Phát biểu tại diễn đàn, ông Axel Goethals, Giám đốc Viện châu Âu nghiên cứu châu Á (EIAS) lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam: Châu Âu có thế mạnh hàng đầu thế giới về ngành dược phẩm và hóa chất. Tuy nhiên điểm yếu của ngành này là phần lớn nguyên liệu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Vấn đề “đau đầu” hơn là chất lượng và độ an toàn của những sản phẩm này.
Chính vì vậy, đây là cơ hội cho Việt Nam và nhất là các doanh nghiệp ngành dược phẩm, công nghệ hóa sinh, công nghệ sinh học có thể đầu tư phát triển để cung cấp sản phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu cho các doanh nghiệp châu Âu. Chính phủ cũng cần có những chính sách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp EU vào lĩnh vực này. Đây sẽ là tiền đề để phát triển ngành công nghiệp dược phẩm của Việt Nam. 2 bên cũng có thể hợp tác với nhau để cùng nhau phát triển và đột phá vào lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực doanh nghiệp EU muốn đầu tư vào Việt Nam |
T.L |
Bên cạnh đó, một lĩnh vực cũng được đông đảo chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm là năng lượng tái tạo, những giải pháp để “xanh hóa” sản phẩm của Việt Nam ở thị trường EU và thế giới nói chung. Đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển mà FTA chỉ là tiền đề. Hiện nay, EU cũng đang tái đàm phán FTA với các nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan nếu chúng ta không tận dụng lợi thế người đi trước sau này sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ.
Bà Anita H. Holgersen, đại diện Công ty Equinor ASA tại Việt Nam, khuyến nghị: Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách và đạt nhiều thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên còn một lĩnh vực giàu tiềm năng vẫn chưa được phát triển là điện gió ngoài khơi. Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa khai thác. Đây là lĩnh vực mà EU có rất nhiều thế mạnh. Chỉ cần có chính sách tốt sẽ thu hút được các doanh nghiệp EU tham gia đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu: Sau hai năm, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt nhất là những khu vực như Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Nhiều mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, máy móc và thiết bị đều tăng trưởng 2 con số. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như: dược phẩm, hóa chất, sữa và sản phẩm sữa, chế phẩm thực phẩm… Rõ ràng đây là những tín hiệu đáng mừng và sự khởi đầu thuận lợi, để chúng ta có thể tin tưởng vào sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - EU trong thời gian tới.
Bình luận (0)