khởi động từ tháng 3, theo Reuters.
“Soyapango hoàn toàn bị bao vây”, nhà lãnh đạo viết trên Twitter, trong đó Soyapango là khu đô thị cách thủ đô khoảng 13 km về hướng tây và là địa bàn của băng Mara Salvatrucha (MS-13) và Barrio 18.
“8.500 lính và 1.500 đặc vụ đã bao vây thành phố, trong khi các đội đặc nhiệm kết hợp từ lực lượng cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ loại trừ tất cả thành viên của các băng nhóm tội phạm, từng người một”, ông nhấn mạnh.
Chính quyền San Salvador công bố những hình ảnh cho thấy lính tráng mang theo vũ khí hạng nặng, nón cối, áo chống đạn và di chuyển bằng xe nhà binh.
Một trong những nghi phạm bị khống chế |
Reuters |
Soyapango có khoảng 300.000 dân và trước đây thuộc diện “bất khả xâm phạm” đối với lực lượng hành pháp. Điều này có nghĩa là phía cảnh sát lẫn an ninh lâu nay đều không thể nhúng tay lập lại trật tự tại nơi này.
Những con đường ra vào thành phố đều được phong tỏa, lính tráng kiểm tra giấy tờ tùy thân của người dân. Còn các đội đặc nhiệm tiến hành lùng sục những con hẻm để lùng bắt nghi phạm.
Kể từ khi lên kế hoạch triệt phá băng nhóm tội phạm, ông Bukele đã phát lệnh bắt hơn 50.000 đối tượng bị nghi là thành viên tổ chức tội phạm.
Chiến dịch trên được khởi động sau những vụ giết người hàng loạt có liên quan đến hoạt động tội phạm. Chỉ tính riêng ngày 26.3, 62 vụ sát hại đã được ghi nhận ở El Salvador.
Lính được vũ trang hạng nặng tham gia chiến dịch ở Soyapango |
Reuters |
Đài BBC dẫn kết quả khảo sát do Đại học Trung Mỹ ở San Salvador thực hiện cho thấy 75,9% số người trả lời đồng ý cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp để truy bắt tội phạm.
Tình hình tội phạm ở El Salvador
MS-13 và băng nhóm đối thủ Barrio 18 là những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, bắt nguồn Từ Mỹ. Cả hai đều bắt đầu manh nha ở Los Angeles (bang California) vào thập niên 1980. Những kẻ đứng đầu là dân tị nạn tháo chạy khỏi El Salvador trong giai đoạn nội chiến bùng nổ ở nước này.
Sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Bill Clinton ký thông qua một loạt các luật mới nhằm mở rộng những hành vi phạm tội có thể bị trục xuất, hàng chục ngàn người El Salvador bị Mỹ trục xuất và quay về nước thành lập các băng nhóm tội phạm.
Trong những năm của thập niên 2000, chính phủ El Salvador triển khai nhiều biện pháp trấn áp làn sóng tội phạm và bỏ tù các thành viên băng nhóm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cách làm này đã phản tác dụng vì tạo điều kiện biến các nhà tù đông đúc phạm nhân thành những nơi tuyển mộ và huấn luyện tội phạm có tổ chức.
Các vụ giết người có liên quan đến băng nhóm vì thế tiếp tục gia tăng.
Tình trạng được cải thiện dưới thời Tổng thống Mauricio Funes sau khi ông đạt được thỏa thuận đình chiến giữa các băng nhóm đối thủ. Tuy nhiên, thỏa thuận này bị phá vỡ năm 2014, và đến năm 2015, El Salvador trở thành quốc gia chết chóc của khu vực Tây Bán Cầu, với 105 vụ giết người cho mỗi 100.000 dân.
Khi lên nắm quyền năm 2019, Tổng thống Bukele quyết định áp dụng chiến thuật như thời người tiền nhiệm Funes, có nghĩa là tìm cách đàm phán với thủ lĩnh các băng nhóm. Thế nhưng, làn sóng chết chóc bất ngờ gia tăng vào tháng 3 năm nay, mà theo giới chuyên gia là dấu hiệu cho thấy nỗ lực này một lần nữa bị phá vỡ, theo báo The New York Times.
Bình luận (0)