Tại sân chơi về công nghệ di động lớn nhất thế giới, các sản phẩm, giải pháp mà Viettel giới thiệu có gì đặc biệt?

Điều đặc biệt thứ nhất là toàn bộ các sản phẩm này là của người Việt Nam phát triển nhưng có nhiều sản phẩm thế giới chưa có. Ví dụ như hệ thống tính cước của Viettel phát triển có dung lượng 24 triệu đầu số/site (sản phẩm tương tự của nước ngoài lớn nhất mới chỉ đáp ứng 12 triệu đầu số/site). Đây cũng là sản phẩm cho phép mỗi người dùng có thể sử dụng một gói cước riêng biệt.

Chúng tôi cũng là nhà mạng hiếm hoi trên thế giới tự phát triển hệ thống phát hiện lỗi bất thường của mạng viễn thông và hệ thống giải pháp bảo vệ hai lớp cho điện thoại thông minh để chống các cuộc tấn công bằng mã độc trên mạng.

Điều đặc biệt thứ hai là cách tiếp cận của Viettel khi tạo ra các sản phẩm này. Thông qua các sản phẩm, giải pháp của mình tại MWC 2018, chúng tôi muốn mang tới một góc nhìn khác về cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là với Viettel, không gì là không thể xảy ra, không gì là không thể sáng tạo nên.

Viettel nhìn nhận trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam có thể tạo ra các sản phẩm công nghệ cạnh tranh được với thế giới nhờ tiếp cận từ các nhu cầu của cuộc sống. Và khi giải quyết tốt ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin đưa ra thế giới.

Điều đặc biệt thứ ba là thiết kế gian hàng. Với một sân chơi về công nghệ di động lớn nhất thế giới nhưng chúng tôi vẫn thể hiện được bản sắc Việt Nam. Chúng tôi muốn công bố với thế giới rằng, Viettel tự tin với những sản phẩm của người Việt Nam.

Việc giới thiệu các sản phẩm dịch vụ tiêu biểu, cũng như các thành tựu về đầu tư nước ngoài hay gặp gỡ các đối tác cung cấp thiết bị giải pháp cho Viettel tại MWC 2018 có gì khác?

Các năm trước, tham gia MWC, Viettel chú trọng vào thu nhận công nghệ mới, giới thiệu thương hiệu Viettel. Năm nay, bên cạnh các mục tiêu này, chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu tìm kiếm khách hàng là các nhà mạng viễn thông trên thế giới.

Tại MWC, chúng tôi có thể gặp được nhiều nhà hoạch định chinh sách về viễn thông – CNTT của các nước, qua đó có nhiều cơ hội chia sẻ, đề xuất với họ để có những quyết sách phù hợp với thực tiễn và việc kinh doanh của Viettel tại các thị trường.

Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự MWC lần thứ 4, tại hội nghị năm nay, Viettel có những mục tiêu cụ thể gì?

Làm việc gì thì Viettel cũng có các mục tiêu rất cụ thể. Tham dự MWC 2018 Viettel đặt ra các mục tiêu rất cụ thể ở từng lĩnh vực như nghiên cứu sản xuất, đầu tư nước ngoài, tìm kiếm giải pháp cho khai thác mạng lưới, nhà cung cấp giải pháp, thiết bị… Ví dụ như chúng tôi đặt mục tiêu bán được thiết bị, giải pháp do Viettel sản xuất.

Việc có các thước đo cụ thể về số lượng giải pháp, đối tác cần tìm được cho từng lĩnh vực khi tham dự MWC sẽ buộc từng thành viên Viettel tham dự phải có chuẩn bị kế hoạch kỹ càng và làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.

Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, chúng tôi đã có kế hoạch gặp Bộ trưởng các nước Lào, Campuchia, Peru, Burundi tại đây để thảo luận về các chính sách nhằm tìm ra những điều kiện kinh doanh tốt hơn ở các quốc gia đó. Bên cạnh đó, Viettel có kế hoạch gặp lãnh đạo của một số quốc gia khác để thảo luận cơ hội đầu tư.

Ngoài những mục tiêu cụ thể đó, ông thấy điều gì thú vị khi Viettel tham dự MWC?

Khi Viettel xuất hiện tại MWC, nhiều lãnh đạo cấp cao của những tập đoàn lớn trên thế giới, quan chức chính phủ các nước đến tham quan cũng rất ngạc nhiên về những thành tựu trong ngành di động mà chúng tôi đã làm được.

Những người Việt đang làm cho các tập đoàn viễn thông lớn của Mỹ, châu u… khi đến gian hàng của Viettel tại MWC cũng ngạc nhiên. Chính họ cũng chia sẻ với chúng tôi niềm tự hào về một công ty Việt Nam đã đạt được những kết quả như vậy.

Trong buổi sáng khai mạc MWC 2018, chúng tôi được đón tiếp đoàn công tác của Bộ Thông tin Truyền thông do Thứ trưởng Phạm Hồng Hải dẫn đầu. Thứ trưởng đánh giá cao những sản phẩm mà chúng tôi mang đến triển lãm, đồng thời mong muốn Viettel duy trì hình ảnh Việt Nam tại hội nghị di động lớn nhất thế giới này.

Chúng tôi rất vui vì điều đó và thấy Viettel còn rất, rất nhiều việc phải làm.

Viettel đã 4 lần tham dự MWC, nếu tổng kết lại ông thấy Viettel đạt được những mục tiêu cụ thể gì?

Trong ngày khai mạc MWC 2018, chúng tôi tiếp nhiều đối tác. Một số đối tác sau khi tìm hiểu đã đặt vấn đề làm đại lý, bán các giải pháp của Viettel, đặc biệt là một đối tác từ Singapore. Còn với các cơ quan Chính phủ đến làm việc với chúng tôi thì đặc biệt quan tâm đến các giải pháp về an ninh mạng, Burundi rất thích thú với giải pháp về du lịch ảo.

Chúng tôi cũng có cuộc gặp với nhiều Bộ trưởng các nước mà Viettel đang đầu tư tại MWC như Lào, Campuchia, Myanamar, Peru, Haiti… và thảo luận với họ về các chính sách viễn thông như tần số, giá cước. Sau các cuộc gặp tại đây, cơ quan quản lý của các nước đều có những điều chỉnh tích cực, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Viettel. Bên cạnh đó, cChúng tôi cũng gặp các nhà lãnh đạo của Nigeria, Venezuela để thúc đẩy cơ hội đạt được giấy phép kinh doanh viễn thông.

Ngoài ra, cũng từ MWC, chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm và tìm mua được một số công nghệ mới giúp tiết kiệm chi phí, vận hành mạng lưới hiệu quả, giảm bớt sự cố và cuối cùng là có dịch vụ tốt và giá thành hiệu quả nhất cho khách hàng. Những ví dụ điển hình là kinh nghiệm triển khai trạm BTS thân thiện với môi trường, thiết bị 4G, ăng ten thông minh và hệ thống SMS Forwarder…

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để có thể khai thác hiệu quả cơ hội tìm kiếm các công nghệ hoặc giải pháp mới tại MWC với giá rẻ nhưng vận hành hiệu quả?

Năm 2007, khi còn là một kỹ sư được cử đi tham dự MWC, tôi biết rằng ở đó có hàng nghìn gian hàng, nếu đi xem theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì sẽ không thu được kết quả đáng kể nào. Thời điểm đó, mạng viễn thông Việt Nam chủ yếu là Tthoại và tin nhắn, mỗi khi Tết đến lưu lượng rất cao và thường gây nghẽn dịch vụ.

Chúng tôi đã mang nỗi băn khoăn “Làm sao để khắc phục tinh trạng này?” đến với triển lãm. Khi quan sát kỹ thì chúng tôi phát hiện ra một ứng dụng có tác dụng giống như một giải pháp Viettel đang mua của đối tác khác nhưng giá lại thấp hơn 10 lần.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi mua giải pháp đó, áp dụng tại Việt Nam và giải quyết được tình trạng nghẽn mạng tin nhắn đêm giao thừa. Từ kinh nghiệm ấy, chúng tôi tự phát triển hệ thống này và giờ Viettel đã hoaàn toàn kiểm soát nghẽn mạng mỗi dịp lễ Tết. Cũng từ đó, tôi thấy rằng, khi đến MWC, hãy mang theo “nỗi đau” của mình rồi tích cực quan sát, tìm kiếm thì sẽ phát hiện ra cái mình thực sự cần.


Báo Thanh Niên
28.02.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.