Câu chuyện cảm động: Game "đánh bại" bệnh ung thư

19/02/2014 18:00 GMT+7

Một câu chuyện có thật về việc trò chơi điện tử giúp một thiếu niên đánh bại căn bệnh ung thư và đóng vai trò nhịp cầu giúp em trở lại cuộc sống bình thường.

Steven Gonzalez mới chỉ là một cậu bé 12 tuổi khi các bác sĩ chẩn đoán em bị suy bạch cầu cấp tính, một dạng hiếm của ung thư là nguyên nhân của tình trạng thiếu, nhiễm trùng máu thường xuyên và gây đau đớn.

Em cũng được cảnh báo chỉ có 2% cơ hội sống sót và được đề nghị phải rời ghế nhà trường, bạn bè của mình để trải qua quá trình điều trị khắc nghiệt tại bệnh viện. Tuy nhiên, tại đây Gonzalez lại có cơ hội... chơi game một cách thoải mái.

Trong những lúc một mình hoặc cùng bố thả tâm trí vào thế giới ảo thông qua game, các triệu chứng đau đớn, buồn nôn và mệt mỏi của Gonzalez hầu như biến mất. Trò chơi điện tử đã chứng tỏ nó có thể trở thành liệu pháp tốt giúp giảm thiểu sự tàn phá về tâm lý lẫn vật lý của quá trình điều trị.

Đặc biệt là khi hóa trị và thay máu bằng cấy ghép tủy từ tế bào gốc, hai giai đoạn khó khăn và đau đớn nhất. Bệnh nhân trong suốt quá trình này thường phải chịu cách ly 30 ngày tại bệnh viện và 100 ngày tại nhà. Gonzalez cho quãng thời gian này là thử thách mà em phải vượt qua để trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

5FS31HWzyVo

Năm năm sau, vào tháng 8.2012, Gonzalez đã đứng trước hàng ngàn khán giả tại TEDxSugarLand và kể lại khoảng thời gian khi còn là một bệnh nhân ở bệnh viện MD Anderson Cancer Center, thành phố Houston.

Gonzalez chia sẻ: "Em đã gặp hai đứa trẻ có cùng tình yêu đối với game. Khi chúng em bắt đầu nói chuyện, thế giới liên quan đến ung thư dường như tan biến". Từ chính kinh nghiệm của bản thân và nhiều bệnh nhi khác trong quá trình điều trị chung, Gonzalez muốn nói với cả thế giới về sức mạnh chữa lành của trò chơi điện tử.

Em cũng tham gia thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên The Survivor Games để giúp xây dựng cầu nối giữa các nhà phát triển game và những bệnh nhân ung thư cũng như tất cả mọi người với nhau.

Chơi game chống lại ung thư

Steven Gonzalez đã tham gia một trại Hướng đạo sinh vào tháng 10.2007, sau đó em thức dậy với một khuôn mặt sưng húp. "Em đã được đưa đến phòng khám và sau đó chuyển đến bệnh viện vì có vẻ kết quả phòng khám không chính xác", Gonzalez nhớ lại, "và em có cảm giác chẳng lành."

Ban đầu, em được chẩn đoán bị dị ứng hay côn trùng cắn tuy nhiên cần phải chờ bác sĩ xem xét các kết quả kiểm tra. Gonzalez đã nhập viện vào đúng đêm Halloween, đó là khoảng thời gian đau đớn và sợ hãi vì không ai chắc chắn được phác đồ điều trị cho em.

Cuối cùng kết quả cũng đến và cách điều trị duy nhất cho bệnh suy bạch cầu cấp tính mà em mắc phải chính là cấy ghép tủy xương. Tuy nhiên, Gonzalez lại mang dòng máu lai Puerto Rico và Mexico, việc tìm kiếm mẫu thích hợp cho em trong ngân hàng tủy là gần như không thể.

Game đã giúp Steven Gonzalez chống chọi căn bệnh ung thư quái ác (Ảnh: Wordpress)

Các bác sĩ đã xét nghiệm tất cả thành viên gia đình Gonzalez, nhưng không ai trong số họ thích hợp. Kế hoạch B được đưa ra là ghép tế bào gốc, một quá trình đau đớn mà Gonzalez phải đối mặt sau ba tháng hóa trị.

Ngồi trên giường bệnh của mình, khó chịu, buồn nôn và người chằng chịt các ống dẫn và kim tiêm, Gonzalez đã chơi Marvel: Ultimate alliance cùng bố trong khi các bác sĩ tiến hành đưa tế bào mới vào cơ thể em thông qua tĩnh mạch. Họ chơi nửa chừng thì ngưng vì bố em mỏi mắt khi nhìn chằm chằm vào màn hình nhỏ của TV, Gonzalez cũng ngủ thiếp vì mệt mỏi. "Khi em tỉnh dậy, mọi thứ đã được thực hiện xong" Gonzalez nhớ lại.

Những tháng tiếp theo là khoảng thời gian bị cô lập khi hệ thống miễn dịch của Gonzalez tái tạo lại từ đầu. Em bị ốm và nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong thời gian này em đã lấy chiếc máy tính, quà tặng từ quỹ Make-A-Wish Foundation và tự học iMovie, phần mềm làm phim hoạt hình 3D và một số chương trình khác.

Gonzalez đã tự mình làm ra một trò chơi và đặt tên cho nó là Play against cancer (hay P.A.C). Game có 18 cấp độ mà trong đó người chơi điều khiển một nhân vật tương tự Pac-Man và bắn đạn vào các tế bào ung thư màu xanh.

Em đem bản sao của trò chơi cho các bệnh nhi khác chơi vào dịp Giáng sinh và chúng báo lại cho em những lỗi chúng phát hiện khi chơi. "Bọn trẻ yêu thích trò chơi và luôn muốn nói về nó" Gonzalez nói.

  

Tựa game Play against cancer mà Gonzalez tạo ra trong quá trình nằm viện (Ảnh: Polygon)

Đây cũng là thời điểm quan trọng khi Gonzalez nhận ra: "Em đã biết được lợi ích của trò chơi điện tử". Gonzalez cùng chú của em đã dùng cách này để có thể giúp các bệnh nhi khác, khiến game như một lối thoát cho các cơn giận dữ, nỗi thất vọng hay sợ hãi khi bị ung thư, đem lại một cảm giác kiểm soát bản thân. Chú của Gonzalez cho biết: "Chúng tôi muốn đem lại cho tất cả các bệnh nhi ung thư một hy vọng rằng tất cả điều này chỉ là khởi đầu cho cuộc chiến chống lại căn bệnh".

Đây cũng chính là mục đích hướng đến của chương trình Arts in Medicine được thực hiện tại bệnh viện nơi Gonzalez được điều trị, do Ian Cion làm giám đốc. Công việc chính của chương trình này là tạo điều kiện và hỗ trợ các bệnh nhi trong các dự án nghệ thuật thuộc tất cả lãnh vực.

Nghệ thuật trong y học

Ông Cion cho biết: "Khi bạn bước vào một căn phòng mà không khí hoàn toàn thiếu sinh khí, nơi những bệnh nhi đang phải chống chọi với bệnh tật qua những cơn đau đớn, nôn mửa, chính lúc đó bạn mới nhận ra tác dụng của sự sáng tạo."

"Thay thế nước mắt sẽ là những nụ cười trên gương mặt các bệnh nhi khi chúng bắt đầu tập trung vào một dự án sáng tạo nào đó." Về mặt sinh lý cũng chứng minh công hiệu của liệu pháp này, ông lập luận: "Cơ thể bạn sản sinh ra endorphin, chất ức chế các cơn đau, tuy nhiên quá trình này lại bị ngưng lại khi bạn trong trạng thái lo lắng. Điều này đồng nghĩa với việc tham gia hoạt động sáng tạo sẽ khiến các bệnh nhi quên đi nỗi đau."

Công việc của Cion chính là tạo điều kiện cho các bệnh nhi tham gia vào các hoạt động như vẽ tranh hay làm phim hoạt hình, gần 2.000 trẻ bị ung thư được tham gia chương trình này mỗi năm. Tuy gặp nhau không bao lâu nhưng Gonzalez và Cion đã cùng nhau thực hiện một số dự án thông qua trò chơi điện tử để hỗ trợ bệnh nhân và gia đình cùng nhau vượt qua quá trình điều trị. "Trò chơi cho phép mọi người kết nối lại với nhau theo cách mà họ cảm thấy ít e ngại", Cion chia sẻ.

Hồi phục

Steven Gonzalez bắt đầu thuyên giảm vào cuối thời gian cách ly của mình, em có thể trở lại cuộc sống bình thường, được đi học, đi chơi với bạn bè và tham gia vào các hoạt động mình yêu thích. Sau đó, em thường xuyên trở lại bệnh viện MD Anderson để chia sẻ với các bệnh nhi tại đây trò chơi do em làm cũng như những đĩa game mà em quyên góp được.

Gonzalez dần hồi phục sau quá trình điều trị cách ly tại bệnh viện (Ảnh: Polygon)

Tác động tích cực của game trên chính Gonzalez và những đứa trẻ mắc bệnh ung thư khác thật sự ấn tượng. "Trò chơi gần như đã có thể tạo ra một thế giới mà ung thư không tồn tại", em nói. "Khi được thoải mái nói chuyện với bạn bè về một chủ đề thú vị trong game, các bạn dường như thoát hẳn khỏi thực tại, chìm đắm trong một không gian mà nơi đó căn bệnh ung và những cơn đau biến mất. Nó hoàn toàn phá vỡ rào cản tinh thần mà ung thư đã tạo ra."

"Trò chơi gần như đã có thể tạo ra một thế giới, nơi mà ung thư không tồn tại."

Một ý tưởng đã nảy sinh trong tâm trí của Gonzalez về việc tạo ra một mạng xã hội được thiết kế đặc biệt nhằm kết nối những trẻ em bị bệnh với nhau thông qua game. Vào giữa năm 2012 ý tưởng này đã có một bước tiến lớn để trở thành hiện thực khi em nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ bố và cả những chuyên gia có tâm huyết.

Tháng 8.2012, cậu bé 17 tuổi Gonzalez hoàn toàn khỏe mạnh đã đứng trên sân khấu của tổ chức TEDxSugarLand với bài thuyết trình khiến khán giả mê mẩn. Em đã bình tĩnh chia sẻ câu chuyện chiến thắng căn bệnh ung thư và vai trò của trò chơi điện tử đối với quá trình hồi phục hồi của mình.

"Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có lúc cảm thấy mình được tách ra khỏi thế giới mà chúng ta biết. Nhưng thông qua sức mạnh chữa lành của các game, chúng ta có thể giảm bớt đau đớn, mang lại ý thức cộng đồng và là cầu nối giúp chúng ta trở lại cuộc sống bình thường. Đó chính là sự kỳ diệu của sức mạnh chữa lành của trò chơi."

Những trò chơi mang sứ mạng cứu sống

Trò chơi là cách thức tuyệt vời để tiếp cận các bệnh nhi ung thư. Các nhà nghiên cứu cũng đã có kết quả tích cực về các game nhắm vào việc giáo dục bệnh nhi về tình trạng căn bệnh của họ và hậu quả của việc không uống thuốc đúng giờ.

Trò chơi bắn súng góc nhìn thứ ba Re-mission của HopeLab chính là một trong những game điển hình cho mục đích trên. Người chơi sẽ tham gia một chuyến phiêu lưu xuyên qua hệ thống miễn dịch của cơ thể với nhiệm vụ phá hủy các tế bào ung thư. Trò chơi đòi hỏi sự hợp tác của một đội ngũ gồm các kỹ sư thiết kế game, các nhà sinh học tế bào, các chuyên gia ung thư, nhà tâm lý học và cả các bệnh nhân ung thư trong suốt sáu năm để tạo ra và hiện tại đã có thể chơi trực tuyến.

Trò chơi bắn súng góc nhìn thứ ba Re-mission của HopeLab

Patient empowerment, kết quả của một nỗ lực hợp tác giữa Đại học Utah và Trung tâm Utah Primary Children's Medical trong năm 2011 cũng là một game tương tự có mục đích giúp điều trị bệnh nhi. Trò chơi lấy ý tưởng từ việc quan sát quá trình trị liệu để đem lại động lực cho bệnh nhân cố gắng hơn. Các nhân vật trong trò chơi sẽ truyền cảm hứng cho người chơi chống lại bệnh tật và tiếp tục quá trình điều trị cũng như đem lại cho họ tinh thần, đó là không có gì không thể vượt qua trong cuộc sống.

Những trò chơi vận động trên Nintendo Wii cũng là một cách hiệu quả để thúc đẩy hoạt động thể chất và nâng cao tinh thần của bệnh nhân lớn mắc bệnh ung thư. Hầu hết các bệnh nhân đều tạm quên đi ý thức thời gian và cảm thấy được thoát ra các thói quen buồn chán hằng ngày tại bệnh viện. Đa số cũng cho biết tâm trạng cũng được cải thiện sau khi chơi game.

Trẻ em chơi game trên máy Wii tại bệnh viện (Ảnh: Business Wire)

Những tổ chức từ thiện như Child's Play, Extra Life và GamesAid cũng quyên góp hàng triệu đô la mỗi năm nhằm cung cấp những máy chơi game, trò chơi, đồ chơi và hàng loạt các dịch vụ khác dành cho trẻ em mắc bệnh tại các bệnh viện trên toàn thế giới. Các tổ chức này cho biết ngay cả khi trò chơi không có thể chữa khỏi bệnh ung thư trong mọi trường hơp thì ít nhất nó cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị.

"Nếu em có thể đánh bại một con quái cao 5m trong game thì căn bệnh ung thư chẳng có nghĩa lý gì!"

Gonzalez cho biết các trò chơi mang sứ mạng cứu sống thường có tính xây dựng. Người chơi sẽ cố gắng phát triển nhân vật của mình hết mức có thể. Em chia sẻ: "Đôi lúc bạn cảm thấy như mình đang để thua căn bệnh ung thư nhưng lại có thể đánh bại một cái gì đó khác. Nó cho bạn động cơ kiểu như nếu em có thể đánh bại một con quái vật cao năm mét trong game thì căn bệnh ung thư chẳng có nghĩa lý gì."

Gonzalez và những người ủng hộ em đang cố gắng làm việc với các nhà phát triển game độc lập, các bệnh viện và bệnh nhân trong dự án The Survivor Games nhằm kết nối tất cả lại với nhau trong một mục đích chung là xóa mờ mọi khoảng cách và đem các bệnh nhi lại với nhau thông qua niềm đam mê với trò chơi điện tử.

Còn quá sớm để nói dự án này có đạt được thành công hay không nhưng người sáng lập của nó luôn hy vọng. "Những người mà chúng tôi đã gặp gỡ cho đến nay đều thực sự tỏ ra rất cởi mở và có nhiều ý tưởng khác nhau để đóng góp vào dự án", Gonzalez nói. "Ngay cả khi họ không lập tức tham gia thì vẫn rất sẵn lòng hợp tác sau vài lời giải thích, nhất là sau khi nghe câu chuyện của em thì đa số đều ủng hộ. Điều đó thực sự tuyệt vời."

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.