Ngư dân cần hiện đại hóa tàu cá

06/06/2014 10:04 GMT+7

Ngư dân miền Trung đang có nhu cầu hiện đại hóa tàu cá để tăng hiệu quả khai thác đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.

 Ngư dân Bình Định
Ngư dân Bình Định phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Tâm Ngọc

Tại buổi tọa đàm “Hợp tác tài trợ tín dụng đóng mới, phát triển đội tàu đánh bắt thủy sản công suất lớn giai đoạn 2014-2017” do UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức mới đây, hơn 500 ngư dân Bình Định đã đến để lắng nghe và chia sẻ những tâm tư nguyện vọng. Hầu hết những ngư dân đều mong muốn có được nguồn vốn vay ưu đãi, với mức co giãn trả lãi và vốn phù hợp để có thể đóng mới tàu cá, mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao năng suất đánh bắt.

Ngư dân Phan Ngọc Dũng (ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn) ý kiến: “Tui muốn đóng tàu vỏ composite có công suất 1.000 CV trở lên để vừa đánh bắt hiệu quả mà vừa không bị tàu cá Trung Quốc o ép trên biển”. Ngư dân Bùi Văn Ninh (cũng ở xã Tam Quan Bắc) thì băn khoăn: “Nghe nói có chính sách hỗ trợ vốn để đóng tàu sắt, ngư dân tụi tui phấn khởi lắm nhưng cũng có nhiều thắc mắc về giá thành, ngân hàng có bao trọn gói không rồi chất lượng tàu ra sao… Nếu được, chúng tôi sẽ tính toán kỹ rồi cùng làm. Tôi có đội tàu 16 chiếc với tổng công suất 5.000 CV. Nếu đóng thêm chiếc tàu sắt nữa để làm công tác hậu cần thì quá tốt!”.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ngư dân cần phải tính toán thật kỹ việc vay vốn đóng tàu và phải đặt lợi ích, hiệu quả kinh tế lên hàng đầu. Sau đó, phải tính đến khả năng trả nợ. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ về cơ chế, chính sách và kết nối với các doanh nghiệp thu mua, đảm bảo về đầu ra cho ngư dân yên tâm đánh bắt.

Trong khi đó, việc đóng mới tàu cá có công suất lớn cũng là ưu tiên hàng đầu của ngư dân Quảng Ngãi. Bình quân mỗi năm, ngư dân trong tỉnh đóng mới từ 150 - 200 tàu cá, với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, để đóng tàu cá công suất lớn, ngoài việc dốc hết vốn liếng bao năm dành dụm, các ngư dân phải chạy vạy khắp nơi vay mượn của người thân, thế chấp nhà cửa mới vay được vốn ngân hàng.

Ngư dân Võ Bắp, ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi, cho biết gia đình ông vừa hạ thủy 2 tàu cá, mỗi tàu có công suất 1.000 CV để vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày. “Bây giờ hành nghề trên biển đòi hỏi phải có tàu công suất lớn, được trang bị các thiết bị ngư cụ hiện đại mới làm ăn có hiệu quả. Do vậy, để sở hữu 2 tàu cá với tổng trị giá 8 tỉ đồng, gia đình tui bỏ ra 2 tỉ đồng, còn 6 tỉ đồng dùng tài sản thế chấp để vay của ngân hàng”, ông Bắp nói.

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhất so với các tỉnh miền Trung, trong đó có hơn 2.400 tàu cá đánh bắt xa bờ nhưng tất cả là đều tàu cá vỏ gỗ. Do vậy, điều mong mỏi của ngư dân, đó là muốn vươn ra khơi ra, làm chủ biển khơi phải có tàu vỏ sắt.

Ông Mai Thành Văn (ở xã Bình Chánh, H.Bình Sơn), ngư dân đầu tiên ở Quảng Ngãi vừa được Tổng công ty công nghiệp tàu thủy bàn giao, cho thuê và trả dần nợ gốc trong thời gian từ 5 - 7 năm tàu cá vỏ sắt mang tên Hoàng Anh 01, trị giá là 6,5 tỉ đồng (chưa trang bị ngư lưới cụ), cho rằng lâu nay vấn đề lo lắng nhất của ngư dân nếu chẳng may gặp sóng to, gió lớn tàu vỏ gỗ dễ bị phá nước (vỏ gỗ bị vỡ), gây chìm tàu, đe đọa đến tính mạng. Còn tàu cá vỏ sắt thì rất an toàn nên ra khơi xa ngư dân rất an tâm. Có thể nói, tàu cá vỏ sắt là hướng đi mới đầy hiệu quả mà ngư dân đang hướng đến.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, việc Chính phủ dự định xây dựng một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có những ưu đãi việc vay vốn đóng tàu cá đánh bắt xa bờ, tàu vỏ sắt là một chủ trương được ngư dân đồng tình ủng hộ. Vì thế, họ rất mong chủ trương này sớm đi vào cuộc sống, để đội tàu cá của Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân cả nước nói chung từng bước được hiện đại hóa, vững vàng bám biển xa làm giàu cho gia đình và đất nước, góp phần bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.

Nếu có cơ hội, sẽ trở lại biển khơi

Ngư dân Đặng Nhu (50 tuổi, ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên) từng là một chủ tàu cá công suất 350 CV nhưng giờ phải đi làm thuê sau khi tàu cá của ông gặp nạn ở vùng biển Trường Sa. Tương tự, ngư dân Trần Bính (59 tuổi, cũng ở TP.Tuy Hòa) đã có hơn 40 năm bám biển nhưng giờ thành người trắng tay sau khi tàu cá của ông gặp nạn trên biển. “Ở trên biển cả gần cuộc đời, bây giờ cứ quanh quẩn trong nhà, tui nhớ biển lắm. Nhưng bây giờ đầu tư một chiếc tàu cá và ngư lưới cụ phải tốn hơn cả tỉ đồng. Tiền đâu có mà làm. Nhưng có cơ hội làm lại, tui cũng quyết tâm trở lại biển khơi, bám biển để mưu sinh và giữ vững chủ quyền vùng biển mà cha ông đã gìn giữ bấy lâu nay”, ông Bính chia sẻ. Ông Phạm Minh Thảo, Chủ tịch UBND P.6 (TP.Tuy Hòa) nhận định: “Ngư dân cả đời bám biển, nhưng chỉ cần một lần rủi ro là họ trắng tay. Một khi tay trắng thì khó có cơ hội để làm lại, vì họ không tìm ra đâu vốn mà đầu tư lại. Vì thế, tôi nghĩ rằng, nếu nhà nước hỗ trợ cho họ vốn đóng lại tàu mới thì chắc chắn họ sẽ sẵn lòng vươn khơi, bám biển trở lại”. (Đức Huy)

Tâm Ngọc - Hiển Cừ

 

>> Tàu cá Việt Nam liên tục bị ngăn cản, vây ép
>> Tàu cá Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam
>> Cận cảnh bằng chứng tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm
>> Nhiều tàu cá Việt Nam bị ngang ngược tấn công
>> Trung Quốc tiếp tục ngang ngược tấn công tàu cá Việt Nam suốt đêm
>> Tàu cá Trung Quốc thả lưới cản trở tàu kiểm ngư Việt nam
>> Doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ sắt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.