Theo ông Thành, phương án tăng giá đang được EVN tính toán, nhưng trước mắt phải đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán bù phần lỗ năm 2010.
EVN đề xuất tăng giá điện trong tháng 9 - Ảnh: Ngọc Thắng |
Đáng nói, các khoản lỗ của EVN hiện rất lớn, ngoài khoản lỗ trên 8.000 tỉ đồng từ năm 2010 bị treo lại, 8 tháng năm 2011, tập đoàn này tiếp tục lỗ trên 2.000 tỉ đồng, và thường xuyên bị các tập đoàn khác đòi nợ. Ông Thành cũng cho biết, hơn 1 năm nay, EVN chưa thu xếp được vốn đối ứng cho Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và cảng Vĩnh Tân.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, việc giao nhiều dự án cho một tập đoàn (EVN) trong Quy hoạch điện VI không hợp lý, vượt quá khả năng tài chính khiến dự án chậm tiến độ. EVN từng phải trả lại Chính phủ 13 dự án nhiệt điện than với lý do không đáp ứng được nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015 của Quy hoạch điện VII, EVN tiếp tục được giao nhiều dự án nguồn lớn, chiếm 58,3% tổng số các dự án nguồn của Quy hoạch VII, với 20 dự án nguồn điện tổng công suất 11.594 MW.
Theo Bộ Công thương, tỷ lệ thực hiện Quy hoạch điện VI giai đoạn 2006-2010, tổng công suất nguồn xây dựng và đưa vào vận hành trên 10.000 MW, so với công suất dự kiến trên 14.500 MW chỉ đạt 69,1%. Thiếu điện một phần do lựa chọn sai chủ đầu tư và nhà thầu, khiến các dự án nguồn và lưới chậm tiến độ. Bộ Công thương sẽ xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án tránh gặp phải tình trạng như của Quy hoạch VI.
Mai Hà
Bình luận (0)