Bám bản chữa bệnh

06/06/2014 11:19 GMT+7

Hơn 10 năm gắn bó với bản làng biên giới xã A Roàng (A Lưới, Thừa Thiên - Huế), bác sĩ Nguyễn Văn Chiến (47 tuổi, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y của Đoàn quốc phòng 92) đã coi đây như quê hương thứ hai của mình.

Hơn 10 năm gắn bó với bản làng biên giới xã A Roàng (A Lưới, Thừa Thiên - Huế), bác sĩ Nguyễn Văn Chiến (47 tuổi, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y của Đoàn quốc phòng 92) đã coi đây như quê hương thứ hai của mình.

 Bám bản chữa bệnh
 Bác sĩ Nguyễn Văn Chiến thăm khám cho bà con vùng cao - Ảnh: Tuyết Khoa

Cách trung tâm huyện gần 30km, xã A Roàng là một trong những địa phương xa nhất của huyện vùng cao A Lưới. Nó như một thung lũng tuyệt đẹp được bao bọc bởi núi non ngút ngàn. Những bản làng người Pa Kô, Tà Ôi, C’Tu… yên bình nép dưới chân núi. Đời sống vẫn còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe.

Chúng tôi tìm đến Bệnh xá Quân dân y của Đoàn quốc phòng 92. Ngay cổng ra vào, vườn thuốc nam một bên xanh tươi với nhiều loại cây được vun trồng theo hàng lối. Trong phòng khám, bác sĩ Chiến đang khám buổi sáng cho anh Hồ Nho, một bệnh nhân bị tai nạn khi đang thả dốc cuối cùng xuống xã A Roàng. Bác sĩ Chiến cho biết, thả hết dốc A5 là đến xã A Roàng. Đây là đoạn dốc hơi hiểm trở nên người dân thỉnh thoảng lại bị tai nạn, đặc biệt là vào ban đêm. Nhiều lúc, 2-3 giờ sáng, thanh niên trong làng đi chơi về bị ngã, trầy xước, chấn thương nhẹ thì bệnh xá điều trị. Nếu trường hợp chấn thương nặng nguy kịch thì bệnh xá sơ cứu rồi cho xe chuyển lên Bệnh viện huyện A Lưới.

Bệnh xá Quân dân y này được thành lập năm 1999. Vài năm sau thì bác sĩ Chiến về công tác. Lúc ấy, bệnh xá còn đơn sơ, thiếu thốn đủ thứ. Đến năm 2005, bệnh xá mới bắt đầu hoàn thiện thêm mấy hạng mục để đáp ứng phần nào nhu cầu khám chữa bệnh của bà con. “Ngày mới lên, mình phải học tiếng mới nói được với bà con. Hồi ấy, bà con còn nhiều hủ tục lắm. Có bệnh là cứ cúng bái đuổi ma bệnh. Chúng tôi phải đến từng nhà vận động bà con đến bệnh xá để chữa bệnh. Thấy hết bệnh nên bà con dần tin tưởng. Giờ thì bà con hiểu rồi, bệnh tật là đến bệnh xá điều trị, xin thuốc”, bác sĩ Chiến chia sẻ. Chị Hồ Thị Tư đang điều trị tại bệnh xá kể: “Trước đây, cứ có bệnh là chỉ biết cùng thần, cúng giàng. Có chị gần nhà mình bị đau bụng ruột thừa, đau lắm chỉ biết cúng bái. May có các bác sĩ ở đây đến rồi chuyển đi nằm viện mổ cắt ruột mới sống được đó...”.

Bệnh xá phụ trách chăm sóc sức khỏe và điều trị cho đồng bào các dân tộc ở 5 xã phía nam của huyện, gồm: A Đớt, A Roàng, Hương Lâm, Đông Sơn và Hương Phong. Hiện tại, bệnh xá có 13 y bác sĩ, cán bộ nhân viên ngày đêm túc trực tại bệnh xá. Địa bàn rộng nên bác sĩ Chiến phân công mỗi cán bộ phụ trách một địa bàn. Nhờ vậy, bệnh nhân được cấp cứu và chữa trị kịp thời. Trường hợp người già neo đơn, bản xa, bệnh nhân không đến được bệnh xá, bác sĩ Chiến cùng mọi người đến tận nơi thăm khám thường xuyên. Những ngày đầu hè, bác sĩ Chiến cùng các y sĩ trong bệnh xá đang tất bật chuẩn bị thuốc thang để phối hợp với những trạm y tế xã của những xã lân cận triển khai các chương trình y tế cộng đồng phòng chống xuất huyết, vệ sinh an toàn thực phẩm, những dịch bệnh mùa hè... Đặc biệt, chuẩn bị tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho bà con những bản xa.

Tuyết Khoa

 >> Không nên phân tuyến kỹ thuật trong khám chữa bệnh BHYT
>> Mỗi năm 23.139 tỉ đồng chữa bệnh liên quan thuốc lá
>> Khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí
>> Đu đủ chữa bệnh, làm đẹp
>> Điều máy bay ra Trường Sa đưa nhà sư vào đất liền chữa bệnh
>> Chữa bệnh thành... mãn tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.