CKTG mùa 2015: Vì sao cả Origen và Fnatic đều thất bại trước người Hàn ?

27/10/2015 17:11 GMT+7

Dù châu Âu đã có những tiến bộ vượt bậc trong thời gian ngắn để vào đến tận bán kết, nhưng khoảng cách giữa họ và Hàn Quốc vẫn là cái gì đó quá khó để san lấp.

Việc Origen hay Fnatic thất bại đã là điều được dự đoán từ trước, nhưng hiếm ai nghĩ rằng họ lại thua trắng như vậy. Cả hai cặp đấu bán kết tại Chung kết Thế giới Liên Minh Huyền Thoại mùa 2015 đều kết thúc với tỉ số cách biệt 3-0, hãy cùng Thanh Niên Game phân tích điều gì đã khiến những xPeke, YellOwStaR phải cay đắng ra về như vậy.

Bí bách trong chiến thuật

Trước khi bán kết diễn ra, hầu hết đều đánh giá rằng Hàn Quốc vẫn nhỉnh hơn phần còn lại của thế giới về mặt kỹ năng, thứ duy nhất có thể giúp châu Âu chiến thắng chỉ có thể đến từ những con bài đặc biệt. Sự thật cũng đã chứng minh điều đó khi Origen liên tục sử dụng Anivia tại đường giữa, cũng như cặp đôi Kalista - Tamh Kench thống trị bản đồ, hay Fnatic có xạ thủ Kennen bá đạo trong giao tranh tổng, v.v. nhưng rất tiếc, tất cả những thứ này đều vô hại trước người Hàn.

Kennen của Fnatic bị bắt bài hoàn toàn

Nếu chúng ta để ý từ giai đoạn vòng loại tới giờ, các đội tuyển Hàn Quốc gần như chỉ sử dụng những vị tướng trong hoặc khắc chế theo meta, hoàn toàn rất ít các lựa chọn mới lạ. Điều này cho thấy họ không bị ảnh hưởng bởi lối chơi của đối thủ, hoặc chưa bị dồn vào chân tường để tung ra vũ khí bí mật. Nhưng với châu Âu thì sự tình lại rất khó khăn, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng cả Origen lẫn Fnatic đều đã móc sạch bài tủ ra rồi, không thể đòi hỏi sự sáng tạo liên tục trong một thời gian ngắn được, chưa kể nó đã bị nắm thóp rất kỹ.

Có thể lấy ví dụ trong hai trận đấu đầu tiên giữa SKT T1 và Origen. Thông thường Faker sẽ ra trận để đối phó với kiểu tuyển thủ thích cù nhây như xPeke, nhưng bất ngờ đó lại là Easyhoon - người có khả năng farm tốt nhất thế giới. Kết quả là SKT T1 khóa chặt hoàn toàn đường giữa khi Easyhoon chỉ chăm chăm bám dính một chỗ, Bengi được thả rông khắp nơi để hỗ trợ đồng đội.

Easyhoon có lối chơi giống y xPeke (Ảnh: Facebook)

Khi đối thủ chỉ đứng yên một chỗ phòng thủ, xPeke chẳng thể nào di chuyển vì sợ mất trụ, dẫn đến việc măc dù có chỉ số lính tốt nhưng anh ta gần như vô hại trong suốt trận đấu, kể cả đã sử dụng Anivia. Khi linh hồn của Origen không thể tỏa sáng, họ coi như đã mất đi hơn phân nửa sức mạnh.


Hai pháp sư chỉ cắm mặt vào farm

Vấn đề của Fnatic lại nằm ở cách đánh của họ. Nhà vô địch châu Âu có lối chơi cực kỳ mạnh mẽ và quyết liệt giai đoạn đầu, cũng như các ngòi nổ nguy hiểm để lăn cầu tuyết chớp nhoáng. Nhưng yếu điểm dễ nhận thấy nhất chính là việc quá phụ thuộc vào Huni, anh ta bắt buộc phải xanh để tạo tiền đề cho đồng đội, điều này đã khiến họ thua trong trận bán kết với KOO Tigers. Tuy Febiven và Rekkles đều có khả năng gánh đội, nhưng nếu xét về mặt xoay chuyển thế trận, Fnatic vẫn trông chờ hoàn toàn vào Huni.

Việc quá tập trung cho đường trên đã khiến Fnatic bỏ đi vũ khí rất lợi hại của mình - Rekkles. Trong cả ba trận đấu xạ thủ của họ đều rất nhạt nhòa. Một phần do chất tướng khi anh không sử dụng các siêu xạ thủ, lý do lớn hơn nằm ở chỗ tài nguyên đã được dồn hết lên đường trên. Reignover liên tục cắm trại cho Huni, YellOwStaR chọn toàn mẫu hỗ trợ mở giao tranh, Rekkles bị bỏ mặc cho tự bơi và rất hiển nhiên anh ta không thể sống nổi.

Hojin có chỉ số lính chưa tới phân nửa Reignover

Nhìn qua KOO Tigers, chính cặp đôi đường dưới của họ mới là chìa khóa chiến thắng khi PraY liên tục có những cú Định Mệnh Vẫy Gọi [R] chuẩn xác, cũng như việc Hojin chấp nhận thua lính cực nhiều để luôn luôn đứng sau bảo vệ đường dưới.

Thua kém về kỹ năng cá nhân

Chung kết Thế Giới mùa 2015 đã chứng kiến rất nhiều cuộc lật đổ ngoạn mục giữa các khu vực. Các đội tuyển đánh ngang ngửa nhau và trình độ giữa người chơi được thu hẹp đáng kể. Nhưng vẫn câu nói cũ "điều này không áp dụng đối với người Hàn", họ vẫn thuộc một đẳng cấp khác, quá cách biệt với tất cả.

Tại hai trận bán kết vừa rồi, chúng ta có thể chứng kiến rõ ràng hơn sự chênh lệch kỹ năng cá nhân giữa các tuyển thủ. Nếu như với cặp đấu đầu tiên, mọi chuyện đã được dự đoán từ trước khi Marin ở một đẳng cấp khác xa so với sOAZ. Người đi đường trên của Origen chỉ có hít không khí mà sống mỗi khi chạm mặt đối thủ.

Trong cả ba trận Marin đều hành sOAZ xây xẩm mặt mày, thậm chí kể cả khi bị hỏi thăm liên tục, đội trưởng SKT T1 vẫn biết cách phân phối áp lực bằng cách đi đẩy lẻ vào cuối trận. Thực sự, sOAZ cũng thuộc top tuyển thủ đường trên hàng đầu, chẳng qua Marin lại là người... giỏi nhất thế giới mà thôi.


Fiora chỉ canh đánh lẻ chứ không giao tranh trực diện

Với Fnatic, vấn đề cũng gần tương tự như vậy, Smeb và Hojin cuối cùng cũng cho chúng ta thấy rằng tuy cùng là đồng hương, nhưng môi trường luyện tập đã ảnh hưởng tới trình độ người chơi đến thế nào. Trong cả ba trận bán kết, Huni đã bị Smeb chơi trên cơ không phải chỉ một lần, hay cách Hojin kiểm soát bản đồ khi đang bị thua tiền khủng khiếp là như thế nào. Cả hai tuyển thủ Fnatic đều có một khoảng cách khá xa so với đối thủ, có thể thấy rõ qua việc Huni thua Smeb tuyệt đối ở tất cả các kèo đấu, kể cả chất tướng có thay đổi.

Mọi người chỉ nhìn vào cách chàng béo tung hoành với Riven, mà quên rằng đó là tại LCS chứ không phải LCK - giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Kết quả ra sao ai cũng rõ, Fnatic chấp nhận cúi đầu trước KOO Tiger, cũng như Huni thua triệt để dưới tay Smeb.


Pha outplay mẫu mực của "kiếm thánh" Smeb

Tâm lý thiếu ổn định

Một vấn đề nữa cũng khiến hai đại diện châu Âu phải nhận trái đắng chính là việc họ quá dễ xuống tinh thần. Cả Origen lẫn Fnatic đều thất bại với cùng một kịch bản y như nhau: trận đầu họ có lợi thế cực lớn nhưng lại để đối thủ lật kèo, trận hai khởi đầu cân bằng và thất bại trong giao tranh tổng, trận ba đơn giản chỉ là buông xuôi tất cả.

Có nhiều lý do để giải thích chuyện này, ví dụ như áp lực để làm hài lòng khán giả nhà, việc lần đầu tham dự Chung kết Thế Giới khiến các tuyển thủ trẻ mắc sai lầm, bị lật kèo khi đã nắm chắc phần thắng, v.v. nhưng nguyên nhân sâu xa nhất có lẽ nằm ở thể thức thi đấu của hai khu vực châu Âu và Hàn Quốc.


Riven của Huni thảm hại 0-8 ở trận đấu cuối

LCS châu Âu vẫn trung thành với thể thức Bo1 khi thi đấu vòng bảng - giai đoạn dài nhất cả giải đấu, trong khi đó tại LCK đã sử dụng Bo3 từ rất lâu rồi. Vấn đề dễ nhận thấy nhất ở đây, các đội châu Âu rất nhanh đổ vỡ sau khi mất lợi thế, họ không được rèn luyện trong chặng đường dài, áp lực phải thắng đè nặng lên vai nếu chẳng may thất bại ở trận 1. Bo1 có đặc điểm là kết thúc nhanh, có lợi cho cả khán giả lẫn ban tổ chức, nhưng nó lại thiếu đi sự quyết liệt cần thiết.

Nếu nhìn sang LCK, mỗi trận đấu đều là cuộc chiến không khoan nhượng và đội thua có quyền làm lại nếu đủ bản lĩnh. Thực tế cũng chứng minh các đội Hàn Quốc không bao giờ nao núng khi bị dẫn trước, họ đã quá quen với Bo5 và biết cơ hội vẫn còn ở những ván sau. Có thể thấy rõ ràng trong hai trận đấu đầu tiên ở bán kết, mặc dù SKT T1 lẫn KOO Tigers đều bị dẫn khá xa, nhưng các thành viên vẫn cố chắt chiu từng cơ hội và tìm cách lật lại vào cuối trận. Tinh thần cũng là thứ vũ khí lợi hại, nhất là ở những giải đấu áp lực như Chung kết Thế Giới.

Năm người SKT T1 rút về ngay lập tức sau khi ăn rồng

Lời kết

Tuy châu Âu bây giờ đã là khu vực mạnh thứ hai thế giới, nhưng có vẻ khoảng cách giữa họ với người Hàn vẫn quá khó để san lấp. Kỹ năng, chiến thuật, tâm lý và cách đào tạo tài năng, v.v. tất cả điều này rõ ràng không thể bắt kịp trong thời gian ngắn.

Trận chung kết Chung kết Thế Giới mùa 2015, đáng buồn thay lại là cuộc nội chiếc giữa hai đội tuyển đến từ LCK. Dù cuối cùng ai lên ngôi thì cán cân sức mạnh vẫn y như cũ, Hàn Quốc vẫn sẽ độc bá nền Liên Minh Huyền Thoại một thời gian rất lâu nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.