Formosa cam kết bồi thường 11.500 tỉ đồng cho sự cố cá chết

30/06/2016 17:08 GMT+7

Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu xin lỗi nhân dân, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam, cam kết thực hiện bồi thường 500 triệu USD vì đã gây ra sự cố môi trường thời gian qua.

[18 giờ 20] Buổi họp báo kết thúc. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm: Tại phiên họp Chính phủ chiều nay, Thủ tướng chỉ đạo rà soát toàn bộ quy hoạch liên quan môi trường, kiên quyết điều chỉnh cho phù hợp. Rà soát các tiêu chuẩn môi trường áp dụng cho DN. các cán bộ liên quan, cấp nào cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vè sai phạm của mình.

Hỏi: Formosa từng có nhiều vi phạm trong đầu tư, vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón. Tới đây có gì thay đổi trong thu hút đầu tư?

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Sau sự cố này, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam là nhất quán, đảm bảo đúng cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Một sự cố xảy ra là điều đáng tiếc. Đây cũng là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước, rà soát chức năng nhiệm vụ để việc thu hút đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ Việt Nam không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.

VIDEO: Lãnh đạo Formosa nói lời xin lỗi Nhà nước và nhân dân Việt Nam vì là thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung - Nguồn VGP

Hỏi: Sao không khởi tố vụ án hình sự?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ở Việt Nam có câu, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Muốn nói rằng Chính phủ Việt Nam luôn có thái độ xử lí nghiêm minh các trường hợp vi phạm nhưng có chính sách khoan hồng, độ lượng để thấy các nhà đầu tư vi phạm nhưng nhận lỗi thì được xem xét. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật thì pháp luật cũng đảm bảo các nhà đầu tư hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả. Việc nhận lỗi của Formosa đã thể hiện thái độ, nên khởi tố hay không còn cân nhắc.

"Mức bồi thường 500 triệu là rất nhỏ, vì mới tính được thiệt hại sơ bộ kinh tế của người dân, thiệt hại sinh thái biển, tồn lưu. Còn thiệt hại về tâm lí… chưa tính được. Nhưng không quan trọng là bao nhiêu mà quan trọng là phải yêu cầu  nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ, không để xảy ra sự cố như vậy", Bộ trưởng Hà nói.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói thêm, khởi tố hay không do cơ quan tư pháp, tố tụng. Chính phủ không can thiệp.

VIDEO: Toàn cảnh diễn biến vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung

Hỏi: Quá trình công bố nguyên nhân cá chết đến nay xác định là chậm so với bức xúc của dư luận, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giải thích thế nào?

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Việc công bố hôm nay thể hiện chủ trương công khai của Đảng và Nhà nước. Ngay từ đầu những người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu điều tra nhanh chóng xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra, đánh giá hậu quả gây ra, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng... Công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hiệu quả, công bố thủ phạm là để khắc phục hậu quả.

Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ

Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là hai việc khác nhau. Việc công bố ai là thủ phạm cần điều tra để xác định chứng cứ, có sự tham gia của cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành, địa phương. Kết quả điều tra là khách quan, hoàn toàn loại trừ các nguyên nhân làm chậm quá trình. Các cơ quan đã làm việc nỗ lực hết mình. Thời gian qua có sự bức xúc vì chậm công bố nguyên nhân, đây là điều bình thường vì ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng sự phản ứng thái quá làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình điều tra.

Một số thế lực lợi dụng sự việc này để kích động, gây bất an trong nhân dân. Chúng tôi tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận sử dụng bức xúc để chống đối Đảng, Nhà nước.

VIDEO: Người dân bày tỏ mong muốn thủ phạm gây ra vụ cá chết ở miền Trung phải đền bù và khắc phục một cách thỏa đáng

[17 giờ 35] Hỏi: Chính phủ và các bộ có phương án, lộ trình gì để khắc phục?

Bộ trưởng Hồng Hà: Tôi cho rằng qua Clip, ta biết việc xác định nguyên nhân đòi hỏi chứng cứ khoa học, bài bản, chặt chẽ. Thủ tướng đã chỉ đạo, đây là sự cố nghiêm trọng, diện rộng, phức tạp nên cần khoa học, cẩn trọng, bài bản, chính xác. Trước yêu cầu của Thủ tướng, của người dân, với sức ép rất lớn, chúng tôi xác định cần tính toán, kế hoạch đầy đủ để chứng cứ, không chỉ nói nguyên nhân mà còn chỉ ra thủ phạm và đấu tranh để có kết quả hôm nay. Có 3 nhóm tiến hành: Nhóm 1 là nhóm giải thích được hiện tượng gì đang xảy ra trên biển từ Hà Tĩnh và Huế, cơ chế gì gây hải sản, sinh vật chết hàng loạt. Nhóm này có 100 nhà khoa học sinh học, hóa học, vũ trụ hải dương dương học... Nhóm 2, tìm hiểu nguồn từ đâu, đã tiến hành nhiều việc từ lấy mẫu cá, nước trầm tích đáy, sinh vật phù du, đồng thời xác đinh vệ tinh, rồi hồi tố sự việc vì nó xảy ra trước khi chúng ta biết.

Để tìm nguồn thải từ đâu ra, theo Bộ trưởng Hà: đã rà hàng trăm nguồn thải, tập trung 3 đối tượng: Formosa Hà Tĩnh, Điện Vũng Áng, Khu công nghiệp Hà Tĩnh. Một đoàn kiểm tra gồm các nhà luyện kim, môi trường, lập pháp, dùng các phương pháp kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng, phát hiện lỗi, sự cố, hàng loạt vấn đề từ thiết kế, đầu tư xây dựng, vận hành chất thải, từ đó xác định lò luyện cốc mới thải ra chất này. Bây giờ có đủ bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư thừa nhận, từ đấy xác định nguồn là từ Formosa. Đấy là việc các nhà khoa học lý giải được.

[17 giờ 32] Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mời các đại biểu họp báo xem Clip Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam.
"Tôi là Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Tôi cùng ban lãnh đạo công ty thay mặt cho hơn 6.300 cán bộ và nhân viên công ty xin phát biểu về sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung như sau", đại diện Formosa Hà Tĩnh nói.

"Công ty chúng tôi đến Việt Nam với mong muốn đầu tư và phát triển bền vững, lâu dài để đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trongng quá trình vận hành thử của công ty và qua kết quả kiểm tra nghiên cứu, đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cho thấy sự cố đã xảy ra trong nhà máy là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vừa qua (Giai đoạn vận hành thử do các nhà thầu phụ được công ty chúng tôi tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện). Công ty xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. 

Công ty xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường thời gian qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, việc làm của người dân và môi trường 4 tỉnh miền Trung. Chúng tôi xin cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung".

[17 giờ 30] Ông Mai Tiến Dũng cho biết:

Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh và các bộ ngành khác có liên quan đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Ngày 28.6.2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết: 1. công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; 2. thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỉ đồng (500 triệu USD); 3. khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra; 4. phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung  bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế; .5. thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.


[17 giờ 22] Các cơ quan chức năng đã đã phát hiện công ty TNHH Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), có 1 số hành vi vi phạm xác định được trong quá trình vận hành thử có xả thải có chất độc tố Hydroxit sắt vượt quá mức cho phép. Từ các chứng cớ trên các cơ quan chức năng đã thẩm định kỹ, tham vấn các nhà khoa học, kết luận là: những vi phạm trong thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy Formosa là nguyên nhân gây ô nhiêm nghiêm trọng làm hải sản chết hàng loạt.

[17 giờ 16] Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: Trong tháng 4, tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Huế đã xảy ra sự cố nghiêm trọng môi trường, làm hải sản chết bất thường, ảnh hưởng đời sống dân sinh. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên trực tiếp quyết liệt chỉ đạo kịp thời các biện pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống người dân. Đã huy động 100 nhà khoa học của 30 cơ quan quốc tế tìm xác định nguyên nhân.

[17 giờ 04] Trên bàn chủ tọa cuộc họp báo xuất hiện Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đinh Trung Tụng.
Trước cuộc họp báo này vài phút, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo đặc biệt về vụ cá chết trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Thủ tướng nhận định, vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung vừa qua là một trong những thử thách, khó khăn lớn của tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm.
Đầu tháng 4.2016, nhiều hộ nuôi cá bè trên vùng biển Vũng Áng (TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phát hiện cá chết hàng loạt. Ít ngày sau, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế liên tiếp công bố hải sản chết dọc bờ biển.
Đến giữa tháng 4, Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cho biết, yếu tố gây độc trong nguồn nước là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng.
Ngày 25.4, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã có những phát ngôn “gây sốc” khi nói rằng người dân nên chọn lựa giữa việc muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng một nhà máy thép.
Hệ thống ống xả thải khổng lồ nối từ các nhà máy thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh ra biển Vũng Áng ẢNH NGUYÊN DŨNG
Cũng trong ngày này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây tình trạng hải sản chết bất thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm.
Chỉ hai ngày sau đó, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã có buổi họp báo nhanh công bố sơ bộ về “2 nhóm nguyên nhân dẫn tới cá chết”. Thứ nhất là do độc tố hoá học thải ra từ các phương tiện, con người trên biển. Thứ hai là thời tiết, do tác động của các yếu tố tạo nên tảo độc, thuỷ triều đỏ.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường khi đó cho hay “chưa có bằng chứng để xác định Formosa và cảng Vũng Áng có liên quan đến cá chết”. Dù vậy, trong thời gian này, nhiều đoàn thanh kiểm tra liên ngành đã tiến hành công tác thanh tra tại khu kinh tế Vũng Áng và nhà máy Formosa.
Ngay sau đó, trong đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5, đích thân người đứng đầu Chính phủ đã có chuyến thị sát và làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung tại tỉnh Hà Tĩnh về nội dung cá chết hàng loạt.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 diễn ra đầu tháng 5.2016, Thủ tướng đã nhận xét rằng các địa phương còn chậm báo cáo thông tin trong vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung, trong khi các bộ dù tích cực song cũng chưa có kinh nghiệm với sự cố lần đầu diễn ra trên diện rộng.
Đáng chú ý, tại buổi họp báo sau đó, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải đã công bố một số thông tin ban đầu về hai đợt kiểm tra tại Vũng Áng và Formosa mà cơ quan này thực hiện.
Theo đó, Bộ Công thương cho biết từ đầu năm 2015 đến hết tháng 4.2016, Formosa đã nhập tổng cộng 384 tấn hóa chất gồm 103 loại và vẫn còn khoảng 248 tấn trong kho...
Hơn 10 ngày sau, lãnh đạo Bộ Khoa học-Công nghệ lên tiếng “đã đủ cơ sở để khẳng định sẽ có được câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận về nguyên nhân cá chết”.
Nửa tháng sau, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ Chính phủ tháng 5 hôm 2.6,  Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa thể công bố. Lý do, theo ông Tuấn, vì đây là nhiệm vụ của nhiều tập thể, nhiều cơ quan khác nhau nên vẫn còn ý kiến chưa thống nhất, do vậy Chính phủ quyết định mời thêm các tổ chức, cá nhân phản biện độc lập để đủ cơ sở khoa học trước khi đưa ra kết luận chính thức trong tháng 6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.