EU run rẩy trong ván bài 500 tỉ euro

12/01/2015 08:30 GMT+7

(TNO) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ bơm 500 tỉ euro cho kế hoạch mua trái phiếu chính phủ và các tài sản thuộc hạng đầu tư. Liệu đây có phải giải pháp hiệu quả cho tình trạng giảm phát, hay chỉ là động thái cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang run rẩy?

(TNO) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ bơm 500 tỉ euro cho kế hoạch mua trái phiếu chính phủ và các tài sản thuộc hạng đầu tư. Liệu đây có phải giải pháp hiệu quả cho tình trạng giảm phát, hay chỉ là động thái cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang run rẩy?

Bước ngoặt đang chờ đợi EU và khu vực tiền chung châu Âu - Ảnh: Reuters
Theo thông tin từ Bloomberg ngày 9.1, ECB chuẩn bị tung ra 500 tỉ euro trong kế hoạch mua các tài sản thuộc hạng đầu tư. Đây là nỗ lực mới nhất của EU nhằm cứu lấy đồng euro và giải quyết tình trạng giảm phát trong khu vực này. Quyết định cuối cùng có thể được đưa ra khi EU họp vào ngày 22.1 tới.
Dấu hỏi ở tính hiệu quả
Kế hoạch Nới lỏng định lượng (QE) trên thực tế đã được chú ý từ lâu. Có điều, dường như ít ai nghĩ  rằng EU sẽ làm tốt như Mỹ và Nhật Bản trong quá khứ.
Ngày 6.1, trang kinh tế - tài chính Wall Street Journal có bài viết khẳng định QE là một hướng giải quyết sai lầm của EU. Cây bút Michael Heise cho rằng QE chưa hẳn là cần thiết trong trường hợp hiện tại, và cách làm của EU rất có thể không hiệu quả vì đơn giản họ khác với Mỹ hay Nhật Bản.
Hệ thống tài chính của Mỹ dựa chủ yếu trên thị trường vốn. Do vậy việc mua chứng khoán của Cục dự trữ liên bang sẽ có ảnh hưởng lớn đối với tài chính công ty và tài sản tư nhân hơn khu vực dùng tiền euro, Wall Street Journal phân tích.
Khác biệt nằm ở chỗ, kế hoạch của ECB là mua lại trái phiếu chính phủ, song họ lại phải thông qua  các hệ thống ngân hàng trung ương của các nước trong khu vực.
Việc này có thể sẽ không hiệu quả bởi vấn đề là nhu cầu vay vốn của người tiêu dùng, doanh nghiệp đều giảm, dẫn tới chuyện rất có thể số tiền bán trái phiếu vẫn không được dùng. Nếu ECB mua thẳng vào cổ phiếu của cá nhân, doanh nghiệp, công ty... thì tình hình hiện nay chưa chắc số tiền 500 tỉ euro ấy được tái đầu tư, cũng bởi tâm lý tiết kiệm và đặt sự an toàn lên cao nhất như vừa qua.
Tâm lý người tiêu dùng khó thay đổi nếu chỉ bằng gói 500 tỉ euro của ECB - Ảnh: Reuters
Wall Street Journal cũng lập luận rằng đợt giảm phát này chủ yếu do giá dầu và nguyên liệu giảm đột ngột. Nếu ECB kích thích chi tiêu theo kiểu này, nó cũng chỉ tạo ra “lạm phát tức thời”.
Nghĩa là trong lúc các nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Síp... vẫn đối mặt nhiều vấn đề xã hội, họ sẽ không thể “đồng hội đồng thuyền” với các thành viên khác nếu lạm phát tăng như thế. Đó là điểm khiến EU – một liên minh, khó học theo các nước hành động đơn lẻ như Nhật và Mỹ.
EU sống hay chết?
Việc “cứu đồng euro” là cần thiết cho sự tồn vong của đồng tiền chung, và thậm chí nó còn có ý nghĩa quyết định đến số phận của liên minh các nước châu Âu – EU.
Tạp chí Forbes tuần trước đã nhận xét EU là “một cỗ xe cồng kềnh nên khó di chuyển”, nói lên khó khăn từ chính các thành viên trong nhóm khi cùng giải quyết một vấn đề như giảm phát và sự suy yếu của tiền euro như hiện nay.
Trong khi đó, The Guardian ngày 30.12.2014 nhận xét rằng năm 2015 sẽ là lúc EU đứng trước dấu hỏi lịch sử: Liệu nó sẽ sống tốt hay tan rã.
Các kế hoạch của EU lúc này không thể tách rời cuộc bầu cử Hy Lạp vào ngày 25.1. Việc giữ hay không giữ Hy Lạp sẽ tùy thuộc vào đảng lãnh đạo nước này, bởi nó quyết định chuyện Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại hay không, tức có tuân theo luật chơi chung hay không. Cụ thể, đó là chuyện Nới lỏng ngân sách.
Thủ tướng Anh Cameron liệu còn giữ quyền lực để “sát cánh” cùng EU? - Ảnh: Reuters
Trên thực tế năm 2015 sẽ còn chứng kiến hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng tại Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Bồ Bào Nha và Estonia. Một “trục trặc” nhỏ trong việc chọn người nắm quyền rất có thể sẽ chứng kiến vài thành viên trong số này có cái nhìn khác về EU.

Lấy ví dụ tại Anh, Thủ tướng David Cameron đã hứa với EU về việc trưng cầu dân ý vào năm 2017. Tuy nhiên nếu ông thất thế trong năm nay, chính sách “thân” EU – kèm theo khoản đóng góp khổng lồ hàng năm mà người Anh phản đối, sẽ buộc phải thay đổi.
EU sẽ không thể níu giữ các thành viên phục vụ cho bản thân nó, nếu đồng euro cũng như lợi ích kinh tế nó mang lại không đáp ứng yêu cầu. Mà đợt giảm phát này lại diễn ra đúng thời điểm các nước bầu cử đông đảo.
Thế mới có chuyện Bloomberg đánh giá ECB sẵn sàng rót tiền mua trái phiếu tại Hy Lạp và Síp, các nước đúng ra không đạt “hạng đầu tư” (investment grade) theo các tổ chức định mức tín nhiệm. Họ đang níu kéo tất cả vào chung một hội, cũng vì sự “an toàn” trong thời điểm bầu cử này...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.