eSports Việt - Giấc mơ còn dang dở

09/05/2008 10:06 GMT+7

(TNO) “… Vâng, vậy là đội Việt Nam đã đặt thành công C4. Đội Thụy Điển chỉ còn lại hai thành viên. Liệu đội Việt Nam có giữ được lợi thế này đến cuối trận không?...”.

Giữa tiếng reo hò cuồng nhiệt của hàng ngàn khán giả tại hội trường XYZ gì gì đó mà tôi không tài nào nhớ nổi, tôi vẫn nghe rõ từng lời của bình luận viên về trận đấu. Đội Counter Strike Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử. Chỉ cần giữ được chiến thắng gần như cầm chắc trong tay này, Việt Nam sẽ lần đầu tiên có một đội Counter Strike giành chức vô địch WCG! Quá hào hứng với sự kiện này, tôi quên mất là mình vẫn chưa biết tên đội đại diện cho Việt Nam thi đấu, cũng như không để ý việc mình đang ở giữa hội trường mà vẫn nghe bình luận… tiếng Việt.

Vậy đội Việt Nam có giành được chiến thắng không? Tôi cũng không biết, vì một tiếng chuông quen thuộc vang lên đột ngột xóa nhòa toàn bộ hình ảnh khu hội trường và thay vào đó là cái… trần nhà quen thuộc không kém. Mơ? Đương nhiên là tôi đang mơ. Giấc mơ này cũng đã theo tôi từ khá lâu rồi, ngay từ những ngày tôi bắt đầu biết đến game online, và vẫn thường hay chập chờn sau những đêm tôi thức khuya “quyết đấu” cùng mấy người bạn.

Là giấc mơ hay là trăn trở? Có lẽ là cả hai. Giấc mơ vẫn chưa trọn vẹn, dù biết khoảng cách từ thực tại đến với giấc mơ nay đã gần hơn. So với những ngày xưa ấy, eSports Việt Nam hiện tại đã thay đổi rất nhiều, từ ý thức của game thủ cho đến suy nghĩ của xã hội về làng game chuyên nghiệp.

Chợt nhớ lại hơn tám năm về trước, vào những ngày đầu mới chập chững làm quen với Counter Strike. Cách chơi hấp dẫn sôi động, hình ảnh mượt hơn hẳn so với các game vào thời điểm hiện tại có ở Việt Nam, Counter Strike nhanh chóng hút hồn của đám học sinh mới bước vào cấp 3 như chúng tôi. Với những ưu điểm đó, "cơn lốc" Counter Strike phủ nhanh xuống cộng đồng game thủ bấy giờ, đẩy dòng game Console lúc đó (với đại diện là hệ máy Playstation I) đến bờ vực của… "tuyệt chủng". Tôi vẫn còn nhớ ngày đó chỉ lác đác vài tiệm game Playstation I, còn phòng game vi tính mọc lên san sát khắp nơi. Những game nổi tiếng như Starcraft, Warcraft,… cũng theo "cơn bão" game PC đó mà trở thành những tượng đài bất diệt trong lòng game thủ. Có thể nói, đó là thời hoàng kim của phong trào chơi game eSports nói riêng, Counter Strike nói chung tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức tự phát. Thông tin mơ hồ về các giải game hoành tráng ở nước ngoài không đem lại nhiều kích thích cho giới game thủ, trong khi những cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội dành cho làng game Việt trở thành bức tường quá lớn chặn đứng mọi hi vọng vươn ra tầm quốc tế của eSports Việt, bóp nghẹt giấc mơ “sống bằng game” của bao game thủ Việt…

eSports Việt cứ lơ lửng trong tình trạng như vậy một thời gian khá dài. Mãi đến khi ADSL xuất hiện tại Việt Nam, rồi "binh đoàn" game online mà mở đầu là những MU Online, Gunbound, Võ Lâm Truyền Kỳ,… lần lượt đổ bộ xuống làng game Việt, eSports Việt mới chịu lui về phía sau để chuẩn bị cho những bước tiến mới mạnh mẽ hơn.

Thể hiện sức mạnh tập thể

Thật vậy, nhờ vào sự phổ biến và tính cộng đồng rất cao của game online, xã hội đã bắt đầu có những cái nhìn thiện cảm hơn với eSports Việt. Game eSports tuy không còn xuất hiện “mọi lúc mọi nơi” như ngày xưa nữa, song về trình độ phát triển lại hơn hẳn lúc trước. Với sự hỗ trợ của Internet, cũng như những thay đổi từng ngày về phần cứng, eSports Việt dần tiến bước lên con đường chuyên nghiệp. Chơi game đã được coi là một nghề thực sự, dù chưa thể sánh bằng những cường quốc game trên thế giới như Hàn Quốc, Thụy Điển, Đức… Các công ty, doanh nghiệp bắt đầu đưa một số game thể thao điện tử nổi tiếng về Việt Nam, trong đó phải nhắc tới sản phẩm nổi tiếng có vị trí đứng đầu thị trường Hàn Quốc như Biệt đội thần tốc, tổ chức, tài trợ các giải đấu thể thao điện tử phong trào và từng bước chuyên nghiệp hóa. Các game thủ Việt đã có nhiều pha lấn sân ngoạn mục trên đấu trường quốc tế trong những năm vừa qua. Tất cả đều xuất phát trên một điểm tựa duy nhất: niềm đam mê.

Sẽ là quá khắt khe khi vẫn một mực cho rằng, “ao làng” eSports Việt vẫn mãi là ao làng, vẫn chưa đủ sức tiến ra biển lớn. Sẽ là quá cổ hủ khi nghi ngờ sức mạnh của eSports Việt so với làng game chuyên nghiệp thế giới.

Nhưng, sẽ là quá dễ dãi khi nghĩ rằng, eSports Việt đã trưởng thành. Vẫn còn quá sớm để khẳng định điều đó! Những trăn trở cho một giấc mơ trọn vẹn chưa bao giờ hết, con đường đến với ước mơ vẫn còn rất xa.

Tuy đã nhận được sự tôn trọng hơn từ xã hội, thậm chí các game thủ nổi tiếng còn có được lực lượng fan hâm mộ hùng hậu, nhưng, như vậy là không đủ. Nhiều giải đấu do các doanh nghiệp lớn tài trợ tổ chức khiến làng game eSports liên tục sôi động, song tính chuyên nghiệp của những giải đấu này chưa cao. eSports Việt đã bắt đầu có sự ủng hộ từ nhiều phía, niềm đam mê của các game thủ cũng không bao giờ cạn, song cái mà eSports Việt còn thiếu chính là một định hướng phát triển đúng đắn, một định hướng thực sự chuyên nghiệp!

Để thực hiện được điều ấy, cần lắm những người đứng ra dẫn dắt, tổ chức cho các game thủ đi đúng hướng chuyên nghiệp. Các clan manager hoặc những người tổ chức các giải đấu chẳng hạn. Vai trò của những người này là rất cần thiết trong việc xây dựng các clan chuyên nghiệp. Họ đồng thời có thể sẽ phải tự đứng ra tổ chức các giải đấu thật tốt để thu hút các nhà tài trợ. Thực sự, họ đóng vai trò rất quan trọng cho con đường định hướng và phát triển eSports VN.

Một định hướng đúng đắn và rõ ràng sẽ là hạt nhân cho những bước “chuyển mình” trong tương lai của eSport Việt. Và tôi tin rằng, chúng ta đang dần đạt được điều đó. Điểm khuyết của bức tranh đã được hoàn chỉnh. Ngày ấy, ngày game thủ Việt sánh ngang cùng game thủ các nước tại những giải đấu eSport quốc tế đã không còn xa.

Khi giấc mơ không còn dang dở nữa…

Mục mới trên Thanh Niên Online: “Nghĩ về Thể thao điện tử”

Nhằm tạo một sân chơi để bạn đọc yêu thích về game thể thao điện tử có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những vấn đề liên quan... Thanh Niên Online và Vinagame phối hợp tổ chức chương trình “Nghĩ về Thể thao điện tử”.

“Nghĩ về Thể thao điện tử” sẽ là diễn đàn của tinh thần đồng đội, tình bạn trong game thể thao điện tử, đồng thời là sân chơi cho những người quan tâm tới lĩnh vực thể thao điện tử còn non trẻ tại Việt Nam; cho những ai muốn tìm hiểu khái niệm mới “Game thể thao điện tử”. Đặc biệt, từ đây những người yêu game thể thao điện tử cũng sẽ tìm sự định hướng phát triển của lĩnh vực thể thao điện tử Việt Nam trong thời gian tới, nhất là hướng sự phát triển vào những giải đấu thể thao điện tử lớn, có giá trị về mặt quảng bá và đem lại lợi ích cho cộng đồng giải trí trực tuyến.

Tham gia chương trình, bạn đọc có thể viết bài trao đổi về các vấn đề như: Game thể thao điện tử đem lại lợi ích cho cộng đồng? Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử? Giải đấu thể thao điện tử là cần thiết? Bạn ủng hộ hay phản đối game thể thao điện tử? Cộng đồng thể thao điện tử, họ là ai? Trách nhiệm của nhà phát hành đối với những sản phẩm game thể thao điện tử? Cần xây dựng nền thể thao điện tử phong trào?...
 
Các bài viết xuất sắc, có ý tưởng của độc giả gửi về sẽ được BTC chọn lọc và đăng tải trên Thanh Niên Online. Mỗi bài viết khi chọn đăng, tác giả sẽ được trả nhuận bút 300.000 đồng/bài. Ngoài ra, mỗi tuần sẽ có hai (2) giải thưởng dành cho hai (2) bài viết (ý kiến, bài cảm nhận) xuất sắc nhất, mỗi giải trị giá 500.000 đồng (giải do Ban tổ chức bình chọn). Các bài viết xuất sắc sẽ được đưa vào danh sách bình chọn trao giải chung cuộc. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 2 triệu đồng, 2 giải Nhì trị giá 1 triệu đồng/giải và 3 giải Ba trị giá 500.000 đồng/giải dành cho các bài viết xuất sắc nhất do Ban biên tập Báo Thanh Niên và Công ty VinaGame bình chọn khi kết thúc chương trình.

Các bài viết tham gia diễn đàn vui lòng ghi rõ Bài viết tham gia diễn đàn “Nghĩ về Thể thao điện tử” gửi về địa chỉ: Đỗ Việt Phương, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM, hoặc địa chỉ email: phuongdv@vinagame.com.vn. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 21.4.2008 đến 21.5.2008.

Ban tổ chức

Chương trình được tài trợ bởi:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.