Ép nông dân, ép cả ngành chức năng

02/08/2012 15:39 GMT+7

Tuần qua, tại một hội nghị do Bộ Công thương tổ chức ở TP.HCM, lãnh đạo ngành công thương ở một địa phương vùng ĐBSCL đã tiết lộ một thông tin khá sốc. Đại ý, không chỉ có nông dân bị ép giá thu mua lúa mà chuyện này cả Sở Công thương cũng bị ép.

Như chúng ta đã biết, trong nhiều năm qua, để hỗ trợ bà con nông dân trồng lúa bảo đảm thu nhập, Chính phủ đã nhiều lần thực hiện chính sách thu mua tạm trữ thông qua Hiệp hội lương thực. Mục tiêu của việc thu mua tạm trữ nằm trong định hướng chung trong sản xuất lúa gạo là đảm bảo cho bà con nông dân có lãi ít nhất 30%. Tuy nhiên, trong hầu hết các chương trình thu mua tạm trữ từ trước đến nay, thì mục tiêu nâng giá lúa, giúp nông dân có lãi chưa thực hiện được. Từ nông dân đến nhà khoa học và cả các nhà quản lý, chính quyền địa phương đều cho rằng “thu mua tạm trữ không phát huy hiệu quả như mong muốn, mục đích cuối cùng là hỗ trợ nông dân không đạt được”. 

Chuyện thương lái, doanh nghiệp (DN), Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) “ép” nông dân cũng không phải là chuyện gì mới. Cái mới ở đây là đâu chỉ có nông dân mới bị ép, cả ngành chức năng như Sở Công thương cũng bị VFA ép như thường. Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ Nguyễn Minh Toại nói trước hội nghị rằng, mỗi khi có chương trình thu mua tạm trữ thì sở cũng không được biết chỉ tiêu được phân bổ ở địa phương như thế nào, có những DN nào tham gia... Hỏi thì VFA không trả lời. Nhưng đến khi hoàn thành chỉ tiêu thu mua thì họ đến yêu cầu Sở Công thương ký xác nhận. Cả ngành chức năng cấp sở cũng bị VFA biến thành bù nhìn. Ông Toại đề nghị “cần có một cơ chế công khai minh bạch hơn trong việc thu mua tạm trữ để ngành chức năng dễ giám sát, quản lý”.

Cũng trong tuần qua, tại An Giang có hội nghị bàn về chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng ĐBSCL. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cũng cho rằng chính sách thu mua tạm trữ trong thời gian qua chưa thể điều tiết hài hòa lợi ích của nông dân, DN và nhà nước. Cần có một chính sách khác thay thế chẳng hạn như thu mua dự trữ quốc gia, đa dạng hóa các hình thức dự trữ… Những ý kiến đề xuất trên liệu có đi vào cuộc sống không vẫn là chuyện của tương lai, trước mắt chỉ biết rằng với chính sách thu mua tạm trữ như hiện nay thì người được lợi chắc chắn không phải là bà con nông dân trồng lúa.  

Chí Nhân

>> Giá lúa gạo nhích lên nhờ mua tạm trữ
>> Đề xuất tiếp tục mua tạm trữ lúa gạo hè thu
>> Khai mạc Hội chợ, triển lãm con đường lúa gạo Việt Nam
>> Lúa gạo tiếp tục tăng giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.