Con dao, đứa trẻ, gia đình và... ngành game Việt

13/01/2014 07:30 GMT+7

"Nếu mẹ dẹp bỏ con dao làm bếp chỉ vì sợ tôi đứt tay, thì làm sao gia đình tôi có thể thưởng thức những món ăn ngon lành được?"

Sinh ra tại thành phố biển Nha Trang, có lẽ tôi là một trong những đứa trẻ may mắn trúng được giải “xổ số bố mẹ” (nói theo cách Randy Pausch - tác giả cuốn sách tự truyện Bài giảng cuối cùng - The last lecture) khi may mắn sinh ra trong một gia đình tuy chưa thuộc loại khá giả nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Chúng tôi vẫn nhận được những bộ quần áo đẹp, những món đồ chơi thú vị dành cho tuổi thơ quý báu của mình.

Tôi biết để có được những thứ ấy cả hai người, ba và mẹ tôi đã phải khổ cực làm việc, thậm chí bớt đi khoản ăn uống để lo cho chúng tôi. Tôi biết ơn về điều ấy. Nhưng “giải thưởng” mà tôi muốn nói ở đây không phải về mặt vật chất mà là mặt tình cảm và giáo dục, những thứ giúp tôi rất nhiều về sau này.

 Con dao, đứa trẻ, người cha và ngành game - 01

Randy Pausch cùng gia đình (Ảnh: Telegraph)

Còn nhớ năm tôi tám tuổi, trong một lần nghịch ngợm vô tình, tay tôi bị một con dao gọt hoa quả cắt phải. Lần đầu tiên biết được thế nào là sự sắc bén của một con dao, tôi khóc ré lên, khuôn mặt đỏ bừng còn hai khóe mắt không ngừng rơi lệ. Từ đằng xa mẹ tôi hốt hoảng chạy đến. Chụp lấy ngón tay đầy máu, bà nhanh chóng xoa dịu vết thương và làm tôi yên tâm bằng những lời dịu ngọt. Nhưng, khi thấy bóng ba rảo bước qua cửa, cơn mít ướt của tôi lại trỗi dậy.

Bằng giọng ngọng ngịu, tôi kể cho ông chuyện vừa xảy ra và ông chăm chú lắng một cách nhẫn nại. Nhưng khi tôi nói, “con ước trên đời này sẽ không có con dao”, thì cả ông và mẹ đứng gần đó đã phá lên cười trong sự ngơ ngác của con trẻ. “Vậy làm sao mẹ cắt nhỏ thịt lợn kho tiêu cho con ăn được?” ông hỏi. Và đó là bài học đặc biệt từ ông mà tôi nhớ như in cho đến ngày nay.

Tôi hiểu rằng con dao chỉ là một công cụ, và chúng ta không thể “hủy diệt” nó chỉ vì nó có khả năng làm ta chảy máu.

Từ câu chuyện thơ ấu, nhìn lại những gì đang xảy ra ở ngành game, tôi cứ mãi bị ám ảnh bởi câu hỏi “có phải chúng ta đã quá khắt khe với nó?”. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành game được thừa nhận và đối xử công bằng như mọi ngành doanh thương khác. Thậm chí, nhiều quốc gia còn chọn ngành game làm hạt nhân thúc đẩy ngành công nghệ cao phát triển nhanh chóng.

Về mặt kinh tế, ngành game đã đem về 93 tỉ USD doanh thu trên toàn cầu trong năm 2013. Tại Trung Quốc, ngành này cũng giúp các doanh nghiệp game hơn 13 tỉ USD và hàng triệu việc làm cho người dân. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có các số liệu thống kê chính thức, nhưng  các công ty Việt Nam đã có lúc thu về đến hàng trăm triệu USD.

 Con dao, đứa trẻ, người cha và ngành game - 02

Tốc độ tăng trưởng nhảy vọt về doanh thu của ngành game Trung Quốc (Ảnh: 17173)

Mặc những con số ấn tượng như trên, đáng tiếc là ngành game vẫn bị "đính tên" cùng các tệ nạn xã hội như cướp của, giết người, trộm cắp... Khi phỏng vấn một thanh niên vừa bị bắt vì tội trộm cắp, câu hỏi đầu tiên của phóng viên thường là “anh có chơi game không?”. Nếu (may mắn cho anh phóng viên) là đối tượng trả lời “có”, xã hội sẽ nhận được ngay bài viết “Nghiện game, một thanh niên đi ăn cắp”. 

Dĩ nhiên, cách ví dụ trên chỉ là một cách diễn đạt "sờ thấy được", minh họa cho ý của người viết. Nhưng một thực tế khó chối bỏ, là xã hội đang nhìn người chơi game và ngành game  bằng... ánh mắt phiến diện.

Vì sao? Nếu đặt một cá nhân trong góc độ "tổng hòa các mối quan hệ xã hội", thì những hành động tiêu cực, cũng sẽ là hệ quả của một chuỗi các mối quan hệ xã hội tiêu cực, và ngược lại.

Một chuyên gia ngành game (đề nghị không nêu tên) nhận định: "Các công cụ quản lý "gây khó" cho các công ty trong nước, nhưng lại vô tác dụng với các công ty nước ngoài, hoặc không phù hợp với tốc độ thay đổi của thị trường".

Hy vọng, những “ông bố, bà mẹ” sẽ có những điều chỉnh thích hợp để giúp công chúng có cái nhìn đúng hơn về “con dao” - ngành game.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.