Giảm thủ tục đầu tư, 'siết' an ninh hàng không

05/06/2014 03:00 GMT+7

Báo cáo thẩm tra tờ trình dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) tại Quốc hội hôm qua, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Kinh tế đều nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật.

Báo cáo thẩm tra tờ trình dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) tại Quốc hội hôm qua, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Kinh tế đều nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật.

Giảm thủ tục đầu tư, 'siết' an ninh hàng không

Doanh nghiệp cần một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi - Ảnh: Mai Phương

Tạo bước đột phá về đầu tư

Đáng chú ý, liên quan đến phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục thông báo đầu tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng các dự án đầu tư vào hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường không ràng buộc với thủ tục và điều kiện cấp giấy chứng nhận, vì vậy quy định này là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém.

Đối với quy định thủ tục thông báo đầu tư trong dự thảo luật, về bản chất là một loại giấy phép, các quy định này chưa thể hiện được bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính như mục tiêu sửa đổi luật. Hơn nữa, bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận hay thông báo đầu tư không làm mất đi công cụ quản lý của nhà nước bởi các cơ quan quản lý vẫn có thể thực hiện chức năng của mình thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được pháp luật quy định. Do đó cần sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đồng thời rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết để tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Về ngành nghề, địa bàn đầu tư, để thực hiện nguyên tắc nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát để quy định chi tiết địa bàn ưu đãi đầu tư, ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề cấm đầu tư ngay trong luật.

Quy định thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng

Trong phiên thảo luận sáng 4.6 về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hàng không dân dụng VN, vấn đề an ninh hàng không được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm, nhất là trong bối cảnh hoạt động khủng bố hàng không ngày càng tinh vi.

Qua thảo luận, đa số ĐB tán thành với việc sửa đổi nhằm nâng cao chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành hàng không cho phù hợp với các công ước và cam kết quốc tế, cũng như phù hợp với hiến pháp. Tuy nhiên, để luật dễ thực hiện và đi vào cuộc sống, các ĐB cho rằng, dự thảo cần quy định chặt chẽ các điều khoản liên quan tới an ninh hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng và thanh tra hàng không...

Dự thảo luật quy định Bộ GTVT quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều ĐB không tán thành với điều này vì các sân bay chuyên dùng hiện nay chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn… Do đó, các ĐB đề nghị nên giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Quốc phòng. Đại biểu Đỗ Bá Tỵ (Điện Biên) đề nghị để Bộ Quốc phòng quyết định việc lập, mở, đóng hủy bỏ sân bay chuyên dụng, khi các đơn vị có nhu cầu phải trao đổi với Bộ Quốc phòng và có ý kiến thống nhất.

Bên cạnh đó, các ĐB đề nghị quy định rõ tính chất của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không là lực lượng của cơ quan nhà nước hay của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị giao cho một doanh nghiệp độc lập thực hiện nhiệm vụ này để tăng cường xã hội hóa trong ngành hàng không. Tuy nhiên, các ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) đề nghị lực lượng kiểm soát an ninh hàng không thuộc quản lý của Bộ GTVT, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để xử lý các tình huống, đồng thời lực lượng này cũng là bộ mặt quốc gia nên cần được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện chặt chẽ.

Thẻ căn cước công dân sẽ thay thế các giấy tờ tùy thân

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án luật Căn cước công dân, chiều qua, 4.6, trên thẻ Căn cước công dân có thông tin về nơi thường trú của công dân, do đó sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Mặt khác, trên thẻ có nhiều thông tin về công dân như họ tên, giới tính, dân tộc... được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể sử dụng thẻ để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác.

Đáng chú ý theo dự thảo luật, thẻ Căn cước công dân được cấp cho công dân ngay từ khi làm thủ tục khai sinh; đối với thẻ của người dưới 15 tuổi thì hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi người đó đủ 14 tuổi; đối với thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi thì hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp; đối với thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi thì hạn sử dụng là 15 năm, kể từ ngày cấp. Riêng đối với người từ 70 tuổi trở lên thì không xác định hạn sử dụng của thẻ. Mặt khác, công dân có thể lựa chọn nơi thuận lợi nhất để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân chứ không cần phải trở về nơi thường trú để thực hiện.

Trong báo cáo thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết đa số thành viên ủy ban đồng tình cho rằng với việc cấp thẻ Căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân trong tương lai.

 Nếu được Quốc hội thông qua, từ ngày 1.1.2016, thẻ Căn cước công dân sẽ thay thế cho chứng minh nhân dân và tới 2020 có thể thay thế cho cả giấy khai sinh, sổ hộ khẩu...

Thái Sơn

Anh Vũ

>> Giải quyết 9 thủ tục đầu tư tại một đầu mối
>> Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII: Rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng
>> Rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng
>> Thắt chặt an ninh hàng không

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.