AMD: "Chiêu bẩn" của Nvidia đang làm tổn hại thị trường

29/05/2014 18:00 GMT+7

Khi nói đến khái niệm game trên PC, một cuộc chiến tranh lạnh không hồi kết đã và đang diễn ra khốc liệt - lẽ dĩ nhiên ai cũng biết đó là giữa 2 “đại gia” AMD và Nvidia.

Nhiều khía cạnh được mang lên bàn cân mổ xẻ, chẳng hạn như tính tối ưu hóa của bộ điều khiển, những tính năng độc quyền của mỗi hãng, các phần mềm tương thích, và khả năng hỗ trợ của mỗi hãng cho các nhà sản xuất. 

AMD vs Nvidia

(Ảnh: Ubisoft)

Tựa game Watch dogs đến từ Ubisoft là game PC gần đây nhất sử dụng ưu thế của Nvidia GameWorks, một gói công cụ cho phép nhà phát triển tạo ra những hiệu ứng đồ họa xứng tầm với câu slogan kinh điển của Nvidia: “The way it’s meant to be played” (tạm dịch: Chơi đúng tầm là phải thế). Với sự hỗ trợ của những công nghệ độc quyền như TXAA và Shadow Works, vô số những hiệu ứng đồ họa đã được nâng cấp, như khói lửa, sấm sét, vân bề mặt của các mô hình... Nói ngắn gọn, sự phối hợp giữa các kỹ sư của Nvidia và nhà phát triển game là vô cùng đồng điệu và ăn ý.

Một vài thí dụ khác cho những tựa game sử dụng Nvidia GameWorks là Batman: Arkham origins, Assassin’s creed IV: Black flag, và Watch dogs.

Như cái tên đã nói quá rõ, lẽ dĩ nhiên là bộ công cụ Nvidia GameWorks chỉ tương thích với chính Nvidia, những đối tác phát triển của họ, và người dùng những card màn hình của họ. Và khoảng này đã chiếm cứ một phần lớn của thị trường. Theo lời của Robert Hallock, đại diện của AMD, thì sự độc chiếm này quả là tai hại đối với “hệ sinh thái” của giới game trên PC. 

AMD vs Nvidia

Hallock cho biết: “GameWorks đại diện cho một mối hiểm họa đáng sợ của sự cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách kềm hãm đáng kể hiệu năng của những sản phẩm AMD (chiếm khoảng 40% thị trường) để mở rộng thị phần cho sản phẩm Nvidia. Khi chấp nhận sử dụng GameWorks, các lập trình viên gần như nói không với tất cả các thuật toán và ngôn ngữ thường dùng của AMD - mặc dù chúng có thể cường hóa hiệu suất của sản phẩm lên thêm nữa”.

Như vậy nghĩa là một studio đối tác như Ubisoft có thể đề nghị hoặc đích thân chỉnh sửa thư viện của GameWorks để phù hợp với công việc của mình hơn, nhưng AMD thì không có quyền lên tiếng để được hỗ trợ. 

AMD vs Nvidia

(Ảnh: Eurogamer)

Hallock tiếp tục: “Những thuật toán mặc định khiến chúng tôi rất khó thao tác những tính năng liên quan đến các sản phẩm không phải của Nvidia, và bản thân tựa game bị kềm nén bởi những giới hạn vô lý. Điều này thể hiện rõ nhất qua quyết định của Nvidia khi họ loại bỏ tất cả các đoạn mã miễn phí sử dụng Direct3D vì vấn đề bản quyền để buộc lập trình viên phải bỏ tiền ra mua của họ”.

Hallock kết luận: “Bản thân tôi cảm thấy không có gì sai khi một công ty làm mọi cách để bảo mật những thông tin công nghệ của mình trước đối thủ. AMD chỉ cảm thấy không hài lòng vì cách làm của chúng tôi không giống như vậy. Chúng tôi tương tác với các nhà phát triển game một cách công khai và vui vẻ với tinh thần chia sẻ. Chúng tôi cho rằng khi trao cho một lập trình viên toàn quyền chỉnh sửa các đoạn mã để làm công việc của họ dễ dàng hơn là một tinh thần hết sức lành mạnh, có ích cho cộng đồng chứ không riêng gì AMD cả. Chẳng hạn như công nghệ TressFX Hair của chúng tôi chạy tốt đều như nhau trên cả nền AMD và Nvidia”.

Trở lại với tựa game Watch dogs. Khi được chạy thử trên các dòng card đồ họa mới nhất của AMD và Nvidia, kết quả cho thấy sự khác biệt rất đáng chú ý. Rõ ràng là Watch dogs được tinh chỉnh để chạy tốt nhất trên card của Nvidia, nhưng điều đáng nói là game gần như không hề ngó ngàng gì đến các dòng card AMD luôn. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một làn sóng phẫn nộ của game thủ khi họ hiểu lầm rằng bản thân những chiếc card đồ họa của AMD không đủ mạnh để chạy Watch dogs, trong khi sự thật là chính Watch dogs đã không hề mở rộng vòng tay cho AMD.

Mặc dù Robert Hallock đã cam kết rằng đội ngũ nhân viên của AMD sẽ nỗ lực hết mình để cho ra một bản cập nhật driver mới nhất ngõ hầu giải quyết được vấn đề này, nhưng khả năng thành công có vẻ như không lớn lắm. Với một tựa game sử dụng chính Nvidia GameWorks làm nền tảng phát triển, thì bất kỳ một hãng nào khác ngoài Nvidia xem ra không hề có cơ hội chỉnh sửa gì được để tương thích với nó cả.

AMD vs Nvidia

(Ảnh: Eurogamer)

Thậm chí ngay cả khi so sánh giữa một chiếc card giá 500 USD của AMD (Radeon 290x), hiệu năng chạy Watch dogs của nó còn chật vật không theo nổi một chiếc card giá 300 USD của Nvidia (GTX 770). Đây không phải là vấn đề sức mạnh hay kỹ thuật của từng loại card nữa, vì khi thử nghiệm trên những tựa game trung lập như Metro: Last light, Radeon 290x cho ra kết quả benchmark mạnh hơn đến 51% so với GTX 770. Xét về giá cả và sức mạnh, GTX 770 không có cửa so sánh với Radeon 290x mà phải cầu viện đến đàn em siêu mạnh GTX 780Ti mới có “vé”.

Cuối cùng, tuy có vẻ không liên quan, nhưng mọi người nên biết là nền tảng đồ họa Unreal Engine 4 mới nhất đến từ hãng Epic cũng sử dụng Nvidia GameWorks làm cốt lõi phát triển. Trong khi phiên bản tiền nhiệm Unreal Engine 3 là mã nguồn mở và thân thiện với tất cả các nhà phát triển. Có vẻ như trong cuộc chiến dài hơi này, Nvidia đã đè nén AMD một cách hiệu quả nhờ vào những động thái hết sức ức chế, và cũng không kém phần “chơi bẩn”. Nhưng trong chiến tranh thì “binh bất yếm trá”, và “thương trường như chiến trường” mà! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.