EU 'siết' tiêu chuẩn xanh, hàng không lo giá vé máy bay tăng mạnh

26/09/2024 18:14 GMT+7

Bắt đầu từ năm 2025, nhiên liệu máy bay được nạp tại các sân bay EU phải chứa ít nhất 2% SAF (nhiên liệu hàng không bền vững). Tỷ lệ SAF sẽ tăng dần lên 6%, 20% và 70% vào các năm 2030, 2035, 2050.

Đây là nội dung nổi bật nằm trong quy định phát triển bền vững liên quan đến lĩnh vực hàng không (ReFuelEU Aviation) được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 10.2023 và bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2024 với mục tiêu thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững để giảm phát thải carbon ngành hàng không.

Đối tượng áp dụng là các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không, các sân bay và hãng hàng không EU. Theo đó, từ 1.1.2025, các hãng hàng không khởi hành từ các sân bay EU, bất kể điểm đến, phải dùng SAF để vận hành chuyến bay.

EU 'siết' tiêu chuẩn xanh, hàng không lo giá vé máy bay tăng mạnh- Ảnh 1.

Khách hàng được khuyến khích sử dụng ly cốc và túi cá nhân, hạn chế rác thải nhựa trên các chuyến bay của Vietnam Airlines

VNA

Chi phí nhiên liệu mỗi chuyến bay sẽ tăng gấp nhiều lần

Trong văn bản vừa gửi Chính phủ, Bộ Ngoại giao nhìn nhận quy định mới sẽ khuyến khích chuyển đổi xanh trong lĩnh vực hàng không, thúc đẩy các sáng kiến xanh và sự phát triển các công nghệ nhiên liệu xanh mới, góp phần bảo vệ môi trường. SAF có thể giúp cắt giảm 80% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu truyền thống.

Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không sẽ tăng lên do SAF đắt hơn nhiên liệu truyền thống nhiều lần. Hiện nay, giá thành của SAF cao gấp 2 - 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch, có thời điểm cao gấp 5 - 6 lần. Đáng chú ý, việc ReFuelEU Aviation quy định SAF không bao gồm xăng sinh học (biofuel) làm từ thực vật sẽ khiến chi phí SAF càng thêm đắt đỏ.

Chi phí tăng mạnh sẽ khiến giá vé máy bay tăng, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Các hãng hàng không EU được đánh giá chịu bất lợi nhiều nhất bởi có trụ sở ở EU, tất cả các chuyến bay đi đều khởi hành từ các sân bay tại EU. Các hãng hàng không ngoài EU cũng sẽ bị ảnh hưởng khi bay đến châu Âu bởi ở chặng về phải khởi hành từ các sân bay này. Trường hợp cần phải tiếp thêm nhiên liệu, thì nhiên liệu được nạp tại các sân bay của EU sẽ có giá thành cao hơn bình thường do phải chứa một tỷ lệ nhất định SAF.

Đồng thời, nguy cơ xảy ra xáo trộn các chặng bay hiện nay và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng nhiên liệu máy bay. Thay vì thực hiện các chuyến bay thẳng đến EU, các hãng sẽ thực hiện các chuyến bay có quá cảnh ở một hoặc nhiều quốc gia khác để tiếp nhiên liệu, "né" các quy định của EU.

Việt Nam không nằm ngoài nhóm chịu tác động. Bộ Ngoại giao nhấn mạnh quy định mới của EU sẽ khiến chi phí vận hành ngành hàng không tăng cao, đồng thời tác động tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu. Chi phí vận tải hàng không sang châu Âu tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc thay đổi cách thức vận chuyển, như chuyển sang vận tải đường biển hoặc tìm kiếm thị trường mới. Điều này có thể làm thay đổi chiến lược xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, quy định mới tạo thách thức cho nước ta về cơ sở hạ tầng và công nghệ. "Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất SAF của Việt Nam mới ở bước sơ khởi, khả năng sản xuất nhiên liệu xanh còn hạn chế. Các công nghệ và hạ tầng hiện tại của ngành hàng không Việt Nam chưa đủ để đáp ứng yêu cầu sử dụng SAF. Do đó, các hãng hàng không Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn cung SAF từ nước ngoài, làm tăng chi phí và sự phụ thuộc vào các đối tác quốc tế" - Văn bản của Bộ Ngoại giao viết.

EU 'siết' tiêu chuẩn xanh, hàng không lo giá vé máy bay tăng mạnh- Ảnh 2.

Hiện nay, trong đội máy bay của Vietjet đã sử dụng dòng máy bay mới, hiện đại, giảm lượng khí thải ra môi trường

VJ

Hỗ trợ hàng không chuyển đổi xanh

Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có duy nhất hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thử nghiệm thành công chuyến bay thương mại với SAF (chuyến bay mang số hiệu VN660 từ Singapore đến Hà Nội khởi hành ngày 27.5). Tuy nhiên, sau chuyến bay thử nghiệm đó, Vietnam Airlines vẫn chưa bay thêm chuyến nào sử dụng nhiên liệu xanh. Nguyên nhân được cho là chi phí nhiên liệu quá cao và nguồn cung ứng SAF còn eo hẹp. Vietjet cũng đang có những kế hoạch nhất định tiến tới sử dụng SAF thông qua ký kết thỏa thuận tài chính máy bay với Novus Aviation Captial và hợp tác cùng SAF One phát triển SAF.

Để năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam không bị ảnh hưởng lớn bởi quy định như ReFuelEU Aviation, Bộ Ngoại giao cho rằng cần có dư địa thời gian để các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có thể vừa thích ứng với các quy định về phát triển bền vững của thế giới, vừa bảo đảm phát triển bền vững ở Việt Nam.

Từ góc độ đối ngoại, Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện của quy định ReFuelEU Aviation với Việt Nam để đề xuất các doanh nghiệp hàng không có phương án chủ động thích ứng. Từ đó, xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển ngành hàng không bền vững với lộ trình phù hợp, bao gồm các giải pháp về hạ tầng, công nghệ, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong chuyển đổi nhiên liệu hàng không bền vững, đồng bộ hóa các tiêu chuẩn trong nước với tiêu chuẩn quốc tế về SAF.

Song song, chủ động đề xuất tham vấn, tiến hành trao đổi với các đối tác (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...) kết hợp vận động chính trị - ngoại giao nhằm có các biện pháp thích ứng phù hợp, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác (công nghệ, nhân lực, quản trị...) trong chuyển đổi sang SAF và nâng cấp đội bay.

Ngoài ra, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, theo dõi sát các động thái, chính sách của các nước, các tổ chức quốc tế về phát triển bền vững ngành hàng không và các nhiên liệu SAF, các biện pháp thích ứng, các sáng kiến tập hợp lực lượng nhằm củng cố, mở rộng chuỗi cung ứng SAF khu vực và toàn cầu... Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng nhiên liệu SAF tại Việt Nam.

Phản ứng chính sách của các nước đối với quy định ReFuelEU Aviation

- EU ban hành Đạo luật Công nghiệp không phát thải (Netzero Industry Act), ưu tiên hợp tác R&D và khuyến khích sản xuất SAF nội địa; dành khoảng 2 tỉ euro trợ cấp cho việc chuyển đổi sang SAF.

- Mỹ lập trung nghiên cứu và loại bỏ xăng pha chì dùng cho các đời máy bay cũ; nghiên cứu và phát triển các công nghệ hàng không mới; đầu tư 20,4 triệu USD để điện hóa phương tiện và thiết bị vận hành sân bay.

- Canada lập quỹ sáng tạo chiến lược (SIF) nghiên cứu và phát triển công nghệ hàng không với tổng ngân sách 1,75 tỉ CAD năm 2021; hỗ trợ 265 triệu USD cho ngành hàng không tiến tới loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon.

- Nhật Bản đầu tư khoảng 2,3 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển SAF; miễn thuế nhập khẩu SAF; hỗ trợ vốn, vận hành và chứng nhận SAF.

- Pháp lên kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu Euro để phát triển máy bay, động cơ và nhiên liệu hàng không phát thải thấp trong những năm tới.

- Trung Quốc cam kết hỗ trợ khoảng 2 tỉ euro cho các hãng hàng không đủ điều kiện chuyển đổi sử dụng SAF; cung cấp các ưu đãi tài chính (giảm thuế, trợ cấp, các khoản vay lãi suất thấp) cho việc xây dựng cơ sở sản xuất SAF.

- Hàn Quốc hỗ trợ tài chính khoảng 3 tỉ USD cho các nhà sản xuất SAF.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.