Hiện vật 'lạ' ở đền Phù Đổng

03/03/2014 09:00 GMT+7

Tại di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng đã xuất hiện thêm áo giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt. Chưa rõ việc đưa những hiện vật này vào có đúng luật không.

Tại di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng đã xuất hiện thêm áo giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt. Chưa rõ việc đưa những hiện vật này vào có đúng luật không.

Hiện vật
Ngựa mới được đặt trong sân di tích, có bát hương - Ảnh: Ngọc Thắng

“Không phải xin phép ai cả”

Tấm băng rôn đỏ thắm treo ngay trước cửa đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) với  những hàng chữ trắng chào mừng danh hiệu di tích quốc gia của đền. Di tích này vừa được trao bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cách đây chưa đầy nửa tháng. Ngay trong sân di tích này, mới đây xuất hiện một tượng ngựa bằng kim loại được đặt cùng bát hương. Chưa hết, trong gian thờ, còn có cả bộ giáp trụ, roi mới.

“Đúng ngày 19.9 năm Quý Tỵ, tức là năm ngoái 2013, vào ngày Thiên Mã, ngựa sắt đã được mang về đền Phù Đổng”, ông Đinh Minh Tỉnh, Phó ban Quản lý di tích cho biết. “Ngựa và bộ giáp sắt đó là nhân dân cả nước đem về đấy, cầu mong cho quốc thái dân an”. Ông Tỉnh cũng rất rành rẽ việc ngày 9.12.2013 Chính phủ đã ký công nhận di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng.

 

Thường thì các cụ quy định ở đâu thì đặt ngựa trắng, ở đâu thì đặt ngựa đỏ. Việc đặt tượng ngoài sân như thế không ổn. Để ở đó là phá vỡ kiến trúc. Không nên thêm hiện vật vào ở một di tích đẹp như thế

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình

Ông Tỉnh nói thêm, lúc đầu “nhân dân cả nước” định đem ngựa về đền ở Thường Tín, Hà Nội song lúc xin đài (một kiểu gieo quẻ - TN) không được đồng ý. Sau đó, tượng ngựa được mang lên Sóc Sơn, nhưng xin đài cũng không được đồng ý. Rồi tượng được mang về đây và việc xin đài cho thấy tượng được chấp nhận.

Ông Lê Quang La, một người thường xuyên trông coi di tích cho biết việc đưa được ngựa đặt vào bên trong cổng đền rất khó. Do cổng thấp, ngựa cao nên phương án đưa vào theo cổng chính không thực hiện được. Cũng có phương án là đập tường đưa vào. Tuy nhiên, theo ông La, phương án này không được lựa chọn vì nó không chỉ ảnh hưởng đến kiến trúc cũ mà còn ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh. “Cuối cùng dùng cần cẩu đưa ngựa qua tường để vào”, ông La nói.

“Nói thật là người mang ngựa và áo giáp sắt ở đây cũng là đại diện cho nhân dân cả nước. Không phải xin phép ai”, ông Tỉnh khẳng định.

Sau khi đặt được tượng ngựa, bát hương cũng được đặt cùng. Về bát hương đặt ở bức tượng ngựa bằng kim loại, ông Tỉnh cho biết: “Đặt bát hương để thờ cho thần mã linh thiêng. Có linh thiêng mới cầu mong quốc thái dân an được”.  

Hiện vật
Bộ giáp cung tiến Thánh Gióng

Chính quyền không biết ?

Tuy nhiên, ông Tỉnh cũng không nói được chắc chắn liệu việc đưa hiện vật mới vào di tích này đã được báo cáo lên Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL hay chưa. Ông chỉ chắc chắn rằng Ban quản lý di tích đã báo cáo lên huyện rồi. “Về văn bản báo cáo chính thức lên Cục thì chúng tôi làm gì có quyền, phải huyện báo cáo, rồi thành phố báo cáo. Còn nếu thành phố chưa báo cáo Cục thì thành phố khuyết điểm”, ông Tỉnh nói.

 

Ngựa nửa Tàu nửa Tây, sợ thật

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó chủ tịch phụ trách văn xã UBND H.Gia Lâm, Hà Nội cho biết ông cũng chưa rõ hiện trạng tại đền Phù Đổng hiện nay. Với câu hỏi liệu tượng ngựa đặt ở đó là tạm thời hay không, ông Thuần không trả lời cụ thể vì cho rằng chưa có thông tin. “Tôi sẽ kiểm tra lại và trả lời chính thức nếu báo chí quan tâm. Nghe phản ảnh thế này thì tôi kiểm tra”, ông Thuần nói.

TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết do đền Phù Đổng là di tích quốc gia đặc biệt nên khi đưa hiện vật vào phải có thỏa thuận với Cục Di sản. “Việc cho phép bổ sung hiện vật vào di tích cũng phải có lý do chính đáng về khoa học, phải bảo đảm về thẩm mỹ. Cho phép mà không chuẩn thì còn có thể phê bình cả cơ quan cho phép”.

Về phong cách của bộ giáp, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ đưa ra ý kiến: “Cá nhân tôi thấy nó chẳng có gì để nói, vì đúng là làm theo tưởng tượng. Cũng bởi một lẽ, ở ta hiện không có hiện vật áo giáp nào cả. Chỉ có một số pho tượng tướng sĩ thời Lý, Lê thôi. Theo tôi, về tạo hình họ làm thế cũng không sao cả”.

Về tượng ngựa, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng con ngựa này không xấu, nhưng cũng chẳng đẹp. “Thường thì các cụ quy định ở đâu thì đặt ngựa trắng, ở đâu thì đặt ngựa đỏ. Việc đặt tượng ngoài sân như thế không ổn. Để ở đó là phá vỡ kiến trúc. Không nên thêm hiện vật vào ở một di tích đẹp như thế”, ông Bình nói.

Cũng về bức tượng ngựa này, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đánh giá: “Ngựa nửa Tàu nửa Tây, sợ thật”.

Ngọc Ánh - Trinh Nguyễn 

>> Tưng bừng trẩy hội Thánh Gióng
>> Hội Gióng trở thành Di sản thế giới 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.