Giải mã tốc độ quét màn hình: 60Hz, 90Hz và 120Hz

Tôn Bảo
Tôn Bảo
03/04/2020 08:46 GMT+7

Cuộc cạnh tranh công nghệ màn hình đã rẽ sang một bước ngoặc mới: cải thiện tốc độ quét màn hình. Các sản phẩm cao cấp nhất hiện nay, đều được trang bị tốc độ quét 90Hz và 120Hz. Điều đó đem lại khác biệt như thế nào cho trải nghiệm người dùng?

Lợi ích của việc có tốc độ quét màn hình cao (90Hz và 120Hz) và cách hoạt động của các tấm nền như vậy thường bị xem nhẹ. Game và các nội dung giải trí có sự mượt mà hơn đáng kể, nhưng liệu sự đánh đổi với thời lượng dùng pin có đáng giá?

Tốc độ quét màn hình là gì?

Màn hình không hề tĩnh. Nội dung và các chuyển động có thể hiển thị mượt mà trên màn hình điện thoại là bởi mỗi điểm ảnh cập nhật vào màn hình các nội dung mới nhất được truyền tải lên từ vi xử lý của thiết bị. Nhưng điều đó không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Các tấm nền cập nhật nội dung theo một chu kì cố định, được biết đến với định nghĩa tốc độ quét màn hình.

Tốc độ quét màn hình đo số lần màn hình điện thoại cập nhật nội dung. Nói cách khác, đó là tốc độ nội dung được “làm mới” trên màn hình. Chỉ số để đo lường tốc độ này là Hertz (Hz). Màn hình 60Hz làm mới màn hình hiển thị 60 lần/giây, 90Hz tương đương với 90 lần làm mới trong một giây, và điện thoại với màn hình 120Hz thay đổi nội dung 120 lần/giây. Có thể thấy, các điện thoại sở hữu màn hình 120Hz có tốc độ làm mới nhanh gấp đôi các tấm nền 60Hz, và nhanh hơn 4 lần so với các TV đời cũ 30Hz.

So sánh các thông số

Như đã nói, 120Hz làm mới màn hình nhanh hơn 4 lần so với 30Hz và 2 lần so với 60Hz, đem lại trải nghiệm hình ảnh và chuyển cảnh mượt mà hơn.

Tốc độ quét màn hình nhanh hơn cũng đồng nghĩa với việc độ trễ thấp hơn, bởi các điểm ảnh liên tục được tái tạo. Ví dụ, mất 16,6ms (mili giây) để làm mới hoàn toàn màn hình có thông số 60Hz, 11,1ms đối với 90Hz và chỉ 8,3ms trên màn hình 120Hz. Tốc độ quét màn hình không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến độ trễ, nhưng là một nhân tố quan trọng.

Màn hình điện thoại không làm mới toàn bộ diện tích bề mặt trong 1 lần tái tạo nội dung. Thay vào đó, mỗi hàng dọc các điểm ảnh lần lượt được làm mới cho đến khi toàn bộ bề mặt được bao phủ bởi các nội dung mới theo tốc độ được cài đặt. Bạn có thể thấy rõ nhất sự khác biệt này là khi ghi hình ở tốc độ chậm (240 khung hình/giây trở lên) một màn hình điện thoại đang hoạt động, và bạn sẽ thấy màn hình nhấp nháy khi nhìn qua góc nhìn trên thiết bị quay có tốc độ quét 120Hz.

Bên cạnh tốc độ quét màn hình, còn có tốc độ lấy mẫu, đánh giá một khía cạnh hoàn toàn khác. Thông số này cũng được đo bằng Hz, nhưng với ý nghĩa số lần màn hình cảm ứng tìm kiếm mệnh lệnh từ các “cú chạm” của người dùng trong mỗi giây. Tốc độ lấy mẫu cảm ứng cao hơn đồng nghĩa với việc độ trễ khi nhập lệnh (chạm hoặc trượt) và hành động ngắn đi, rất quan trọng trong các tựa game cần thao tác nhanh.

Lợi thế của tốc độ quét màn hình cao

Các màn hình có tốc độ quét cao - từ 90Hz đến 120Hz và hơn nữa - giúp cho các nội dung chuyển động nhanh được hiển thị mượt mà hơn. Tuy nhiên, hầu hết các nội dung, như lướt qua các email và tương tác với giao diện Facebook không thực sự có ích lợi nhiều khi sử dụng các màn hình có tốc độ cao hơn 60Hz. Nên nhớ, nhiều nội dung video hiện tại vẫn còn đang ở tiêu chuẩn 24 khung hình/giây (hay 24Hz). Nhưng đối với các ứng dụng và nội dung có nhiều hiệu ứng đồ họa chuyển động, tốc độ quét màn hình 120Hz sẽ đem lại trải nghiệm mượt mà hơn rất nhiều.

Tốc độ quét màn hình có sự khác biệt lớn nhất khi chơi game. Tốc độ quét và tốc độ lấy mẫu cảm ứng cao đem lại các ảnh hưởng đáng kể bởi độ trễ của quá trình nhập lệnh/nhận lệnh thấp và do đó, game play diễn ra mềm mại. Game thủ máy tính được hưởng lợi rất nhiều từ các màn hình 120Hz và 144Hz. Và năm 2020 sẽ là thời điểm game thủ di động cũng có được các lợi thế đó, dù màn hình điện thoại rất nhỏ. Điểm trừ lớn nhất ở các thiết bị có tốc độ quét màn hình cao là vi xử lý sẽ phải làm việc nhiều hơn, qua đó tốn nhiều pin hơn.

Một điểm yếu khác của các màn hình điện thoại có tốc độ quét cao hiện tại, là độ phân giải của các thiết bị vẫn chưa được nâng cao hơn FullHD+ vì nhiều lý do như giá thành tấm nền, công nghệ sản xuất, và như đã nói ở trên, thời lượng dùng pin sẽ ảnh hưởng. Tuy nhiên, giải pháp hiện tại (tạm thời) để bù vào lượng điện năng tiêu thụ trên điện thoại có độ phân giải cao 2K, giúp thiết bị có thể hoạt động mượt mà ở tốc độ quét 120Hz, là sử dụng công nghệ sạc siêu nhanh. Công nghệ pin trên điện thoại hiện tại đã khá lỗi thời, và hi vọng với sự nâng cấp tích cực từ tốc độ quét màn hình, ngành công nghiệp pin sẽ có cú hích đủ mạnh để ra đời những công nghệ ấn tượng hơn.

Kết luận

Sở hữu một thiết bị với màn hình có tốc độ quét 120Hz thực sự đem lại sự khác biệt rất lớn về mặt trải nghiệm. Khác với màn hình máy tính vốn chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm hình ảnh, màn hình điện thoại có tốc độ quét và tốc độ lấy mẫu cảm ứng cao đem lại trải nghiệm hình ảnh và cảm ứng tốt và rõ rệt hơn nhiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.