F.A.S.T : ‘Quy tắc’ phát hiện sớm khi nghi ngờ đột quỵ

31/10/2018 10:35 GMT+7

Mục tiêu điều trị đột quỵ não là giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế đến mức thấp nhất tàn phế do di chứng để lại cho người bệnh.

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não - có thể do thiếu máu não hoặc xuất huyết não) là bệnh gây tổn thương các tế bào não do thiếu ôxy.
Đột quỵ não dẫn gây hậu quả bệnh nhân bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê… khả năng gây tử vong cao, hoặc gây tàn phế. Đột quỵ do thiếu máu não thường gặp hơn với tỷ lệ: 2 đột quỵ thiếu máu não/ tổng số 3 bệnh nhân bị đột quỵ.
Nhận biết dấu hiệu phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời, đúng cách - quyết định sự thành công và phục hồi cho người bệnh.
Đột quỵ não là một cấp cứu y khoa khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, người bệnh cần được chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế. “Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4,5 giờ đầu sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu tiên) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế di chứng rất cao”, theo PGS-TS Mai Duy Tôn - chuyên gia về đột quỵ tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai). Ông cho biết, số bệnh nhân đột quỵ được đưa đến bệnh viện luôn rất đông, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quỵ.
“Với những bệnh nhân đến sớm trước 3 - 4,5 giờ, các can thiệp giúp người bệnh khỏi hoàn toàn rất cao. Nhưng thực tế, chỉ khoảng 5% người bệnh đến sớm. Các trường hợp còn lại nhập viện trong tình trạng rất nặng nề ở các giờ tiếp theo, do người dân không có thói quen đi cấp cứu khi có dấu hiệu ban đầu. Bởi khi mới đột quỵ biểu hiện nhẹ nên người bệnh chủ quan chờ xem có hồi phục không hoặc dùng thuốc theo tuyên truyền. Đến khi nặng lên, đưa đến viện đã qua giai đoạn tối ưu để điều trị”, PGS Tôn chia sẻ.
PGS Tôn khuyến cáo, hãy kiểm tra, quan sát để phát hiện 3 dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đột quỵ như sau: yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản, nếu bệnh nhân nói không lưu loát, đó là dấu hiệu bất thường; quan sát xem miệng bệnh nhân có bị mất cân đối, hoặc xệ một bên miệng hay không; yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay lên cao, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường. Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất.
Cũng theo PGS-TS Mai Duy Tôn, trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay, bệnh nhân đột quỵ không còn phụ thuộc vào lứa tuổi, có rất nhiều người trẻ bị đột quỵ. Ở người trẻ, bị đột quỵ do chảy máu não nhiều hơn so với người già vì người trẻ có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp nhưng chủ quan không điều trị, không được kiểm soát bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, người trẻ trước đó có các bất thường dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não vỡ gây xuất huyết não.
Nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ
1. Face - Gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng: để bệnh nhân ngồi ngay ngắn để quan sát hoặc yêu cầu bệnh nhân cười, “thổi lửa”, nhe răng;
2. Arm - kiểm tra tình trạng hiện yếu hoặc liệt tay, chân bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay, hai chân lên, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có liệt.
3. Speech - Ngôn ngữ bất thường: yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu không lưu loát, giọng “méo” hoặc không nói được đó là dấu hiệu bất thường.
4.Time - Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương, nhanh nhất đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.