Formosa, hãy bồi thường và trả lại màu xanh của biển!

30/06/2016 17:22 GMT+7

Đó là 2 ước muốn lớn nhất mà những ngư dân, những tiểu thương bị thiệt hại nặng nề do thảm họa cá chết...muốn thủ phạm gây ra thảm họa này phải làm ngay.

Cần bồi thường thỏa đáng
Ngay sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân gây ra việc cá chết hàng loạt ven biển miền trung từ tháng 4.2016 là do Formosa gây nên, PV Thanh Niên đã về thị trấn Cửa Việt (H.Gio Linh) để lắng nghe những ý kiến của người dân nơi đây.
Hàng quán dọc bãi biển Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) không bóng người

Sự bức xúc tất nhiên là có. Bởi ví như ngư dân Nguyễn Quang Đô, không bức xúc sao được khi từ một người sở hữu 1 tàu đánh cá gần bờ (công suất 75 CV) anh đã phải đi kéo cá ở Cảng Cửa Việt để kiếm thêm thu nhập, kể từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết.
Hay như tiểu thương Trần Thị Lanh (chủ quán ăn Trà My dọc bãi biển Cửa Việt) cũng khó mà nén cơn giận bởi chỉ vì cá chết hàng loạt, quán ăn của chị từ cho thu nhập 20 triệu đồng/tháng thì giờ..."treo niêu" vì chẳng có bóng thực khách ghé lại.
Từ một chủ tàu cá gần bờ, ngư dân Nguyễn Quang Đô phải đi kéo cá ở cảng Cửa Việt để kiếm thu nhập, từ ngày cá chết

“Ngư dân chúng tôi đã ngóng đợi quá lâu để đến ngày này. Giờ, Chính phủ đã tìm ra thủ phạm thì ngoài trừng trị thích đáng còn phải tính đến việc bồi thường thiệt hại cho chúng tôi. Như tôi đây thiệt đủ đường. Con cá con tôm cực nhọc đánh bắt về chằng ai mua hoặc mua rẻ như bèo. Còn tàu thì nằm bờ mãi, lâu ngày không ra biển thì nó cũng tự hỏng thôi”, ông Đô nói.
Còn chị Lanh thì cho rằng: “Làm sai thì phải bồi thường là điều tất nhiên, không phải bàn. Nhưng quan trọng ở đây là tôi mong các cơ quan cấp trên phải buộc những kẻ đã gây ra lỗi này bằng mọi giá phải trả lại cho chúng tôi vùng biển sạch như trước. Có vậy mới khôi phục được về lâu dài, chứ nếu chỉ hỗ trợ gạo muối thì cũng chỉ là vài bữa cho qua ngày”.
Một cửa hàng ăn uống dọc bãi biển Cửa Việt dang dở vì quá ể ẩm
Ông Bùi Đình Sành, Tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền KP.5 (TT.Cửa Việt) cũng đồng tình cho rằng đằng nào sự cố cũng đã xảy ra rồi, ngư dân cũng chẳng nghĩ lắm về những điều to tát. “Họ chỉ muốn kẻ nào gây ra thảm họa này thì cần phải bồi thường để họ vực dậy cuộc sống của mình. Ước vọng lớn nhất của họ là được sống, được làm ăn bình yên như những ngày trước khi vụ cá chết hàng loạt xảy ra”, ông Sành nói.
Đừng để xảy ra thảm họa tương tự
Cũng là một chủ nhà hàng dọc bãi biển Cửa Việt nhưng anh Đào Thúc Ký có một cái nhìn rất sâu sắc. “Formosa phải đền bù thiệt hại hết cho dân các tỉnh miền Trung mới được hoạt động. Khi hoạt động trở lại, các nhà máy của Formosa cần phải đảm bảo tuyệt đối về mặt môi trường. Chính phủ phải kiểm tra, giám sát liên tục...Nếu phát hiện sai phạm nữa, dù nhỏ thì vẫn sẽ xử nặng hơn lần trước đó”, ông Ký nói.
Không có khách nhưng vợ chồng ông Đào Thúc Ký vẫn dọn bàn ghế ra trong...hy vọng

Chưa hết, ông Ký còn đặt ra một đề nghị khẩn thiết đối với Chính phủ rằng trong tương lai nếu cấp phép xây dựng những dự án, những nhà máy như Formosa cần phải ra soát, thẩm định kỹ lưỡng hơn để “lịch sử không lặp lại”. “Cá, môi trường biển muốn phục hồi phải mất hàng chục năm mà lâu lâu làm 1 vụ như thế này thì không ai sống nổi đâu”, ông Ký thở dài.
Ngư dân tại tỉnh Quảng Trị mong muốn Formosa phải bồi thường và trả lại màu xanh cho biển

Liên quan đến công tác bám nắm tâm tư tình cảm của bà con vùng biển này, ông Phan Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân TT.Cửa Việt cho hay: “Chúng tôi đã nghe bà con nói nhiều. Bức xúc cũng có nhưng họ cũng rất hiểu chuyện. Bản thân tôi nhận thấy người dân chỉ muốn 2 thứ. Một là được bồi thường thỏa đáng bằng vật chất cho những mất mát của họ. Hai là được trả lại màu xanh của biền như trước kia. Điều này, rõ ràng Formosa phải gánh chịu”, ông Hùng nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay cũng đề xuất với Chính phủ buộc Formosa bồi thường cả về trước mắt và lâu dài. Đồng thời ông Đồng cũng nhắn nhủ với nhân dân hãy bình tĩnh và tin vào cách xử lý của T.Ư.
Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Quảng Trị thì thảm họa cá chết đã gây thiệt hại gần như mọi mặt đối với địa phương này: từ đánh bắt, thu mua cá đến các hoạt động ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng. Hiện con số thiệt hại ước tính ban đầu đã lên tới 2.135 tỉ đồng và số dân bị ảnh hưởng là hơn 13.000 hộ. Mặc dù tỉnh Quảng Trị đã tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ tiền, hỗ trợ gạo nhưng khó đắp đổi được số thiệt hại thực tế mà nhân dân phải gánh chịu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.