Các bàn phím cơ từ 4 đến 6 triệu đồng tiêu biểu

16/10/2018 12:00 GMT+7

Đối với các bàn phím mua trực tiếp từ hãng so với các sản phẩm thuộc mảng “custom” (người dùng tự sản xuất), đây là khung giá cao nhất. Ở nhóm sản phẩm này, trải nghiệm soạn thảo và tiện dụng luôn đặt lên hàng đầu.

Người dùng có thể vẫn phải hi sinh một số tính năng (phần cứng, phần mềm) và thiết kế. Nhưng khi nhà sản xuất cho biết bàn phím của họ được sản xuất cho một nhu cầu nào đó, rõ ràng các sản phẩm dưới đây đều làm rất tốt công việc được giao.

Leopold FC980C

Mặc dù hơi nhỉnh hơn so với khung giá một chút (6,2 triệu đồng) nhưng con số không chênh lệch nhiều nên Thanh Niên Game mạnh dạn đưa sản phẩm này vào danh sách.

Thiết kế và bố trí bàn phím của FC980C đơn giản, cắt gọt một chút ở phần phím điều hướng để có thân hình nhỏ hơn một chút so với các bàn phím kích thước đầy đủ khác. Nếu so với các bàn phím cơ tenkeyless, FC980C không dài hơn bao nhiêu.

Nắp phím (keycap) đi kèm với FC980C sử dụng chất liệu nhựa PBT với độ dày 1mm. Đây là tiêu chuẩn chung cho hầu hết các bàn phím cơ sử dụng switch Topre. Không có bộ keycap của bên thứ ba nào có thể so sánh được về chất lượng với các keycap kể trên, trừ khi bạn muốn thay đổi nhẹ một vài phím để tạo phong cách cá nhân. Chất liệu lớp vỏ mà Leopold đã trang bị cho FC980C rất cao cấp, với tấm đỡ kim loại và nhựa dày.

 

FC980C sử dụng switch Topre, loại switch cao cấp nhất ở thời điểm hiện tại. Mặc dù phải bỏ ra tới 6,2 triệu đồng nhưng những trải nghiệm mà switch Topre đem lại cho bạn sẽ khó tìm được ở đâu. Cảm giác bấm phím mượt mà, cho cả tác vụ soạn thảo hoặc chơi game.

Tuy nhiên, FC980C lại không có đèn nền, nên khó có thể làm hài lòng các game thủ đòi hỏi “cái đẹp” hàng đầu. Trên FC980C, người dùng có thể bấm bao nhiêu phím cùng lúc thì bàn phím cũng có thể hiểu được đầy đủ, không có bất kì một giới hạn nào cả.

Razer Huntsman Elite

Đã từ lâu Razer không còn sử dụng switch Cherry MX cho các sản phẩm bàn phím cơ của mình, mà phát triển dòng switch riêng (vẫn giữ thiết kế của Cherry MX phục vụ dân chơi keycap). Razer Huntsman Elite có mức giá 5,5 triệu đồng được trang bị switch quang mới do hãng sản xuất, dành cho đối tượng người dùng game thủ.

Thiết kế của Huntsman Elite không khác nhiều so với các bàn phím cơ khác của Razer. Độ cao của phím vừa phải, lớp vỏ của sản phẩm sử dụng khung nhôm, đem lại cảm giác hiện đại. Dĩ nhiên, dù được thiết kế để chơi game nhưng nếu muốn dùng cho các tác vụ văn phòng thì cũng rất tiện.

Để đem lại sự khác biệt trong thiết kế, Razer còn trang bị cho phần đỡ tay của Huntsman Elite đèn nền bên dưới. Trừ khi sử dụng trong phòng tối, ánh sáng phát ra dưới đệm đỡ tay nhìn chung là hơi yếu.

Nói một chút về switch quang cơ tím của Razer, các switch này có độ phản hồi tương tự như Cherry MX Blue, nhẹ hơn một chút. Âm thanh thì vẫn giống như Cherry MX Blue. So với các switch do các hãng khác sản xuất, kể cả Cherry MX chỉ có tuổi thọ 50 triệu lần bấm, switch mới của Razer cho biết có thể sử dụng liên tục 100 triệu lần nhấn.

Người dùng có thể thiết lập hồ sơ hiển thị đèn LED RGB cho từng phím hoặc theo các tựa game đang được Razer hỗ trợ.

Corsair K95 RGB Platinum

Đây là sản phẩm cao cấp nhất trong dải bàn phím cơ K series của Corsair, với tên gọi Platinum. Hãng bổ sung thêm từ khóa RGB để người dùng phân biệt đây là bàn phím có thể hiển thị 16,8 triệu màu đèn LED nền cho từng phím riêng biệt.

K95 RGB Platinum với mức giá 4,99 triệu đồng là bàn phím có kích thước đầy đủ, với 104 phím ANSI và hệ thống nút điều khiển ứng dụng giải trí đa phương tiện. Sản phẩm cũng được trang bị các nút chuyển đổi hồ sơ nhanh cho người dùng, đồng thời phím khóa nút Windows cho game thủ.

Bề mặt keycap của K95 RGB Platinum có độ bám nhất định, không trơn trượt. Mỗi một phím có thể được thiết lập để kích hoạt tổ hợp các lệnh khác nhau thông qua phần mềm CUE – Corsair Utility Engine.

Sản phẩm có 2 lựa chọn switch – Cherry MX Speed hoặc Brown – cho người dùng lựa chọn tùy theo nhu cầu (chơi game, soạn thảo, hoặc đơn giản chỉ là sở thích cá nhân). Cherry MX Speed là sự hợp tác độc quyền giữa Cherry và Corsair, biến thể cải tiến của Cherry MX Red, cho ra hành trình phím ngắn để đạt tốc độ thao tác cực nhanh.

Hiệu ứng RGB LED của Corsair là gần như không có đối thủ, nhờ vào sự đóng góp của cộng đồng chơi phím cơ nói chung và người dùng trung thành của Corsair nói riêng. Bản thân từng phím của K95 RGB Platinum đều có thể được thiết lập màu sắc và hiệu ứng hiển thị khác nhau (kể cả ngẫu nhiên), và khi kết hợp lại, sẽ cho ra hiệu ứng tổng thể rất đẹp. Sau khi thiết lập hiệu ứng xong, người dùng có thể lưu lại và chia sẻ cho người khác cùng sử dụng. Bản thân CUE cũng cho người dùng 10 hiệu ứng LED mặc định khác nhau.

K95 RGB Platinum có cổng USB mở rộng, tiện cho người dùng cắm thêm bút nhớ hoặc sạc điện thoại mà không bị vướng.

Ducky Year of the Dog

Không chạy đua về linh phụ kiện bên trong, Ducky tạo điểm nhấn cho mình bằng những phiên bản có thiết kế đặc biệt, keycap giới hạn. Một trong số đó là chuỗi bàn phím được vẽ theo cung hoàng đạo Á Đông. Năm Mậu Tuất (2018), Ducky có sản phẩm Ducky YoTD (Year of the Dog) với tông màu cơ bản gồm khung xanh và đáy đen cùng keycap trắng.

Với chủ đề là hình xăm kết hợp với cung hoàng đạo, Ducky đã hợp tác với Michael Chan, nhà sáng lập Hong Kong Tattoo để “xăm mình” cho đứa con của mình.

Sản phẩm có kích thước đầy đủ, sử dụng đèn LED RGB và sử dụng các switch Brown, Red và Blue, được bán ra với mức giá 5,88 triệu đồng. Nếu muốn trải nghiệm thiết kế độc lạ nhưng tiết kiệm hơn một chút, có thể mua Ducky YoTR (Year of the Rooster – Năm con gà) với mức giá 5 triệu đồng, với cùng một ý tưởng thiết kế như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.