Làng game Việt tiếp tục tiễn đưa nhiều sản phẩm chất lượng về... 'đất mẹ'

12/04/2017 08:12 GMT+7

Game "mì ăn liền" đóng cửa là một điều không quá lạ lẫm, thế nhưng ngay cả những sản phẩm chất lượng cũng không thoát khỏi thảm cảnh...

Với tấn suất từ 1-2 game online ra mắt mỗi ngày tại thị trường Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận sức phát triển của game online hiện hành là rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy, các nhà phát hành đang có sự cạnh tranh khách hàng rất lớn ở thị trường này, bằng những sản phẩm đủ loại "thượng vàng hạ cám".
Chính vì thế, game mới ra mắt, đồng nghĩa với việc những game online cũ hơn sẽ giảm thiểu người chơi, nguồn thu nhập dần giảm sút. Do đó, đã có hàng loạt sản phẩm không còn đủ sức cạnh tranh, dẫn tới buộc phải đóng cửa khi chỉ mới xuất hiện trên thị trường chưa lâu.
Theo thống kê của Thanh Niên Game, từ đầu năm 2017 cho đến nay, làng game Việt đã phải chia tay với khoảng 15 tựa game. Trong đó, đa phần đều là các thể loại webgame, game mobile không được đánh giá cao bởi đồ họa và gameplay thiếu điểm nhấn. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm thuộc loại "hàng tuyển" như Boom Online, Kiếm Ma, Hỏa Long Thần Kiếm,... hay mới đây nhất chính là bộ ba Tiểu Lý Phi Đao 3D (VTC Mobile), Bách Chiến Vô Sóng 2 (VNG) hay Đại Hải Trình (2T-Trường Tồn). Có thể nói đây là những mất mát khó lòng bù đắp đối với cộng đồng game thủ Việt.
Cụ thể, webgame Đại Hải Trình hiện đã chính thức đóng cửa vào ngày 7.4 vừa qua, Tiểu Lý Phi Đao sẽ ngưng hoạt động vào 30.4 sắp tới, trong khi đó, Bách Chiến Vô Song 2 sẽ cố "nán lại" với game thủ Việt đến mùa hè sắp tới (6.6). Cả 3 sản phẩm này đều từng được cộng đồng game thủ đánh giá rất cao và từng là những sản phẩm chủ lực của các đơn vị phát hành trong suốt thời gian dài, tuy nhiên cuối cùng tất cả đều không tránh khỏi án tử.
Trong khoảng 3 tháng đầu năm 2017 này, thị trường Việt đã cho ra mắt hơn 40 sản phẩm game mới, do đó nếu xét về "hiệu số" giữa game mới và game đóng cửa, có thể nói rằng làng game vẫn đang ở trạng thái "vào guồng". Tuy nhiên, thời điểm này lại đánh dấu một số sự kiện khá tiêu cực xảy ra, tiêu biểu như sự đi xuống của một số nhà phát hành tên tuổi. Nhiều sản phẩm được đánh giá là chủ lực cũng dính phải những scandal không đáng có, từ cách vận hành, quảng bá cho tới việc bị hacker hoành hành trong game. Thậm chí, những cách quảng bá sản phẩm theo kiểu phản cảm giật gân, "xào nấu" hay "chôm chỉa" nội dung, đi ngược lại tinh thần sáng tạo và vi phạm bản quyền cũng có dấu hiệu "đội mồ sống dậy".
Rõ ràng, làng game Việt đang cần một hướng đi tích cực hơn để hạn chế tối đa những lần "tiễn đưa" như thế này...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.