Cứ 4 ngày, tại Việt Nam lại có thêm một quán trà sữa. Mới đây, trang báo Nikkei Asian Review của Nhật đã có bài về “cơn sốt” trà sữa tại Việt Nam với tựa đề Vietnam embraces Taiwan-style bubble tea (Việt Nam mê đắm trà sữa Đài Loan). Bài viết mô tả những ly trà sữa mát lạnh kèm vị trái cây, thạch, trân châu đang “làm mưa làm gió” tại Việt Nam. Gong Cha là một trong những thương hiệu trà sữa nằm trong số đó.

Chưa hề được đào tạo bài bản về kinh doanh thực phẩm, tại sao anh lại đầu tư vào trà sữa?

Từ nhỏ, mình vốn đam mê ẩm thực nhưng lại theo học ngành IT tại Singapore theo kỳ vọng của gia đình. Sau đó, mình sang Mỹ học sư phạm mỹ thuật. Tốt nghiệp xong về Việt Nam cũng làm việc trong tâm trạng thiếu đam mê.

Cho đến một dịp đi nước ngoài, mình đến quán trà sữa Gong Cha. Mua - quan sát và thưởng thức. Chợt nghĩ tại sao mình không thử tìm hiểu với loại thức uống này. Sau đó mình quyết định sang Đài Loan học nghề pha chế và kinh doanh trà sữa. Trà sữa đã khơi nguồn cho hành trình thực hiện đam mê về ẩm thực của mình.

Đài Loan là vùng đất của trà sữa với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Tại sao anh lại chọn Gong Cha?

Lần đầu tiên uống thử trà sữa Gong Cha, mình rất hài lòng. Hài lòng ở đây không có nghĩa là hương vị đặc biệt tới nỗi trước giờ chưa có trà sữa nào ngon bằng. Nhưng bên cạnh hương vị, mình ấn tượng cách nhân viên ân cần hỏi khách hàng về lượng đường, đá sao cho vừa miệng. Mình thích cách nhân viên chăm chút cho từng ly nước của khách hàng.

Về Việt Nam, mình quyết định tiếp cận công ty Gong Cha tại Đài Loan để xin nhượng quyền. May mắn mình được mời qua phỏng vấn và nhanh chóng được chấp thuận.

Khi học pha chế tại Đài Loan, một lần nữa mình tin rằng sự lựa chọn của bản thân đúng. Mình thích văn hóa của Gong Cha. Đó là khi bán cho khách hàng một ly trà sữa, dù ít đá, nhiều đá hay không đá thì một ly phải luôn luôn đầy. Điều đó thể hiện sự tôn trọng khách hàng.

Hành trình này hẳn là một thử thách không nhỏ?

Mình nhớ mãi câu từ chối và ánh mắt của chủ nhà đầu tiên khi mình tiếp cận: “Thuê bán gì không bán, lại đi bán trà sữa, không cho thuê!”.

Cửa hàng đầu tiên cũng được mở ở đường Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM. Doanh số nhỏ xíu thôi. Một ngày chắc bán được chừng 50 - 70 ly. Xong rồi cứ từ từ, từng chút một.

Phố đi bộ hình thành, vườn hoa dời qua Hàm Nghi. Con đường duy nhất đi tới Hàm Nghi là Hồ Tùng Mậu. Người người lại qua, thấy tò mò nên muốn thử một lần coi sao. Thử thấy hợp, thấy thích thì tiếp tục. Một số bạn trẻ sinh sống hoặc có dịp đi nước ngoài đã biết về Gong Cha thì cảm thấy thú vị, ai vào cũng hỏi đây có phải là “Gong Cha” mà họ thấy tại Đài Loan, Úc, Mỹ… hay không. Họ truyền miệng nhau rằng “Gong Cha” đã có ở Việt Nam rồi.

Việt Nam hiện có hơn 2.000 cửa hàng trà sữa với khoảng 30 thương hiệu trà sữa của nước ngoài, cả trăm thương hiệu trà sữa trong nước. Chưa bao giờ thị trường trà sữa “bùng nổ” như hiện nay. Thế thì giữa một rừng cửa hàng và thương hiệu ấy, bí quyết của Gong Cha để tạo nên sự khác biệt?

Bí quyết của mình là... không có bí quyết gì cả! Xuất thân không phải là dân kinh doanh. Mình luôn nhắc đặt mình vào vị trí của khách hàng trước để mà phục vụ. Đơn giản vậy thôi!

Về chất lượng thức uống, chắc chắn sẽ theo tiêu chuẩn được quy định của Gong Cha toàn cầu và tất cả quy định của cơ quan quản lý Việt Nam.

Khi muốn phục vụ tốt khách hàng thì phải đối xử tốt với nhân viên của mình. Từ lương bổng, phúc lợi đến thái độ cư xử. Nhân viên có yên tâm với công việc thì họ mới có thể phục vụ tốt cho khách hàng.

Đặc biệt, Gong Cha không bao giờ tăng giá trong các dịp lễ tết.

Được biết Gong Cha Việt Nam có những quy định rất khắt khe trong việc chọn đối tác nhượng quyền trong khi các nhãn khác lại xem đây là một trong những mục tiêu quan trọng?

Gong Cha có quy định người chủ hoặc người trực tiếp quản lý cửa hàng phải đi học về cách pha chế trà sữa và văn hoá kinh doanh của công ty. Ai mà chỉ nghĩ tui mở quán trà chỉ để mỗi tháng lời 100-200 triệu thì thôi, không bàn tiếp nữa. Vấn đề là mình muốn chia sẻ văn hoá kinh doanh. Nếu không yêu thích ẩm thực, không đồng văn hoá trong kinh doanh thì mình nhất quyết không đồng ý nhượng quyền.

Có người cho rằng đó là cách mình tự hạn chế phát triển các chuỗi cửa hàng. Thực sự mình không quan tâm lắm đến số lượng 100-200 cửa hàng. Với mình hơn 3 năm có 37 cửa hàng đã tốt lắm rồi.

Bản thân mình trước khi đưa Gong Cha về Việt Nam cũng sang Đài Loan, trải qua việc đi làm như một nhân viên. Mình cũng đến cửa hàng lúc 6 giờ rưỡi để quét dọn lau chùi, nấu trà. Đến khuya phải lau chùi dọp dẹp quán xong mới về. Tức là không phải theo kiểu là bỏ tiền ra mua bản quyền rồi mình không cần làm gì hết.

Về Việt Nam, thời gian đầu, đích thân mình pha trà sữa ở tiệm. Ăn cùng, ở cùng, làm cùng nhân viên, từ dọn dẹp tới nấu trà. Bây giờ nhân viên lại hay “đuổi”, không cho làm nữa. Thế nhưng, hằng ngày mình vẫn coi các công thức và thỉnh thoảng vẫn hỗ trợ nhân viên trong các hoạt động khác của cửa hàng.

Theo một thống kê cứ 4 ngày, tại Việt Nam có một quán trà sữa “mọc lên”. Gong Cha Việt Nam định vị mình ở chỗ nào trong thị trường hàng trăm thương hiệu trà sữa lớn nhỏ?

Mình không có định vị mình là đơn vị dẫn đầu hay đơn vị nổi tiếng. Mình chỉ nghĩ mình là một trong những thương hiệu nước ngoài, phục vụ cho người Việt. Người tiêu dùng có thể tin dùng là mình cảm thấy hài lòng với nó rồi.

Chỉ mong rằng, người tiêu dùng khi nhắc tới Gong Cha, họ có thể nghĩ rằng đây là một sản phẩm có thể tin tưởng để họ có thể mời bạn bè hay mời gia đình, người thân của họ trải nghiệm.

 Một trong những yếu tố sống còn là thương hiệu. Gong Cha làm gì để có thể bảo vệ thương hiệu của mình, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ?

Chúng tôi bảo lưu quan điểm không thể tranh cãi là Công ty Golden Trust hay công ty TNHH Gong Cha Việt Nam là pháp nhân duy nhất được khai thác nhãn hiệu Gong Cha tại Việt Nam.

Điều này căn cứ cả về yếu tố pháp lý lẫn sự thật thực tế. Hồ sơ nhượng quyền, đăng ký bảo hộ của chúng tôi được đăng ký và chứng nhận tại Bộ Công thương. Chúng tôi có chứng nhận và hợp đồng nhượng quyền độc quyền của công ty mẹ. 

Gần đây nhất là việc siêu sao Hàn Quốc Park Seo Jun đồng ý trở thành đại sứ thương hiệu của Gong Cha tại Việt Nam cũng minh chứng cho điều này.

Ngoài ra các đối tác quan trọng khác như truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, đoàn hội, dịch vụ giao nhận thức ăn, vận chuyển đều chọn chúng tôi làm đối tác trong các chương trình quảng bá của mình.

Gần đây, chúng tôi có nhận được các báo cáo về hiện tượng giả, nhái thương hiệu Gong Cha. Tất nhiên, bằng trách nhiệm được ủy quyền bởi Gong Cha toàn cầu, chúng tôi sẽ kiên quyết có những biện pháp phù hợp để bảo vệ thương hiệu vì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày nay, khách hàng đủ nhạy bén để nhận ra sự khác biệt và họ chính là những người bảo vệ chúng tôi hữu hiệu nhất. Chính khách hàng là những người phát hiện và báo cáo với chúng tôi nhiều nhất về các cửa hàng có dấu hiệu nhái, giả này.

Vì sao anh chọn Park Seo Jun làm Đại sứ thương hiệu tại Việt Nam?

Anh Park Seo Jun là gương mặt đại diện của Gong Cha Korea trong năm nay nên mình nghĩ tại sao mình không thử cố gắng mời anh ấy làm đại diện cho Gong Cha Việt Nam? Thật may mắn rằng đại diện của anh Park Seo Jun đã đồng ý với đề nghị của chúng tôi.

Chúng tôi chỉ đơn giản mong rằng khách hàng sẽ tìm thấy sự hài lòng và niềm vui nho nhỏ như thế khi sử dụng Gong Cha tại Việt Nam.

Báo Thanh Niên
14.07.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.