G20 đánh dấu 5 vấn đề lớn

17/11/2014 10:38 GMT+7

(TNO) Hội nghị thượng đỉnh G20 đã kết thúc sau hai ngày làm việc tại Brisbane (bang Queensland, Úc). Hội nghị G20 năm nay đánh dấu bằng 5 vấn đề lớn gồm: tăng trưởng kinh tế, dịch bệnh Ebola, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và khủng hoảng Ukraine.

Các lãnh đạo tham dự G20 - Ảnh: AFP 

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tuyên bố chung của Hội nghị G20 cho biết G20 đặt mục tiêu nâng GDP của nhóm này thêm ít nhất 2% trong 5 năm tới. Theo đó, các thành viên cam kết cải cách thực hiện khoảng 800 biện pháp để nâng mức tăng trưởng GDP của nhóm lên thêm 2,1% từ nay đến năm 2018.

Với những cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đánh giá hội nghị G20 là hữu ích. Sự đồng thuận chung trong chính sách hành động là chìa khóa để tạo ra sự tăng trưởng bền vững và tạo nhiều việc làm.

 

Phiên làm việc trong Hội nghị G20 - Ảnh: Reuters

Cam kết dập tắt dịch Ebola

Trong bối cảnh dịch bệnh Ebola đang đe dọa các quốc gia châu Phi, với 5.177 người đã tử vong và vẫn có nguy cơ lan rộng, các nhà lãnh đạo G20 đã ra tuyên bố đấu tranh chống dịch bệnh Ebola, trong đó cam kết huy động mọi nguồn lực để dập tắt dịch bệnh gây chết người này.

Các nước G20 kêu gọi những nước chưa có đóng góp tham gia cùng cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tài chính, nhân viên y tế, bác sỹ lành nghề và có trình độ, các thiết bị y tế, thuốc men và phương pháp điều trị nhằm đấu tranh chống dịch bệnh Ebola. 

Các nhà lãnh đạo G20 cũng kêu gọi Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola.

 

Các lãnh đạo G20 cam kết dập tắt dịch Ebola - Ảnh: Reuters

Biến đổi khí hậu
 
Vấn đề biến đổi khí hâu không được thảo luận nhiều trong Hội nghị G20 lần này. Tuy nhiên, thông cáo chính thức cho thấy các nhà lãnh đạo G20 đã kêu gọi việc hành động mạnh mẽ và hiệu quả để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các nước sẽ hợp tác tích cực để hướng tới hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris (Pháp) vào năm 2015. Bên cạnh đó, các nước G20 cũng tái khẳng định sự hỗ trợ, huy động tài chính cho các chương trình về môi trường như Quỹ khí hậu xanh của Liên Hợp Quốc.

Mỹ cam kết đóng góp 3 tỷ USD, Nhật Bản đã đồng ý đóng góp 1,5 tỷ USD trong khi Pháp và Đức mỗi nước sẽ đóng góp 1 tỷ USD cho quỹ.

 

Người Úc cắm đầu xuống bãi biển Bondi phản đối G20 không đưa vấn đề biến đổi khí hâu vào nghị trình - Ảnh: Reuters

An ninh năng lượng

Các nước thành viên G20 có mức tiêu thụ năng lượng chiếm hơn 80% cả thế giới, khoảng 60% sản lượng dầu khí và hơn 90% sản lượng than đá toàn cầu. Chính vì vậy vấn đề năng lượng toàn cầu được các lãnh đạo G20 ưu tiên dành một phiên họp để thảo luận.
 
Kết thúc phiên họp, các thành viên G20 đưa ra tuyên bố chung trong đó nhấn mạnh sự ổn định lâu dài của các thị trường dầu mỏ được nhìn nhận là yếu tố cốt lõi để đảm bảo thành công của những cải cách mà các thành viên G20 đã cam kết. Đó là một nhân tố để nhóm G20 đạt mục tiêu nâng tăng trưởng kinh tế của cả nhóm thêm 2,1% trong 5 năm tới.

 

Các lãnh đạo G20 nhóm họp - Ảnh: Reuters

Khủng hoảng Ukraine

Mặc dù không nằm trong chương trình nghị sự của G20 nhưng những vấn đề xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine lại là nội dung rất được quan tâm tại hội nghị lần này. Tại đây đã diễn ra hàng loạt các cuộc gặp song phương và đa phương bên lề hội nghị nhằm tìm ra một giải pháp giúp tháo gỡ thế bế tắc hiện nay.

Lãnh đạo các nước phương Tây bao gồm cả Tổng thống Mỹ Obama đã liên tục gây áp lực và chỉ trích Nga. Lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Úc đã thống nhất trong việc phản đối Nga sáp nhập Crimea, đồng thời lên án những động thái làm mất ổn định tại miền đông Ukraine.

 

Lãnh đạo các nước phương Tây bao gồm cả Tổng thống Mỹ Obama đã liên tục gây áp lực và chỉ trích Nga - Ảnh: Reuters

Trong một cuộc họp báo ngày 16.11, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng có cơ hội tốt để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine nhưng ông cũng khẳng định việc áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ gây hại cho tất cả các bên.

Ngoài 5 vấn đề chính, bên lề Hội nghị G20 cũng đề cập đến các tranh chấp trên biển và những khẳng định của Tổng thống Mỹ Obama về chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.

Ngọc  Mai

>> Trung Quốc tổ chức G20 năm 2016
>> Tổng thống Putin mệt mỏi rời G20 sớm
>> G20 đặt mục tiêu tăng trưởng hàng nghìn tỉ USD
>> Những khoảnh khắc 'cô đơn' của Tổng thống Putin tại G20
>> Các quốc gia G20 cần đẩy mạnh cuộc chiến chống Ebola
>> G20 ‘không phải chỗ để tán phét’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.