Giấc mơ…Tha La

06/06/2014 11:05 GMT+7

Nằm bên cạnh hồ Dầu Tiếng và sườn núi Cậu-với điều kiện tự nhiên phong phú, nhưng hơn 20 năm qua người dân ấp Tha La (xã Định Thành, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) phải sống tạm bợ trong những căn lều tồi tàn.

 
Những ngôi nhà lụp xụp trong ấp Tha La - Ảnh: Huy Anh

Men theo con đường đất đỏ đầy sỏi đá bên sườn núi Cậu (cách trung tâm hành chính H.Dầu Tiếng khoảng 10km), chúng tôi tìm đến tổ 4, 5 ấp Tha La. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những căn nhà ọp ẹp, mỏng manh, xiêu vẹo được dựng tạm bợ dựa vào thân cây, rung rinh mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua. Ghé thăm căn nhà tranh vách nứa, anh Huỳnh Văn Thành (40 tuổi) tâm sự: “Nhà cửa tạm bợ, nhưng nếu rục rịch xây dựng thì chính quyền địa phương không cho. Thôi thì đành chui rúc thế này cho xong”.

Ghé vào nhà ông Mai Văn Hương, Tổ trưởng tổ 4 và 5 để tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống người dân nơi đây. Ông Hương cho biết từ nhiều năm trước, vì cuộc sống mưu sinh nên dân cư các nơi tập trung về đoạn cuối của hồ Dầu Tiếng, sống rồi dần dần hình thành lên xóm đảo Tha La. Năm 1992, chính quyền địa phương di dời họ lên sườn núi Cậu để trả mặt bằng cho các dự án hồ Dầu Tiếng. Xóm đảo Tha La có tên mới là tổ 4, 5 và hiện tại nơi đây có 34 hộ dân cùng 107 nhân khẩu. Dân cư ở đây chủ yếu là người nghèo ở các vùng khác đến mưu sinh bằng nghề chài lưới dưới hồ để kiếm tôm cá, hái măng trên núi Cậu, buôn bán quanh chùa Châu Thới và đi làm thuê. “Tuy được đổi đất để sống, nhưng dân cư chúng tôi không được cấp sổ đỏ, không được phép cất nhà kiên cố, không có một con đường đàng hoàng, không được sử dụng điện lưới quốc gia…Từ đầu năm 2007 đến nay, chúng tôi cũng không được cấp hộ khẩu riêng.”, ông Hương nói.

 
Chiều đến là phụ nữ và trẻ em lại ra hồ Dầu Tiếng xách nước về tắm rửa - Ảnh: Huy Anh

Một điều đáng chú ý nữa tại đây là, dù sống cạnh hồ nước ngọt đồ sộ, nhưng người dân lại thiếu nước sinh hoạt. Người dân ở đây chỉ dám gánh nước lên để tắm giặt còn việc ăn uống thì phải hứng nước mưa hoặc mua nước bình về dùng do sợ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Ông Trương Văn Kính, Trưởng ấp Tha La cho biết: “Nhiều hộ dân tại tổ 4, 5 có điều kiện kinh tế muốn cất nhà kiên cố, muốn xây khu vệ sinh cũng như bể chứa nước để tiện cho cuộc sống đều không được cho phép. Mỗi lần họp với chính quyền địa phương, chúng tôi đều đưa ra đề nghị cho người dân cất nhà để ổn định cuộc sống, thì chỉ được thông báo rằng đây là khu đất nằm trong quy hoạch sắp giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay hơn 20 năm rồi mà không thấy có biện pháp tích cực nào hỗ trợ cho người dân”.

Trong khi đó, Chủ tịch xã Định Thành Đặng Minh Phước cho biết trước năm 1992, người dân tổ 4, 5 sống trên đất trong quy hoạch của hồ Dầu Tiếng. Để tránh việc ô nhiễm môi trường nước nên chính quyền địa phương đã vận động bà con di dời lên khu sườn núi Cậu sinh sống. Hiện tại, đất người dân tổ 4, 5 đang sống là đất thuộc quyền quản lý của rừng phòng hộ núi Cậu. “Chúng tôi biết, nhiều hộ dân ở đây có đủ điều kiện để cất nhà kiên cố nhưng đất này thuộc quyền sở hữu của ban quản lý rừng. Các hộ dân muốn sửa sang nhà cửa chúng tôi đều hướng dẫn họ làm đơn xin ban quản lý rừng phòng hộ rừng núi Cậu”, ông Phước cho biết.

Huy Anh

>> Xóm nghèo trên sông
>> Bể hụi bạc tỉ, xóm nghèo điêu đứng
>> Tin dữ bàng hoàng xóm nghèo
>> Xóm nghèo khát chữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.