- Dididodo: game Việt đầu tiên thành công trên Kickstarter
- Kickstarter: Nơi "những ước mơ game" trở thành hiện thực
Với sự ủng hộ của 9.522 người trên Kickstarter, trong đó gần 7.000 người đã chịu chi hơn 100 USD cho dự án, nhà sản xuất Oculus đã thu được hơn 2,4 triệu USD - gấp gần 10 lần số tiền mà họ mong muốn. Giờ đây, dự án Oculus Rift đã được Facebook mua lại với giá 2 tỉ USD, tức gấp hơn 800 lần số tiền họ kiếm được từ Kickstarter. Rất, rất nhiều người từng ủng hộ Oculus Rift bỗng trở nên giận dữ và muốn lấy lại số tiền họ đã ủng hộ Oculus trước đây khi biết được thông tin này. Vì sao lại thế, và đó có phải là một đòi hỏi chính đáng hay không? Và quan trọng nhất, liệu điều này có ảnh hưởng gì đến bản thân Kickstarter hay không?
Facebook + Oculus Rift (Ảnh: Oculus).
Kickstarter là một dự án tìm kiếm đầu tư từ cộng đồng, trong đó nhà sản xuất sẽ trình bày dự án của mình, những gì họ sẽ làm nếu có được nguồn kinh phí cần thiết, và thường là hứa hẹn những phần quà tri ân những ai đã ủng hộ dự án đó. Việc “trả ơn” không phải là một yêu cầu bắt buộc của Kickstarter, nhưng sự mong muốn được sở hữu một thứ gì đó mà mình cho là tuyệt vời trước tất cả những người khác trên thế giới cũng là một phần lý do thôi thúc người ta ủng hộ cho các dự án. Trong trường hợp của Oculus Rift, nhà sản xuất đã thực hiện lời hứa tặng các áo thun, poster, các thiết bị Oculus Rift bản thử nghiệm (developer kit) và nhiều thứ linh tinh khác. Vậy có phải Oculus không còn nợ nần gì những ai đã ủng hộ mình hay không?
Người ủng hộ không sở hữu bất kỳ thứ gì từ dự án (Ảnh: G.I)
Nói theo giấy tờ và sách vở, đáp án là không, bởi việc ủng hộ một dự án trên Kickstarter là “từ thiện” hơn là “đầu tư”, và ngay cả khi Oculus tuyên bố dẹp dự án của họ sau khi có được 2,4 triệu USD, họ cũng không hề sợ bị kiện (điều thực sự đã xảy ra với một vài dự án trên Kickstarter, chẳng hạn như dự án Super action squad). Nhưng nếu nhìn theo góc nhìn cảm tính, rất nhiều người sẽ đồng ý rằng có. Những người ủng hộ Oculus không phải là nhà đầu tư và cũng không sở hữu cổ phiếu của Oculus, nhưng không có họ, chắc chắn sẽ không có thương vụ 2 tỷ USD của Facebook.
Một phần bài post của Joel Johnson (Ảnh: G.I)
Joel Johnson, một người đã bỏ ra 300 USD ủng hộ Oculus cho rằng: “tôi cảm thấy thời thế đã đá tôi khỏi một cơ hội biến niềm tin của mình vào tương lai của thực tế ảo (VR) và vai trò của Oculus Rift trong tương lai đó thành những đồng tiền thật. Câu chuyện của họ về những tay hacker làm điều mà những tập đoàn tỷ đô không làm đã không nói đến kết thúc của nó - rằng những nhà sáng lập tuổi teen chân đất sẽ bán dự án khởi đầu của mình cho một tập đoàn khổng lồ trước khi bán ra sản phẩm đầu tiên. Không ai bị thương, nhưng rất nhiều người bị xúc phạm”.
Sụ tức giận của game thủ (Ảnh: G.I).
Nhiều người khác cũng đòi được trả lại tiền. “Việc bán cho Facebook là một sự sỉ nhục. Nó không chỉ gây tổn hại uy tín của các anh, mà còn tổn hại đến cả việc gây quỹ từ cộng đồng (tức Kickstarter). Tôi không thể nào diễn tả hết cảm giác bị phản bội của mình bằng lời nói.” Và quả thật điều này là có cơ sở, bởi nhiều người khác đã cho rằng việc ủng hộ cho một dự án trên Kickstarter sau sự kiện Oculus sẽ là một quyết định sai lầm. Dù vậy, nhiều người tỏ ra khó hiểu với phản ứng của những người từng ủng hộ Oculus, bởi trên giấy tờ, họ chỉ là những người “làm từ thiện” chứ không hề nắm giữ cổ phần của Oculus hay quyền sở hữu Oculus Rift trong tương lai.
Nhà sáng lập Mojang: "Facebook làm tôi ghê tởm" (Ảnh: G.I).
Và không chỉ game thủ cảm thấy thất vọng với việc Facebook mua được Oculus. Markus Persson, người từng nghĩ đến việc đem tựa game Minecraft lên Oculus đã tuyên bố một cách công khai rằng “Facebook làm tôi ghê tởm, tôi không muốn làm việc với mạng xã hội, tôi muốn làm việc với game” và vì thế dự án Minecraft này bị hủy bỏ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là game thủ không còn cơ hội chơi Minecraft trên một thiết bị thực tế ảo bởi vẫn còn nhiều thiết bị khác đang trong quá trình phát triển và sẽ ra mắt trong tương lai.
Bạn có muốn dùng Oculus Rift với quảng cáo từ Facebook? (Ảnh: G.I)
Brendan Iribe, đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc Oculus phát biểu rằng “chúng tôi tin các trải nghiệm cộng đồng sẽ định hình thực tế ảo để kết nối mọi người theo những cách mới đầy màu nhiệm”, nhưng có vẻ như hầu hết mọi người không quá tin tưởng vào điều đó. Ngay cả những người không chê bai quyết định bán Oculus của những chủ nhân của nó cũng cảm thấy ngần ngại khi sử dụng Oculus trên Facebook. Với khả năng kiểm soát thông tin cá nhân của Facebook, những mẩu quảng cáo hướng đối tượng chắc chắn sẽ tràn ngập trước mắt bạn - và hoàn toàn 3D. Oculus vốn được xem là tương lai của game, giờ đây nó lại trở thành tương lai của quảng cáo tương tác và game casual.
Super action squad, tựa game "ngừng phát triển" sau khi gom đủ tiền trên Kickstarter (Ảnh: G.I)
Nhìn lại lịch sử của Kickstarter kể từ khi được khởi động vào năm 2009, đã có đến gần 6 triệu người chi ra hơn 1 tỷ USD vào khoảng 58.000 dự án trên Kickstarter và hàng ngàn dự án khác đang trong thời gian thu thập quỹ. Oculus Rift có thể là scandal lớn nhất của Kickstarter cho đến thời điểm này, lớn hơn cả lần mà số tiền 10.000 USD bỗng dưng “biến mất” khỏi tài khoản của một nhà phát triển, cả bởi giá trị Oculus Rift đã thu được từ cộng đồng, sự thất vọng và cảm giác bị phản bội của họ cũng như số tiền khổng lồ mà những người ủng hộ cảm thấy mình “lẽ ra phải được hưởng”.
Bình luận (0)